Hà Nội di dời người dân ra khỏi nội đô: Phải có "đất" cho giới trẻ khởi nghiệp

Sông Bùi - Nam Phương Thứ năm, ngày 28/10/2021 13:34 PM (GMT+7)
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nếu di dời người dân ra khỏi nội đô thì phải "có đất" cho giới trẻ khởi nghiệp.
Bình luận 0

Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259 của Thủ tướng (QHC1259), bên cạnh những kết quả đạt được cũng cho thấy nhiều bất cập lớn, đặc biệt là việc dân số Hà Nội đang quá tải ở khu vực nội đô.

Theo đánh giá của Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội, sau gần 10 năm cụ thể hóa QHC1259, đến nay dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người.

Hà Nội di dời người dân ra khỏi nội đô: Phải có "đất" cho giới trẻ khởi nghiệp - Ảnh 1.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: LĐTĐ.

Áp lực cho nội đô khi dân số quá tải

Về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, dân số quá tải ở nội đô Hà Nội trong 10 năm qua chủ yếu tăng là cơ học, còn tỉ lệ sinh đẻ đã giảm đi nhiều. 

Bên cạnh đó, đời sống người dân được nâng cao, cơ cấu tuổi thọ người dân Hà Nội trung bình cao hơn các địa phương trên cả nước, thậm chí cao hơn nhiều nước trên thế giới.

Ông Nghiêm phân tích, việc nội đô quá tải về dân số dẫn đến áp lực về nhiều mặt như: Hạ tầng kỹ thuật, biến đổi dân số, ùn tắc giao thông, rác thải, khí khậu, môi trường, y tế, con người…

"Nếu bây giờ Hà Nội cứ tiếp tục tăng dân số thì sẽ không giải quyết được những khó khăn trong giai đoạn 10 năm vừa qua và những thách thức phía trước như: Gia tăng tỉ lệ giao thông, ô nhiễm môi trường, công trình công cộng... Vì vậy, một trong những giải pháp đặt ra là phải chú trọng, thúc đẩy quy hoạch vùng, để các tỉnh khác phát triển và có sức cạnh tranh, thu hút lao động, không để dồn hết về nội đô Hà Nội", ông Nghiêm nói.

Hà Nội di dời người dân ra khỏi nội đô: Phải có "đất" cho giới trẻ khởi nghiệp - Ảnh 2.

Dân số Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội đô tăng vượt ngưỡng quy định so với quy hoạch chung của Chính phủ tạo nên nhiều áp lực. Ảnhh: Thành An

Nhấn mạnh thêm về quy hoạch vùng thủ đô, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng, muốn giảm được dân số ở vùng nội đô Hà Nội thì việc quan trọng là phải phát triển các vùng ngoại thành, đặc biệt là vùng thủ đô. Vì nếu phát triển 9 tỉnh vùng thủ đô như theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009 và điều chỉnh năm 2016 thì sẽ tạo ra sức hút lớn đối với lao động… từ đó dân số Hà Nội không tăng theo cơ học như giai đoạn vừa qua.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho biết, một nguyên nhân nữa dẫn đến việc nội đô Hà Nội quá tải trong giai đoạn vừa qua là do chậm trễ trong việc di dời người dân ra khỏi khu vực này bởi "chưa có điểm đến thích hợp cho người dân". "Nếu chúng ta giải quyết được 5 đô thị vệ tinh với 6 vạn dân thì phần nào giải quyết được vấn đề này", ông Nghiêm nói.

Hà Nội di dời người dân ra khỏi nội đô: Phải có "đất" cho giới trẻ khởi nghiệp - Ảnh 3.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Nam, nếu Hà Nội xây dựng được 5 đô thị vệ tinh với 6 vạn dân thì phần nào giải quyết được vấn đề dân số quá tải ở nội đô hiện nay. Trong ảnh: Đại lộ Thăng Long - hướng đi Hoà Lạc. Ảnhh: Thành An.

Phải  có ưu đãi khi di dời dân khỏi nội đô

Bàn về giải pháp, theo ông Nghiêm, nếu di dời người dân thì phải tạo ra khu vực không khí trong sạch, có hệ sinh thái xanh, trường học, chợ, siêu thị… đặc biệt phải "có đất" cho giới trẻ khởi nghiệp.

"Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản là họ tạo ra khu sinh thái, khu thị trấn xanh… Còn Kuala Lumpur (Malaysia) thì họ xây cho dân cả nhà thờ, không gian xanh, giảm giá đất, thậm chí tuỳ vào từng đối tượng họ tặng không cả nhà ở…", ông Nghiêm dẫn chứng và nhấn mạnh: "Hà Nội chúng ta chưa biết làm chỗ này, chúng ta chưa bàn đến cơ chế tạo thuận lợi cho người dân di dời.

Cho nên, hiện nay Hà Nội phải có chế độ ưu đãi. Ví như đưa người dân ra khỏi nội đô thì không chỉ đưa họ vào khu chung cư, mà phải có nhiều hình thức nhà ở để họ tiếp cận và phải có hạ tầng xã hội lành mạnh hấp dẫn, thu hút người dân".

Hà Nội di dời người dân ra khỏi nội đô: Phải có "đất" cho giới trẻ khởi nghiệp - Ảnh 4.

Khu nhà giãn dân phố cổ ở phường Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) có vị trí đẹp, giao thông thuận tiện nhưng bỏ hoang vì người dân không đến ở. Ảnh: Khôi Lâm.

Đề cập đến vấn đề di dời nhà máy cũ khỏi nội đô vẫn còn chậm trễ như trong báo cáo của Sở QHKT Hà Nội, ông Nghiêm cho rằng: Di dời nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội là một chủ trương rất đúng của Chính phủ và TP.Hà Nội, nhưng di dời để làm cái gì thì đang có những ý kiến trái chiều.

"Có người bảo nên tạo ra những không gian sáng tạo, nhất là những người trẻ tuổi nhưng có những người bảo phải thực hiện theo quy hoạch là tạo ra không gian xanh và các công trình công cộng vì Hà Nội đang thiếu. Theo tôi không gian sáng tạo là cần nhưng cần phải cân bằng với các không gian khác như không gian xanh và không gian giáo dục", ông nói.

Chậm di dời bệnh viện, trường học… vì thiếu chính sách

Theo đánh giá của Sở QHKT Hà Nội, hiện nay, các các bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực nội thành Hà Nội cơ bản không còn quỹ đất để mở rộng, tầng cao bị hạn chế. Việc thực hiện di dời các cơ sở y tế ô nhiễm tại khu vực nội thành theo định hướng QHC1259 và Quyết định 130 của Thủ tướng còn chậm và chưa đồng bộ, do có nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách.

Do đó, việc kiểm soát quỹ đất sau khi di dời để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội (HTXH), hạ tầng kỹ thuật (HTKT) còn thiếu, gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được. Không những không di dời được mà ngược lại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tuyến T.Ư ngày càng phình to dẫn đến gây áp lực, quá tải về hệ thống hạ tầng giao thông, HTKT, HTXH.

Với hệ thống giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng, Sở QHKT Hà Nội đánh giá, việc điều chỉnh phân bố mạng lưới các trường đại học, cao đẳng chưa đạt yêu cầu; chưa hình thành đô thị đại học tại Hoà Lạc do các trường đại học chưa di dời về đây.

Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị đại học, quần thể các trường đại học đồng bộ, hiện đại cả về kiến trúc lẫn hạ tầng tại khu vực các huyện, thị xã: Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Chúc Sơn vẫn chưa được triển khai.

Bên cạnh đó, việc triển khai 5 đô thị vệ tinh vẫn "giậm chân tại chỗ". Theo tính toán, 5 đô thị vệ tinh có diện tích tự nhiên khoảng 439km2, tổng diện tích đất xây dựng đô thị tối đa khoảng 35.200ha; dân số năm 2030: 1.377 nghìn người, đến năm 2050: 1.787 nghìn người. Gồm các đô thị với chức năng riêng: Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn ...

.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem