Hà Nội: Hàng loạt dự án BĐS được phép "bung" hàng

Thái Bình Thứ năm, ngày 09/02/2017 06:30 AM (GMT+7)
Mới nhất, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố danh sách các dự án địa ốc đủ điều kiện đưa sản phẩm vào kinh doanh trên thị trường. Tính sơ sơ từ sau khi công bố đợt 1 hồi tháng 6.2016 đến tháng 1.2017, BĐS Thủ đô đón thêm ước tính 70 dự án chính thức được phép giao dịch chuyển nhượng.
Bình luận 0

img

Hầu hết các tên tuổi mạnh đều đã đủ điều kiện sản phẩm ở những dự án tiêu điểm bậc nhất Hà thành

So găng hàng cao cấp

Năm 2016 chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều thế lực mới trong giới kinh doanh, phát triển BĐS địa bàn Hà Nội. Còn nhớ, đó là những cái tên "đình đám" như Sunshine Group (khởi đầu bằng thương vụ thâu tóm dự án tại khu đất 16 Phạm Hùng và liên tiếp những siêu dự án đắc địa khác như Sunshine Boulevard, Sunshine Garden...); Hải Phát Group với lần lượt những dự án triệu đô như Roman Plaza, Phú Lương, Shophouse An Phú; Capital House qua dấu ấn Ecolife hay đơn giản chỉ là "người khổng lồ quá khứ" Nam Cường âm thầm trở lại bằng AnLand tại Dương Nội.

Danh mục chấp thuận bán BĐS hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng phê duyệt cho thấy hầu hết các tên tuổi mạnh đều đã đủ điều kiện sản phẩm ở những dự án tiêu điểm bậc nhất Hà thành. Sunshine Group góp mặt với tổ hợp thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê và nhà ở chung cư ADG Garden tại ô đất I1-HH1 thuộc Quy hoạch chi tiết Khu nhà ở Ao Mơ, phường Mai Động, phường Vĩnh Hưng quận Hoàng Mai và phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Nhờ văn bản cho phép của Sở Xây dựng ngày 28.6.2016, 1.263 sản phẩm của dự án này đã được thông quan tới người tiêu dùng. Còn nhớ, cuối năm vừa qua, dự án này từng "gây sốc" người mụa nhà lẫn giới đầu tư bởi tình trạng dừng thi công đột nhiều tháng.

Một dự án khác thuộc sở hữu của Sunshine Group tại 16 Phạm Hùng cũng hoàn thành khâu pháp lý cuối cùng trước khi tới tay người mua là Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và nhà ở Sunshine Center (214 căn). Như vậy, sau "cú thâu tóm" trị giá 1.600 tỷ đồng , siêu dự án từng bê bết vì sai phạm (dưới thời chủ đầu tư Công ty TNHH Mai Trang), người khổng lồ Sunshine Group đã bước đầu cụ thể hóa dự án "bom tấn" này.

Không quá nổi bật trên phương tiện truyền thông, tổ hợp Mỹ Đình Pearl của Công ty CP BĐS Dầu khí Việt Nam – SSG cũng đã cán đích pháp lý cuối cùng: 984 căn hộ thuộc Dự án chính thức được chuyển nhượng mua bán từ 30.12.2016. Đây là dự án cao cấp có sức cạnh tranh đáng kể với những tổ hợp gần kề bởi vị trí, hạ tầng giao thông cũng như tiến độ ổn định.

Ngoài ra, Geleximco của đại gia Tiền "còi" cũng tỏ ra không kém cạnh với số lượng BĐS được chấp thuận kinh doanh lên tới gần....2.800 căn hộ tại dự án Ngôi sao An Bình 2 (An Binh City).

Ở khu đất vành khăn Trần Duy Hưng, thông tin 898 sản phẩm nhà ở thuộc Star City Center Trần Duy Hưng cũng lập tức khiến chủ đầu tư Công ty CP đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Xanh thu hút thị trường.  Trường hợp cuối cùng, phải nhắc tới sự góp mặt (được dự đoán từ trước) của Vingroup với Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp – Vinhomes Metropolis tại 29 Liễu Giai (1.576 căn) hay Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, căn hộ và khu đỗ xe công cộng 69B Thụy Khuê (519 căn)...

Hạ tầng, tắc nghẽn – vẫn lo dài dài

Tại địa bàn quận Thanh Xuân, khá nhiều tổ hợp chung cư cao cấp, liền kề biệt thự đã chính thức được Sở Xây dựng chấp thuận cho phép kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai.

Liệt kê sơ sơ như sau: khu nhà ở tại 96-96B Nguyễn Huy Tưởng (Him Lam Thủ đô làm chủ đầu tư) cung ứng 60 sản phẩm; chung cư Legend Tower (109 Nguyễn Tuân) của Công ty CP Đại Việt Trí Tuệ với 460 căn; Dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở tại lô đất NO 4.5 Lê Văn Lương (mặt đường) của chủ đầu tư là công ty CP phát triển đầu tư Hà Nội-HDIS ra mắt 402 căn chung cư; Dự án Khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ Riverside Garden (VIDEC – Prosimex liên danh chủ đầu tư) với 583 căn đủ điều kiện bán hàng... Điểm chung của những dự án này là vị trí đắc địa giữa trung tâm, tiện ích dân trí ổn nhưng đều gặp lo ngại liên quan tới hạ tầng giao thông quá tải. Những tổ hợp nằm tại mặt đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương, Vũ Tông Phan hay Vũ Trọng Phụng (dự án Rivera Park Hà Nội của Long Giang Land – Vinaremon) đều chung "dấu hỏi" về điều kiện lưu thông khi cơ cấu dân số gia tăng đột biến (dự án đón dân về ở).

Theo tìm hiểu của PV, "phao cứu sinh" duy nhất cho đội quân bán hàng dự án dạng này chỉ nằm ở các kế hoạch, quy hoạch mở đường của nhà quản lý.

Ví dụ tại dự án 349 Vũ Tông Phan: để thuyết phục người mua về tương lai giao thông thông suốt, đa phần môi giới đều khẳng định con đường Vương Thừa Vũ kéo dài sắp được triển khai sẽ "giải quyết" tất cả. Tuy nhiên, dự án giao thông này hiện mới chỉ nằm trên bàn nghị sự của TP Hà Nội. Giới thạo nghề quy hoạch nhận định: "Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông "delay tiến độ" của Hà Nội nhiều năm qua".

Cũng bi đát không kém, Thanh Xuân Complex (của Công ty CP phát triển Thanh Xuân) mới đây đã được phép bán hàng 378 căn hộ. Đặt tại mặt phố Lê Văn Thiêm – nơi gánh tải nhu cầu đi lại của hàng loạt tòa nhà cao tầng xung quanh, cùng cơ sở đào tạo phổ thông, ĐHCĐ, dự án đang phải đối mặt với tâm lý e dè của người mua để ở về một tương lai "ùn ứ tại chân công trình" khi dọn về ở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem