Hà Nội: Không để xảy ra chuyện thiếu lương thực, thực phẩm trước, trong và sau dịch Covid-19

Hồng Liên Thứ hai, ngày 02/08/2021 16:40 PM (GMT+7)
TP. Hà Nội hiện có khoảng 10,33 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc. Theo tính toán về nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, vẫn cần cung ứng nhiều loại nông sản từ các tỉnh bên ngoài thành phố.
Bình luận 0

Cụ thể, mỗi tháng về sản lượng gạo mới chỉ đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân so với nhu cầu là 92.970 tấn; thịt lợn chỉ đáp ứng 94,1% nhu cầu; thịt trâu, bò đáp ứng được 19,3% nhu cầu; gia cầm đáp ứng đủ nhu cầu; trứng gia cầm đáp ứng được 94,2%; thủy sản đáp ứng hơn nửa nhu cầu. Sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn hơn 67.000 tấn, mới đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu; về thực phẩm chế biến trên địa bàn đáp ứng 19%...

Lên kịch bản từ sản xuất đến lưu thông

Vừa qua, Bộ NNPTNT và UBND TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm trong điều kiện dịch Covid-19. Tại điểm cầu Bộ NNPTNT có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cùng các cục, vụ, viện, các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng.

Lên kịch bản cung ứng thực phẩm an toàn cho Thủ đô - Ảnh 1.

Nguồn cung lương thực cho Hà Nội trước mắt không bị ảnh hưởng vì sản xuất vẫn dồi dào. Ảnh: H.L

"Cùng với các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng, Bộ NNPTNT sẽ tiên phong và sát cánh cùng Hà Nội bảo đảm lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Phùng Đức Tiến

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đến nay, Sở đã tổng hợp danh sách 616 cơ sở đầu mối cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh thuộc chuỗi 21 tỉnh, thành phố phía Bắc cung ứng cho thị trường Hà Nội để các siêu thị, điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn khai thác nguồn cung hàng hóa trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối hiện đại... thực hiện phương án bảo đảm nguồn hàng trong tình hình dịch bệnh. Mặc dù Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa để bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong điều kiện giãn cách xã hội, song Giám đốc Sở NNPTNT - Chu Phú Mỹ cho rằng, Hà Nội còn có những khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là khâu lưu thông

"Đề nghị Bộ NNPTNT cập nhật kiến nghị của các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ giải quyết những nhu cầu chính đáng trong điều kiện xảy ra dịch Covid-19 như: Phương án cấp mã nhận diện kiểm tra phương tiện vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển các nhóm thực phẩm tươi sống, mau hỏng và các nhóm vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất như con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón… bảo đảm nhanh nhất và thông suốt trên địa bàn"- ông Chu Phú Mỹ kiến nghị.

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nguồn cung nông sản hàng hóa thực phẩm là ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội.

Cụ thể, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên khiến thương lái tại các tỉnh lo ngại khi vào địa bàn tỉnh để thu mua nông sản. Ngoài ra, nguy cơ dịch xảy ra ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở giết mổ tập trung làm gia tăng việc đứt gãy chuỗi cung ứng… Theo đánh giá của Bộ NNPTNT , nhu cầu sản xuất và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nhất là gạo, thịt trâu/bò, rau, củ, quả và sản phẩm chế biến…

Bà Nguyễn Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dù sức mua tăng đột biến, hàng hóa vẫn bảo đảm đủ cho người dân. Tuy nhiên, điều bà Lan lo ngại là, trong tình huống xấu, nếu số ca F0 tăng cao, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách, trong khi các địa phương khác cũng có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt hơn, thì việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội có thể khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, cần rà soát lại sản xuất nông nghiệp từng huyện cung ứng lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô. Với nguồn cung tại chỗ, hiện nay, mới có 113 kho lạnh để dự trữ, trong điều kiện dịch diễn biến xấu hơn thì việc tập kết nông sản vào các kho này và và bố trí hàng trung chuyển ven khu vực nội đô là kịch bản đầu tiên phải quan tâm. Hà Nội đã có 786 chuỗi an toàn thực phẩm liên kết với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc, cần rà soát năng lực cung ứng chuỗi an toàn thực phẩm này. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem