Hà Nội: Người dân lúng túng khi được yêu cầu quét mã QR trên Zalo, Bluezone, Ncovi

Sông Bùi - Nam Phương Thứ bảy, ngày 13/11/2021 07:06 AM (GMT+7)
Trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu PC-Covid là ứng dụng chống dịch thống nhất sử dụng trên toàn quốc thì nhiều điểm quét mã QR code ở Hà Nội vẫn yêu cầu quét mã QR trên Zalo, Bluezone, VHD, Ncovi... khiến nhiều người dân lúng túng.
Bình luận 0

Mỗi nơi một kiểu yêu cầu quét mã QR khai báo y tế

Sáng 9/11, N.T.T đến UBND phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) để làm thủ tục hồ sơ xin việc. Vào đến cổng trụ sở Uỷ ban, chị được bảo vệ yêu cầu quét mã QR "check-in" mới được vào làm thủ tục. Theo hướng dẫn của bảo vệ cũng như bảng thông báo của UBND phường Láng Thượng, chị T phải cài đặt 1 trong 3 ứng dụng VietNam Heath Declaration (VHD), Ncovi, Bluzone" để quét mã QR code.

Hà Nội: Người dân lúng túng khi được yêu cầu quét mã QR trên Zalo, Bluezone, Ncovi - Ảnh 1.

Tấm bảng thông báo yêu cầu người dân quét mã QR khi đến làm việc, liên hệ công tác tại UBND phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) vẫn nêu rõ việc "cài đặt ứng dụng VietNam Heath Declaration (VHD), Ncovi, Bluzone" để quét mã QR code, trong khi hiện nay đã có PC-Covid. Ảnh: Nam Phương.

Khi chị T. vào smartphone tìm ứng dụng Bluezone, VHD hay Ncovi trong kho ứng dụng trên điện thoại thì không thấy mà chỉ hiện lên ứng dụng PC-Covid, việc này khiến chị tỏ ra khá lúng túng không biết khai báo thế nào cho đúng theo quy định của UBND phường Láng Thượng. Loay hoay khoảng 10 phút, chị mới làm xong thủ tục "check-in".

Không chỉ chị T., nhiều người khác đến UBND phường Láng Thượng hay trụ sở UBND một số phường khác trên địa bàn Hà Nội có công việc cũng gặp ít nhiều khó khăn với lý do trên.

Cụ thể, tại UBND phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy), trước khi vào làm việc, người dân được một nhân viên yêu cầu phải khai báo y tế. Tại đây có 2 hình thức khai báo y tế: Khai báo y tế bằng giấy và qua app. Theo thông báo, người dân khai báo y tế điện tử cũng sẽ phải sử dụng 1 trong các nhóm ứng dụng VHD, Ncovi, Bluzone để quét mã QR. Khi được hỏi: Có thể dùng app khác để quét mã hay không?, nhân viên túc trực tại đây cho biết có thể dùng "Sổ sức khoẻ điện tử" hoặc "PC-Covid".

Hà Nội: Người dân lúng túng khi được yêu cầu quét mã QR trên Zalo, Bluezone, Ncovi - Ảnh 2.

Tại UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) thời điểm này vẫn để các điểm quét QR code có từ trước ngày 30/9 (trước khi có sự ra đời của PC-Covid) với nội dung quét QR code qua: Bluezone, VHD, Ncovi… Thậm chí người dân đến liên hệ công tác, làm việc phải đăng ký, khai báo y tế qua giấy. Ảnh: Nam Phương.

Tình trạng này cũng diễn ra tại một số Sở như: GTVT, Tư Pháp, Lao động Thương binh và Xã hội; một số địa bàn quận khác như Thanh Xuân, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Hà Đông… cũng có tình trạng tương tự. Thậm chí, tại trụ sở giao dịch với công dân của UBND quận Cầu Giấy, người dân quét mã QR code qua Zalo rồi nhận đường dẫn và khai báo y tế trên tokhaiyte.vn. 

Đặc biệt, tại trụ sở UBND quận Thanh Xuân lại có những hướng dẫn khác nhau về việc quét QR code và khai báo y tế. Cụ thể, tại bộ phận 1 cửa của UBND quận này, người dân vẫn được yêu cầu quét QR code 1 trong 3 ứng dụng là Bluezone, VHD, Ncovi. Tại một đơn vị khác nằm trong trụ sở UBND quận Thanh Xuân lại yêu cầu người dân quét QR code, khai báo y tế tại 1 trong 4 ứng dụng là PC-Covid, Vneid, VHD, Ncovi.

Hà Nội: Người dân lúng túng khi được yêu cầu quét mã QR trên Zalo, Bluezone, Ncovi - Ảnh 3.

Tại Sở Tư pháp Hà Nội (Hà Đông, Hà Nội) cũng vẫn để các điểm quét QR code có từ trước ngày 30/9 (trước khi có sự ra đời của PC-Covid) với nội dung quét QR code qua: Bluezone, VHD, Ncovi… Ảnh: Nam Phương.

Nhiều ngày qua, ghi nhận của PV Dân Việt cũng cho thấy, không chỉ các trụ sở công quyền trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa thay đổi việc hướng dẫn người dân chỉ dùng app PC-Covid để quét mã QR khai báo y tế như theo quy định của Bộ TTTT, nhiều bệnh viện, trung tâm thương mại, công viên, nhà hàng, quán ăn cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Đơn cử, tại "Vườn thú Hà Nội" hay còn gọi là "Công viên Thủ Lệ, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội đã dựng hai "điểm khai báo y tế trực tuyến", trong đó hướng dẫn người dân "khai báo y tế" qua 5 bước với việc tải 1 trong 3 ứng dụng (Bluezone, Ncovi, VHD) để khai báo y tế trước khi vào "Vườn thú Hà Nội.

Hà Nội: Người dân lúng túng khi được yêu cầu quét mã QR trên Zalo, Bluezone, Ncovi - Ảnh 4.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (đường La Thành, Đống Đa, Hà Nội) người dân được hướng dân dùng PC-Covid, tuy nhiên bệnh viện cũng thông báo người dân có thể dùng Zalo hoặc truy cập trang web… để thực hiện việc khai báo y tế. Ảnh: Nam Phương.

Bệnh viện Nhi Trung ương (đường La Thành, Đống Đa, Hà Nội) cũng dựng một "điểm khai báo y tế điện tử qua điện thoại", trong đó, người dân được hướng dẫn khai báo qua 3 bước. Đáng chú ý, trong bước 1 người dân chọn 1 trong 3 cách, cụ thể ngoài việc sử dụng ứng dụng PC-Covid, người dân còn có thể dùng Zalo hoặc truy cập trang web… để thực hiện việc khai báo y tế.

Thậm chí, tại chợ Sinh viên, đường Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) còn không có điểm khai báo y tế, người dân đến chợ khá đông, nhất là vào những ngày cuối tuần.

Trong các đơn vị mà PV Dân Việt khảo sát, chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có hướng dẫn dễ hiểu. Tại đây, người dân chỉ cần khai báo y tế, quét QR code thông qua PC-Covid, ứng dụng chống dịch thống nhất trên toàn quốc.

Cần thống nhất quét mã QR code trên PC-Covid

Theo một chuyên gia công nghệ, khi người dân vào smartphone tìm ứng dụng Bluezone, VHD hay Ncovi trong kho ứng dụng trên điện thoại thì không thấy mà chỉ hiện lên ứng dụng PC-Covid. "Việc này khiến nhiều người tỏ ra khá lúng túng không biết khai báo thế nào cho đúng cũng là điều dễ hiểu", vị này nói và lý giải, các thông báo in điểm quét mã QR này trên địa bàn Hà Nội có từ trước khi Bluezone, VHD, Ncovi chưa được nâng cấp thành thành PC-Covid hoặc xóa khỏi kho ứng dụng.

Hà Nội: Người dân lúng túng khi được yêu cầu quét mã QR trên Zalo, Bluezone, Ncovi - Ảnh 5.

Tại Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ lệ), người dân "khai báo y tế" qua 5 bước với việc tải 1 trong 3 ứng dụng (Bluezone, Ncovi, VHD) để khai báo y tế trước khi vào "Vườn thú Hà Nội. Ảnh: Nam Phương.

Thực tế, hiện nay, Bluezone đã được chuyển thành PC-Covid, trong khi Ncovi đã bị xóa trên kho ứng dụng App store và Google play (tối 19/10). Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia chưa chia sẻ thông tin về kế hoạch đối với với ứng dụng VHD. Tuy nhiên, hầu hết tính năng của cả ba ứng dụng đều đã tích hợp trong PC-Covid.

Theo đó, đối với những người đã tải các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được khuyến cáo bởi Bộ TTTT, Bộ Y tế như Bluezone khi cập nhật lên phiên bản mới nhất sẽ tự động chuyển về app thống nhất là PC-Covid. Chính vì vậy, khi người dân tìm các ứng dụng này trên điện thoại, dù đã cài đặt trước đó nhưng chỉ tìm được PC-Covid.

"Việc khai báo y tế và quét QR code trên PC-Covid chỉ qua vài bước rất đơn giản. Vì vậy, chỉ cần các địa điểm này đổi nội dung thông báo tại điểm quét QR code từ việc đề nghị quét trên Bluezone, Ncovi, VHD thành quét mã trên PC-Covid sẽ tạo thuận tiện cho người dân rất nhiều trong việc quét mã QR, khai báo y tế, phục vụ công tác chống dịch", vị này cho hay.

Hà Nội: Người dân lúng túng khi được yêu cầu quét mã QR trên Zalo, Bluezone, Ncovi - Ảnh 6.

Hà Nội yêu cầu người dân phải quét mã QR khi đến chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán, nhưng thời gian qua nhiều nơi lơ là, không khai báo y tế. Đơn cử như tại Chợ Nhà Xanh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy). Ảnh: Nam Phương.

PC-Covid đã trở thành ứng dụng chống dịch thống nhất trên toàn quốc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ứng dụng này tích hợp tất cả các tính năng của các ứng dụng chống dịch trước đó như Bluezone, VHD, Ncovi. PC-Covid chính thức có mặt trên App store và Google play từ ngày 30/9.

Sau khi PC-Covid "lên sóng", các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa cũng đã có công văn hướng dẫn các đơn vị trực thuộc về việc sử dụng một ứng dụng chống dịch thống nhất là PC-Covid (sử dụng để: khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa, mã QR cá nhân, mã QR địa điểm, thông tin tiêm chủng và xét nghiệm).

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Sở TTTT Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội vẫn yêu cầu người dân quét mã QR khi TP đang nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch, như bắt buộc phải quét mã QR tại các cơ sở kinh doanh, nơi công cộng, trụ sở văn phòng các cơ quan… 

"Hà Nội đã có văn bản yêu cầu quét mã QR code, khai báo y tế qua 3 nền tảng, ứng dụng chống dịch chung của Bộ (Bluezone, VHD, Ncovi - PV). Còn để nói rõ là ứng dụng PC-Covid chưa có văn bản nào", đại diện Sở TTTT Hà Nội nói và thông tin hiện đơn vị vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của Bộ TTTT về việc sử dụng thống nhất ứng dụng PC-Covid trong chống dịch.

Đã có văn bản hướng dẫn việc thống nhất sử dụng app PC-Covid cho công tác chống dịch

Đại diện trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết, các điểm quét QR code hướng dẫn người dân quét QR, khai báo y tế trên Bluezone, VHD, Ncovi như phóng viên phản ánh trên địa bàn Hà Nội là các điểm chưa cập nhật, tuyên truyền các thông tin cũ.

"Hiện, Hà Nội cũng chưa ban hành quy định của địa phương về vấn đề này. Một số địa phương đã có văn bản hướng dẫn về việc khai báo y tế, quét QR code thống nhất trên PC-Covid như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế", vị này cho biết.

Trong ngày 12/11, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia đã có văn bản hướng dẫn về việc thống nhất sử dụng app PC-Covid cho công tác chống dịch gửi đến các địa phương trên cả nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem