Hà Nội: Phát hiện một số mẫu nguyên liệu trà sữa trân châu chứa chất bảo quản vượt ngưỡng tiêu chuẩn

Phi Long Thứ ba, ngày 02/08/2022 10:30 AM (GMT+7)
Đội QLTT số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều nguyên liệu pha chế trà sữa trân châu chứa chất bảo quản vượt ngưỡng giới hạn so với tiêu chuẩn cơ sở tự công bố.
Bình luận 0

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất trà sữa tại địa chỉ tại số 23, tổ 4, phường Phú Lãm, quận Hà Đông. TP. Hà Nội.

Trong mùa hè nóng bức, nhiều người thường tìm đến các loại đồ uống là trà sữa trân châu nên các sản phẩm nguyên liệu chế biến ra những đồ uống này cũng được bán rầm rộ.

Chỉ cần gõ vào tìm kiếm là hiện ra hàng loạt các trang mạng giao bán set nguyên liệu trà sữa trân châu với giá từ 15.000 đồng/set cho đến 50.000 đồng/set. Các set nguyên liệu trà sữa trân châu cũng đủ loại màu sắc, được đựng trong các túi nilon không hề có nhãn mác, cơ sở sản xuất hay đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm này.

"Mấy đứa con nhà tôi rất thích uống trà sữa trân châu, nhưng mỗi khi nhìn thấy các gói nguyên liệu được tự chế biến thì thực sự là không yên tâm về chất lượng của các sản phẩm này", chị Nguyễn Thị Nhung ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Mới đây, lực lượng liên ngành đã bất ngờ tiến hành kiểm tra đại lý chuyên phân phối các nguyên liệu dùng để pha chế các sản phẩm trân châu, thạch... cho các quán trà sữa tại địa chỉ tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội do bà  Phạm Thị Nguyệt là đại diện.

Tại thời điểm kiểm tra, kho hàng có rất nhiều sản phẩm như: thạch dừa, trân châu tươi, hạt trân châu đen, thạch thủy tinh, trân châu 3Q Sea Jelly caramen và trân châu 3Q Sea Jelly trắng.

Các sản phẩm này đều do Công ty TNHH Minh Hạnh food có địa chỉ tại xã Phú Yên, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên sản xuất có hóa đơn chứng từ và bản tự công bố về chất lượng sản phẩm.

Cẩn trọng với trà sữa chân châu dùng chất bảo quản - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở địa chỉ tại số 23, tổ 4, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội do bà Phạm Thị Nguyệt là đại diện. Ảnh: QLTT

Ông Nguyễn Minh Khoán – Đội trưởng đội QLTT số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi đã lấy 7 mẫu hàng hóa có tại kho hàng và gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, tất cả những sản phẩm lấy mẫu đều có chỉ tiêu về chất bảo quản không đúng so với quy định và với bản tự công bố về chất lượng của doanh nghiệp.

Cá biệt, riêng mẫu thạch dừa 3Q có 2 chỉ số chất bảo quản: Natri Benzoat và Kali Sorbat đều vượt ngưỡng hơn 2 lần so với hàm lượng mà cơ sở sản xuất tự công bố.

Với kết quả kiểm nghiệm này, đại lý phân phối sản phẩm đã bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản a điều 22 Nghị định số 115/2018/ND-CP ngày 4/9/2019 của  Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 12 Điều 1 Nghị định số  124/2021/ND – CP  ngày 28/12/2021 của Chính phủ với mức xử phạt là 48 triệu đồng, đồng thời thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm.

"Chúng tôi cũng đã thông báo tới đại lý phân phối về việc thu hồi toàn bộ sản phẩm đã vi phạm về ATTP thì chủ đại lý cho biết toàn bộ số hàng trên đã được đại lý bán hết ra ngoài thị trường", ông Khoán nói.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Hàm lượng chất bảo quản vượt quá giới hạn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Có thể gây buồn nôn, viêm hệ tiêu hoá; nguy hiểm hơn nếu kết hợp với một số benzen có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ung thư.

Theo ông Trần Đáng, nồng độ trong các chất phụ gia thực phẩm cũng được quy định bởi nhà chức trách thực phẩm ở các nước khác nhau. Mặc dù natri benzoate trên thực tế không có tác dụng phụ, điều quan trọng cần lưu ý đó là khi natri benzoate trộn với axit ascorbic và kali benzoate sẽ tạo thành benzene, một chất gây ung thư. 

Các nghiên cứu khác nhau có quan điểm khác nhau về tác dụng phụ của natri benzoate. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng natri benzoate có thể gây hại đến các phần quan trọng của DNA. Bên cạnh đó, natri benzoate cũng được cho là một nguyên nhân quan trọng cho vấn đề hiếu động quá mức ở trẻ em. 

Hiện cơ quan quản lý thị trường đang tiếp tục làm việc với doanh nghiệp sản xuất để điều tra truy xuất cửa hàng nào, đại lý nào đã phân phối, tiêu thụ số nguyên liệu pha chế trà sữa không đảm bảo an toàn thực phẩm kể trên để giám sát, thu hồi xử lý theo quy định.

Vụ việc lần này một lần nữa cảnh báo với người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm trà sữa trên thị trường hiện nay. Qua các đợt kiểm tra, lấy mẫu định kỳ trước đó, cơ quan an toàn thực phẩm đã nhiều lần phát hiệu một số mẫu trà sữa thành phẩm có chứa độc tố nấm men mốc, các chỉ số vi khuẩn hiếu khí và coliform đều vượt quá ngưỡng cho phép.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem