Hà Nội sẽ giảm hơn 25.000ha đất lúa, nhiều nơi chuyển sang trồng hoa, rau trái là "ngon ăn"

Thiện Tâm Thứ bảy, ngày 26/03/2022 13:30 PM (GMT+7)
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, định hướng đến năm 2025, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích đất lúa hiện nay, từ 165.593ha xuống còn 140.000ha vào năm 2025 (giảm hơn 25.000ha).
Bình luận 0

Cụ thể, theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện còn 165.593ha đất trồng lúa, tập trung tại 23 quận, huyện thị xã. Trong vụ xuân 2022, diện tích canh tác lúa của Hà Nội đạt hơn 81.000ha.

Trong những năm gần đây sản xuất lúa của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, bà con ngày càng chủ động ứng dụng cơ giới hóa, giống chất lượng cao vào sản xuất. Theo đóHà Nội sẽ giảm dần diện tích đất trồng lúa hiện nay, từ 165.593ha xuống còn 140.000ha vào năm 2025 (giảm hơn 25.000ha).

Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) chia sẻ, nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa mà gia đình ông đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập 4-7 triệu đồng/người/tháng. Hiện gia đình ông trồng hoa theo hướng công nghệ cao, thu 500 triệu đồng/ha/năm...

Hà Nội sẽ giảm hơn 25.000ha đất lúa, nhiều nơi chuyển sang trồng hoa, rau trái là "ngon ăn" - Ảnh 1.

Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả đã đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: baohanoimoi

Theo Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, giai đoạn 2017-2020, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng hoa - cây cảnh, trồng dược liệu, cây ăn quả được 428,9ha. Hầu hết những diện tích chuyển đổi từ đất lúa này đều cho thu nhập cao hơn trồng lúa 5-7 lần; không có đất 2 lúa bị bỏ hoang... 

Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, những năm qua, các diện tích đất trồng lúa được bà con nông dân chuyển sang trồng rau, hoa và cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 3 - 8 lần. 

Trong đó, cây nhãn tập trung chuyển đổi tại các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Mỹ Đức; cây có múi tập trung tại các chân ruộng cao có độ phù sa trung bình đến khá tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh...

Diện tích trồng hoa phát triển nhiều ở các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, quận Long Biên và Hà Đông. Diện tích trồng rau chủ yếu mở rộng ở các huyện Thường Tín, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đông Anh và quận Hà Đông.

Thủ đô sẽ giảm hơn 25.000ha đất lúa - Ảnh 1.

Vùng trồng lúa chất lượng cao Japonica tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển ngành lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống chất lượng cao phục vụ cho người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu; phấn đấu đến năm 2025, diện tích canh tác lúa chất lượng cao đạt ít nhất 85%. Đồng thời bố trí khoảng 10% diện tích chuyên canh lúa để phát triển lúa giống và thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế, chế biến.

Trong định hướng sản xuất lúa, Hà Nội sẽ nghiên cứu chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu (vùng đồi gò, khu vực giáp ranh đô thị…) sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: Rau màu, hoa - cây cảnh, cây ăn quả… Việc phát triển trồng trọt theo hướng hữu cơ và sẽ gắn sản xuất hữu cơ với du lịch và bảo vệ môi trường.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; trong đó, công nghệ cao, thông minh được sử dụng chủ yếu trong việc quản lý, điều phối các công đoạn sản xuất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem