Hà Nội: Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa hè

Lê Mai Thứ hai, ngày 01/06/2020 17:22 PM (GMT+7)
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020, nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã tổ chức ra quân, tăng cường kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm và bếp ăn tập thể.
Bình luận 0

Báo cáo của quận Long Biên cho biết, trong 5 tháng đầu năm, công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn quận Long Biên được duy trì thường xuyên và nghiêm túc.

Trong công tác thanh, kiểm tra, toàn quận kiểm tra 920 lượt cơ sở, thanh tra 382 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 49 cơ sở với tổng số tiền phạt là 118 triệu đồng. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP kiểm tra 173 cơ sở, thanh tra 06 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở số tiền 10 triệu đồng.

Trong quý II năm 2020, UBND quận Long Biên xác định mục tiêu không để xảy ra các sự cố về ATTP nhất là những tháng nắng nóng, khắc phục các tồn tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khôi phục kinh tế, trong đó, duy trì mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát. Nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học; Đảm bảo ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở tuyến phố hoạt động đêm Ngọc Lâm; Chợ an toàn thực phẩm; Sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn Vietgap; cấm thực hiện hoạt động giết mổ ở các chợ không đạt tiêu chí của khu vực giết mổ. 

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa hè - Ảnh 1.

Kiểm tra việc chấp hành an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh tại Ứng Hòa, Hà Nội

Còn tại huyện Ứng Hòa. Theo báo cáo, ngay từ đầu năm 2020, Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa đã xây dựng Kế hoạch đảm bảo ATTP trên địa bàn huyện Ứng Hòa; UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND, về việc triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2020.

Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng ATTP, “Tháng hành động vì ATTP” năm 2020 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Hiện nay huyện Ứng Hòa có 449 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong đó: tuyến thành phố quản lý: 5 cơ sở; tuyến huyện quản lý: 81 cơ sở; tuyến xã, thị trấn quản lý: 363 cơ sở.

Tước đó, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 2148/SYT-NVY gửi các đơn vị trong ngành về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa hè.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và khách nội địa đến Hà Nội, đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã để giám sát dịch bệnh tại cộng đồng.

Cùng với đó tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại các bệnh viện trung ương và thành phố; tuyên truyền cho người dân thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để phòng bệnh, vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết; vệ sinh cá nhân phòng bệnh tay chân miệng và thực hiện ăn chín uống sôi phòng bệnh tiêu chảy…

Sở Y tế cũng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội hướng dẫn Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có nguy cơ cao, như: Thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem