Hà Nội: Tập trung đưa các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số cán đích

Hải Đăng Thứ ba, ngày 07/09/2021 05:45 AM (GMT+7)
Từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Bình luận 0

Bên cạnh các chương trình dành để nâng cao đời sống người dân, các dự án cũng đã góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM), đặc biệt là các hạng mục như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục...

Đã có 9/14 xã về đích NTM

Hà Nội hiện có gần 108.000 người là đồng bào DTTS, sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Đồng bào DTTS ở Thủ đô sinh sống tập trung thành cộng đồng tại 14 xã thuộc 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, đến nay toàn thành phố có 9/14 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi về đích xây dựng NTM gồm: Trần Phú (huyện Chương Mỹ); Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai); Ba Trại, Minh Quang, Yên Bài (huyện Ba Vì) và Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất). 5 xã còn lại chưa về đích NTM gồm có Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Vì, Khánh Thượng (huyện Ba Vì) và An Phú (huyện Mỹ Đức).

Hà Nội: Tập trung đưa các xã vùng đồng bào DTTS cán đích  - Ảnh 1.

Người dân xã Minh Hồng thu hoạch dong. Ảnh: Hải Đăng

"Theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có 100% số xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi về đích NTM, trong đó có ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao".

Ông Chu Phú Mỹ -

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội

Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các vùng này.

Theo đó, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho 14 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các dự án đều hướng đến nâng cao đời sống người dân và hoàn thành tốt các tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là các hạng mục như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục...

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - Chu Phú Mỹ cho rằng: Với cách làm bài bản và hỗ trợ kịp thời của thành phố, 14/14 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của Hà Nội luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 35 triệu đồng/năm, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

"Hiện, 100% số xã vùng đồng bào DTTS đã có đường bêtông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn có hệ thống thủy lợi, từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh.

Trong đó trên 20% kênh mương của các xã được kiên cố hóa; 100% số xã đã có điện, điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, Internet đến thôn, bảo đảm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào DTTS; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế..." - ông Mỹ chia sẻ.

Vượt khó về đích đúng hạn

Hà Nội: Tập trung đưa các xã vùng đồng bào DTTS cán đích  - Ảnh 3.

Nghề trồng dong làm miến đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở xã Minh Hồng, huyện Ba Vì (TP.Hà Nội). Ảnh: H.Đ

Từ việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, diện mạo vùng đồng bào DTTS 7 xã miền núi của huyện Ba Vì đã có nhiều khởi sắc.

Trong 5 năm trở lại đây, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của 7 xã miền núi huyện Ba Vì cơ bản đạt kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm nhóm ngành nông, lâm nghiệp, phát triển nhóm ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - du lịch - dịch vụ.

Qua đó, đưa thu nhập bình quân đầu người tại các xã miền núi năm 2020 đạt 39 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,12%… Ông Bùi Huy Giáp - Trưởng phòng dân tộc huyện Ba Vì cho hay: Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, một trong những chỉ tiêu mà 7 xã miền núi đang nỗ lực thực hiện đó là xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia về NTM.

Tính đến thời điểm này, huyện Ba Vì đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm như trường học, trạm y tế, thủy lợi, đường điện, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân các xã miền núi với những việc làm thiết thực như hiến đất, hiến công, ủng hộ tiền của... để xây dựng các công trình.

Bên cạnh đó, Ba Vì đã có 22 trường ở 3 cấp học đạt chuẩn, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tái mù chữ đạt được kết quả cao; 100% trẻ em vùng đồng bào dân tộc đúng độ tuổi được đến trường; cả 7 xã miền núi đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, Các chương trình khám bệnh, cấp thuốc miền phí cho đồng bào được nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế...

"Hiện, Ba Vì đã có 3 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã còn lại gồm Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Vì, Khánh Thượng đang được huyện dồn nguồn lực để đưa về đích vào cuối năm 2021" - ông Giáp khẳng định. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem