Hà Nội thêm 5 huyện nằm trong vùng cấm xe máy

25/10/2019 16:22 GMT+7
Sở GTVT Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc phân vùng hoạt động của xe máy và thu phí ô tô vào nội đô...


Hà Nội thêm 5 huyện nằm trong vùng cấm xe máy - Ảnh 1.

Hà Nội hiện đang có 6,6 triệu phương tiện giao thông, mỗi năm tăng thêm 11%. Ảnh: TPO

 Thêm 5 huyện Hà Nội nằm trong vùng dừng xe máy

Sáng 25/10, Sở GTVT Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng 2 Đề án: "Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030"

Và "Thu phí phương tiện giao thông cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".

Tại hội nghị, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay có 6,6 triệu phương tiện giao thông trong đó có 5,9 triệu xe máy, 0,6 triệu ô tô, phương tiện trong giai đoạn 2011 – 2018 tăng trung bình 11% năm, trong đó xe máy là 6,75%/năm, ô tô là 11,5%/năm.

 Tốc độ tăng trưởng của đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện dẫn đến quá tải cho hệ thống đường bộ, làm cho tình trạng ùn tắc ngày càng diễn ra phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên.

Hà Nội thêm 5 huyện nằm trong vùng cấm xe máy - Ảnh 2.

ội thảo tại Sở GTVT Hà Nội sáng 25/10. Ảnh TPO

Trình bày về cơ sở xây dựng đề án, đại diện nhóm tư vấn cho biết, đối với đề án dừng hoạt động xe máy tại các quận, theo nghị quyết đề án số 04 được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, các quận nội thành hiện nay có 12 quận, tuy nhiên đến năm 2030 khi đề án trên được thực hiện, trên địa bàn Hà Nội sẽ là 17 quân, trong đó có thêm 5 quận mới.

Do vậy phạm vi địa giới hành chính thực hiện đề án so với Nghị quyết 04 sẽ có phạm vi rộng hơn, trong đó 5 quận mới được thành lập thêm là các huyện ngoại thành hiện nay, bao gồm: Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng. Từ thực tế này, việc nghiên cứu xây dựng đề án dừng hoạt động xe máy vào nội đô cũng phải tính cả địa giới hành chính 5 huyện hiện nay.

Với đề án thứ 2, xác định ranh giới để thu phí vào nội đô, ông Mười cho rằng, sẽ tính toán để xác định mốc phạm vi từ các đường Vành đai trở vào, trong đó với hạ tầng và mặt cắt đường đủ rộng, các tuyến đường Vành đai 1 Vành đai 2 và Vành đai 3 đáng được tính đến.

Nên có các tuyến xe điện mini

Trình bày quan điểm tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Vinh – nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, việc hạn chế xe máy cần thực hiện theo lộ trình, từ phạm vi hẹp đến rộng.

Bà Vinh dẫn Đề án thí điểm hạn chế xe máy đi vào khu vực nội thành của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, xác định 6 tuyến đường hạn chế xe máy gồm: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Xuân Thủy – Cầu Giấy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Trần Duy Hưng và Khu vực bảo tồn cấp 1 mở rộng và cho rằng – những năm qua khu vực quận Hà Đông đã xây dựng dày đặc các khu đô thị mới. Một lượng lớn người, hàng ngày, buổi sáng từ các khu đô thị này đi vào trung tâm thành phố và buổi chiều đi từ trung tâm trở về nhà, tạo nên dòng giao thông con tắc trên hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Tố Hữu – Lê Văn Lương.

Vì vậy, theo GS.TS Nguyễn Thị Vinh, Sở Giao thông Vận tải cho thí điểm hai tuyến đường này trước là phù hợp. Bởi trên hai tuyến đường này có hai tuyến giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn chạy qua là BRT (đường Tố Hữu – Lê Văn Lương) VÀ LRT (đường Nguyễn Trãi).

Theo GS Vinh, để giao thông công cộng có sức hấp dẫn đối với mọi người thì nhà quản lý cần nghiên cứu bố trí hợp lý các bãi đỗ xe đạp, xe máy để mọi người thuận tiện sử dụng giao thông công cộng; Tổ chức nhiều tuyến xe mini buýt để phục vụ cho người dân đi lại trong khu vực trung tâm.

"Tâm lý nhiều năm đi xe máy của người dân đô thị là thích đi từ "cửa" đến "cửa", việc đi bộ từ bến xe giao thông công cộng đến nơi cần đến trong khoảng 1km là rất ngại. Vì vậy, thành phố nên tăng cường các tuyến xe buýt mini, thậm chí cả xe điện ba đánh có thể chở 2 người giống như ở Tokyo hay Kyoto", bà Vinh cho hay.

Cấm xe máy phải gỡ khó về hạ tầng

GS.TS Từ Sỹ Sùa (Đại học Giao thông vận tải) tại hội thảo cho hay, mặc dù quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội tập trung vào phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng có sức chứa lớn, tuy nhiên, căn cứ trên tình hình thực tế xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và BRT hiện nay thì đến năm 2020, thành phố Hà Nội mới chỉ có một tuyến BRT (Yên Nghĩa – Kim Mã) và hai tuyến đường sắt đô thị vẫn chưa đi vào khai thác.

Với kịch bản này, theo GS Từ Sỹ Sùa tính toán tỷ lệ đáp ứng hiện nay của xe buýt là khoảng 10%, như vậy, để tăng tỷ lệ đáp ứng lên mức 15% sẽ cần khoảng 2400 phương tiện, mức 20% là khoảng 3300 phương tiện. Với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay, việc đưa thêm số lượng phương tiện trên vào hoạt động là hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, GS Từ Sỹ Sùa cho rằng vẫn cần phải kiên định với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng. Đây là giải pháp cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông và hạn chế phương tiện cá nhân. Trong vận tải hành khách công cộng, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ yếu đến năm 2030.

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục