Hà Nội xin "nối tầng" cho hai dự án trên phố Lý Thường Kiệt

Trần Kháng Thứ sáu, ngày 04/01/2019 15:31 PM (GMT+7)
TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiến trúc tại 2 khu đất trên tuyến phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) với chiều cao tối đa 12 tầng. Hai dự án thuộc khu đất "vàng" được TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy hoạch là dự án Trụ sở SHB và Công ty CP sách và thiết bị trường học.
Bình luận 0

Theo đề xuất trên, hai dự án thuộc hai khu đất "vàng" được TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy hoạch là dự án Trụ sở Văn phòng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Trụ sở văn phòng Công ty CP sách và thiết bị trường học trên phố Lý Thường Kiệt.

Cụ thể, tại khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt, rộng hơn 2.200 m2 được đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cao 45m, quy mô 14 tầng+ 1 tum; khu đất 45B Lý Thường Kiệt rộng hơn 1.000 m2 sẽ xây trụ sở văn phòng Công ty CP sách và thiết bị trường học Hà Nội, với đề xuất điều chỉnh quy mô chiều cao tối đa 12 tầng. 

img

Khu đất 45B Lý Thường Kiệt được Hà Nội đề xuất xây 12 tầng. 

Lý giải về đề xuất điều chỉnh quy hoạch này, TP Hà Nội cho rằng, công trình có chức năng văn phòng nên không làm quá tải dân số, mà sẽ góp phần đồng bộ các hoạt động dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng chất lượng cao rất cần cho khu vực trung tâm Thủ đô. Bên cạnh đó, nhà đầu tư 2 dự án trên cũng đề nghị được đóng góp kinh phí xây dựng, nâng cấp hạ tầng và kiến trúc cảnh quan chung khu vực.

Cũng trong văn bản này, TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương để UBND TP hướng dẫn nhà đầu tư lập dự án 2 dự án đầu tư trên, và triển khai xây dựng dự án trong thời gian tới.

img

Phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) thuộc Khu phố cũ Hà Nội. 

Tại hội thảo Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng thành phố Hà Nội vừa diễn ra tháng 10.2018, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Kiến trúc trưởng TP Hà Nội cho rằng, nhà cao tầng mọc lên trong nội đô trái với định hướng quy hoạch có hiện tượng chủ đầu tư xin rồi thành phố cho, cũng có trường hợp ở trên áp đặt xuống phải cho.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM. Thủ tướng chỉ đạo, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, các bộ ngành phải lưu ý các giải pháp về không tiếp tục phát triển chung cư căn hộ nhà cao tầng ở khu vực trung tâm; phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư và lực lượng lao động, giảm tải cho các thành phố về áp lực công ăn việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hòa giao thông, quản lý phương tiện giao thông và người tham gia giao thông; sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phòng trào tự quản... cũng như chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong văn bản chỉ đạo về điều chỉnh cục bộ quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến 2030, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng tại các khu vực ngoại ô thành phố, góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân.

Còn tại phiên họp Chính phủ hồi cuối 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thẳng thắn phê bình Hà Nội vì đã cho xây quá nhiều nhà cao tầng tại khu vực trung tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem