Hai ca nhiễm Covid-19 mới: Nguyên nhân từ lỏng lẻo trong cách ly?

Bạch Dương Thứ ba, ngày 01/12/2020 10:17 AM (GMT+7)
Hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới của TP.HCM là bằng chứng rõ nét của việc thực hiện lỏng lẻo trong công tác cách ly phòng chống dịch tại một số nơi.
Bình luận 0
Hai ca nhiễm Covid-19 mới: Nguyên nhân từ lỏng lẻo trong cách ly - Ảnh 1.

Tiếp viên hàng không VNA nhiễm Covid-19 do không thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly. Ảnh minh họa.

Bệnh nhân 1342 vi phạm các quy định phòng dịch khi thực hiện cách ly tập trung cũng như không tuân thủ quy định phòng dịch khi cách ly tại nhà người thân mắc Covid-19 và làm lây lan thêm cho một người khác. Đây là khẳng định từ Sở Y tế TP.HCM sau khi điều tra, truy vết xác định nguồn lây của hai trường hợp mắc Covid-19 mới.

Bệnh nhân 1342 (tiếp viên của hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airline) trong quá trình cách ly tập trung ở khu cách ly của Vietnam Airline đã tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về. Đây là chuyến bay có nhiều hành khách dương tính. 

Sau đó vào ngày 25/11, người tiếp viên của chuyến bay Rumani này có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (là bệnh nhân 1325) cùng với 8 tiếp viên khác đi cùng chuyến bay. Sở Y tế TP.HCM nhận định, khả năng cao bệnh nhân 1342 bị lây nhiễm khi tiếp xúc trong quá trình cách ly do không tuân thủ quy định cách ly tập trung, tự ý tiếp xúc với tiếp viên của chuyến bay khác.

Từ ngày 18/11 đến ngày 28/11 bệnh nhân 1342 thực hiện cách ly tại nhà, tuy nhiên đã không tuân thủ đúng quy định về cách ly y tế, tiếp xúc gần với 3 người khác gồm mẹ đẻ (ngụ huyện Hóc Môn) và hai người bạn (một nam ở Quận 6 và một nữ ở Bình Thạnh). Đặc biệt, trong 3 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 1342, có 1 người dương tính với virus SARS-CoV-2, đó là bệnh nhân 1347.

Nhìn nhận sự việc này, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho rằng, đã có sự buông lỏng và không chấp hành các quy định cách ly (cả cách ly tập trung và cách ly tại nhà) của bệnh nhân 1342, khiến dịch bệnh lây lan. Trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được lãnh đạo TP.HCM họp bàn, xem xét. Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định, sau vụ việc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ tiến hành siết chặt hơn nữa các quy định về cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, chính quy định quá lỏng lẻo, không quyết liệt trong thời gian cách ly đã tạo ra ca nhiễm này, nếu thêm nhiều người mắc khác sẽ thành ổ dịch trong cộng đồng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, giai đoạn dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, các địa phương thực hiện quy định cách ly rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng, việc cách ly bắt đầu có sự chủ quan thấy rõ.

"Việc để trường hợp có nguy cơ tiếp xúc nhiều người khác trong thời gian cách ly là sai quy định và vô trách nhiệm. Khi tạo ra chùm lây nhiễm trong khu cách ly và lây ra cộng đồng, cả ngành y tế và cộng đồng phải cùng vào cuộc, tốn nhiều công sức hơn", bác sĩ Khanh nhấn mạnh. 

Bác sĩ Khanh cho biết, 2 bệnh nhân 1342 và 1347 đã lây nhiễm trong thời gian cách ly. Do đó, từ thời điểm này, ngành y tế cần kiểm soát nghiêm ngặt lại khu cách ly tập trung tư nhân và quản lý người cách ly tại nhà. Do yêu cầu phát triển kinh tế và thương mại, khu cách ly tư nhân có trả phí, khu cách ly tự lập ra đời. Tuy nhiên, ngành y tế phải đào tạo chuyên môn và giám sát chặt chẽ các cơ sở này để tránh lây nhiễm chéo, vô tình bùng phát ổ dịch.

"Đừng chủ quan cho rằng trong thời gian quá lâu Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng sẽ không nhiễm bệnh. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta lơ là", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Trong 8 hành vi bị xử phạt liên quan đến phòng chống Covid-19, chỉ có khoản 4 Vi phạm quy định về cách ly như sau:

4.1. Từ chối hoặc trốn tránh cách ly: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng tùy trường hợp theo Điều 10 Nghị định 176/2013.

4.2. Trường hợp từ chối hoặc trốn tránh cách ly làm lây lan dịch bệnh dịch thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với hình phạt có thể lên đến 12 năm tù theo Điều 240 BLHS 2015.

Như vậy đến thời điểm này chưa có quy định, điều khoản nào xử lý các trường hợp vi phạm nếu thực hiện không nghiêm túc trong thời gian cách ly.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem