Hải Dương: Nông dân tăng nguồn thu với mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản

Thu Hà Thứ ba, ngày 06/07/2021 12:31 PM (GMT+7)
Từ những mô hình hiệu quả, đến nay các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 450 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, với khoảng 8.000 hội viên tham gia. Trong đó, nhiều mô hình trồng cây đặc sản, nuôi con đặc sản đã giúp nông dân nơi đây nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm OCOP

Tổ hội sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt (huyện Thanh Hà) được Hội ND thành lập năm 2019, với 20 thành viên tham gia, tổng quy mô chăn nuôi 14 vạn gà. Để động viên, thu hút các thành viên tổ hội nuôi gà ở xã Tân Việt tham gia thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp 15 triệu đồng, tương ứng hỗ trợ kinh phí 750.000 đồng/hộ. Đồng thời, Hội hỗ trợ 100% kinh phí làm biển tên mô hình, tổ chức hội nghị tổng kết mô hình và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển mô hình trong năm 2020.

Gia đình chị Nguyễn Thị Chuyên (ở thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt) có trang trại rộng gần 2 mẫu với 6 khu chuồng chăn nuôi gà và 2 ao cá. Đây là trang trại nuôi nhiều gà nhất xã hiện nay. Mỗi năm chị nuôi 2,5-3 lứa gà gối nhau, mỗi lứa nuôi khoảng 3 vạn con, thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

Tăng nguồn thu với mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Hải Dương tập huấn kỹ thuật cho nông dân trồng khoai sọ Miễu Sơn. Ảnh: T.H

"Điểm đáng chú ý, các mô hình kinh tế tập thể này đều thể hiện rõ vai trò của Hội như: Tạo nguồn vốn cho các thành viên từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các ngân hàng; tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật; xây dựng các CLB…".

Bà Phạm Thị Thủy -

Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương

Với nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi chị Nguyễn Thị Chuyên được các thành viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hội sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt. Trao đổi về hoạt động của Tổ hội, chị Chuyên cho biết: "Các thành viên trong tổ hội đã cùng liên kết mua thức ăn, thuốc thú y và giống gà ri Hoà Phát (Phú Thọ) - loại gà này được thị trường ưa thích vì khi bán có cân nặng vừa phải, thịt thơm; do đó giá thành sản xuất 1kg gà thương phẩm thấp hơn so với các hộ ngoài mô hình là 1.500 đồng/kg. Bình quân 1 hộ nuôi 1.000 gà, sau 4 tháng nuôi có lợi nhuận đạt 36 - 40 triệu đồng, cao hơn so với các hộ ngoài mô hình là 3 triệu đồng".

Tại Chí Linh, Hội ND đang duy trì hiệu quả các tổ hợp tác sản xuất cà rốt sạch, thanh long ruột đỏ, na, cà chua VietGAP, nếp cái hoa vàng, khoai sọ Miễu Sơn... Bà Nguyễn Thị Quế - Chủ tịch Hội ND TP.Chí Linh cho biết: Năm 2021, Hội liên kết với Tập đoàn Quế Lâm để hỗ trợ 3 tổ hợp tác mới thành lập hướng tới sản xuất hữu cơ các sản phẩm khoai sọ, dưa hấu, chuối, bí xanh… Các sản phẩm được truy xuất nguồn gốc và đăng ký sản phẩm OCOP năm nay".

Trồng cây, nuôi con đặc sản

Tăng nguồn thu với mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản - Ảnh 3.

Tăng nguồn thu với mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản - Ảnh 4.

Tổ hội nông dân sản xuất khoai sọ Miễu Sơn, phường Thái Học là một trong những mô hình điển hình ở TP.Chí Linh. Ông Vũ Đình Tài - Chủ tịch Hội ND phường Thái Học kiêm Tổ trưởng Tổ hội nông dân sản xuất khoai sọ cho biết: Gần đây, nông dân ở phường Thái Học đã khôi phục việc trồng giống khoai sọ ta, giống bản địa của khu Miễu Sơn.

Khoai sọ Miễu Sơn trồng 7 tháng, có củ tròn, vị đậm, nhiều giá trị dinh dưỡng... Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giống ngoại lai xâm lấn. Giống mới củ dài, trồng hơn 3 tháng, năng suất cao hơn, chất lượng kém hơn, nhưng lại bán trà trộn với giống nguyên gốc. 

 Được hỗ trợ của các cấp Hội ND tỉnh, thành phố, tổ hội nông dân sản xuất khoai sọ Miễu Sơn đã ra đời thu hút 13 hộ tham gia thí điểm. Tham gia tổ hội, các hộ trồng khoai sọ Miễu Sơn đã xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ để các thành viên của tổ có sản phẩm bán quanh năm; thống nhất mẫu bao bì đóng gói sản phẩm; liên kết tiêu thụ với chuỗi cửa hàng CocoFood và bán hàng qua các mối quan hệ cá nhân. 

 "Khôi phục thành công vùng khoai sọ Miễu Sơn là cơ sở để xây dựng sản phẩm OCOP của Thái Học. Nếu khoai sọ Miễu Sơn đạt sản phẩm OCOP 2021 thì việc quy vùng chuyên canh 5 ha sẽ thành công, với 35 hộ tham gia"- ông Tài cho biết.

Từ những mô hình hiệu quả, đến nay các cấp Hội ND trong tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 450 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, với khoảng 8.000 hội viên tham gia. 

Theo bà Phạm Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương, thông qua việc thành lập tổ liên kết, Hội ND các cấp giúp hội viên thay đổi nhận thức, thói quen trong canh tác, hợp tác sản xuất nông sản an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ những mô hình nhỏ sẽ xây dựng các vùng nông sản an toàn quy mô lớn, nâng cao giá trị cho nông sản của hội viên. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem