Hải Phòng: Quy hoạch vùng nuôi ngao Kiến Thụy “thụt lùi”, hàng trăm hộ dân kêu cứu (bài 1)

Ngọc Lê- Đỗ Lực Thứ tư, ngày 10/11/2021 15:03 PM (GMT+7)
Hàng trăm hộ dân nuôi ngao khu vực ven biển huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) đang “ngồi trên đống lửa” khi năm 2018 UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định quy hoạch vùng nuôi ngao một cách “thụt lùi”. Từ chỗ có 3.000ha nuôi ngao, UBND huyện Kiến Thụy "quy hoạch" giảm xuống còn... 750ha.
Bình luận 0

Điều đáng nói, trong 750ha này, có 500ha là vùng đất bùn lầy, lòng sông- nơi con ngao không thể phát triển. Vì thế, theo người dân việc quy hoạch này chẳng khác nào dồn người nuôi ngao vào đường cùng, triệt đường làm ăn, sinh sống của bà con nông dân, mà không chịu xét đến yếu tố, hiện trạng thực tế.

Bãi triều- nơi sinh nhai của hàng ngàn hộ dân

Bãi triều (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) từ lâu được biết đến là vùng "đất vàng", mang lại nguồn lợi thủy sản cho hàng ngàn người dân địa phương. Nơi đây có điều kiện tự nhiên, thiên nhiên thuận lợi cho việc phát triển vùng nuôi ngao, đã giúp hàng trăm người dân nuôi ngao đổi đời, vươn lên thoát nghèo.

Ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy cho biết: "Ngay từ những năm 1990, khu vực bãi Triều hình thành lên nhiều cồn cát có vị trí thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy khu vực này có tiềm năng phát triển giống ngao, năm 2003, Bộ Thuỷ sản cũ đưa con ngao trắng ra ngoài này để nuôi; một số người dân địa phương đã ra khu vực bãi Triều cải tạo các bãi bồi, tiến hành nuôi ngao thương phẩm. Thời gian đầu kinh nghiệm chưa có nên ngao nuôi đến đâu lại chết đến đó".

Kiến Thụy (Hải Phòng): Quy hoạch vùng nuôi ngao “thụt lùi”, hàng trăm hộ dân kêu cứu - Ảnh 1.

Bãi Triều (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng)- nơi nuôi sống hàng trăm hộ nuôi ngao với hàng ngàn nhân khẩu trong nhiều năm trở lại đây.

Năm 2008, nhờ Bộ NNPTNT chuyển giao công nghệ nuôi ngao trắng, cùng với việc áp dụng tốt kỹ thuật nuôi ngao, nhiều hộ dân đã có "của ăn của để". Rất nhanh chóng mô hình nuôi ngao trắng thương phẩm được nhân lên theo cấp số nhân. "Tiếng lành đồn xa", hàng chục hộ dân địa phương đã hô hào nhau ra khu vực bãi Triều để nuôi ngao, làm ăn kinh tế. Cũng từ đây, bãi Triều dần trở thành khu vực nuôi ngao tiềm năng, tính đến nay đã có hơn 200 hộ nuôi ngao, trên 3.000 ha diện tích mặt nước với khoảng 1.000 lao động trực tiếp có mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Kiến Thụy (Hải Phòng): Quy hoạch vùng nuôi ngao “thụt lùi”, hàng trăm hộ dân kêu cứu - Ảnh 2.

Con ngao trắng đã mang lại hàng trăm tỷ đồng cho người dân huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng

Để đăng ký quyền sử dụng diện tích mặt nước với phần diện tích nuôi ngao, năm 2011 nhiều hộ dân đã đăng ký với chính quyền địa phương để làm hợp đồng thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Cũng như các hộ dân khác gia đình ông Bùi Văn Tuyền- một trong những người sở hữu diện tích nuôi ngao lớn trên khu vực bãi Triều cho hay, khu vực bãi Triều đã giúp hàng trăm người dân địa phương đổi đời. Bản thân ông từ khi "gắn kết" với nghề nuôi ngao, gia đình khấm khá lên hẳn. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông còn hỗ trợ nhiều người khác vươn lên thoát nghèo. 

CLIP: Ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội Nuôi ngao huyện Kiến Thụy bức xúc về quyết định quy hoạch nuôi ngao của huyện Kiến Thụy, đẩy người dân vào đường cùng. Thực hiện: Nguyễn Chương.

Quy hoạch đưa dân vào... đường cùng

Khi đang làm ăn yên ổn, năm 2018, ông Tuân cùng những người nuôi ngao ở Kiến Thụy ngỡ ngàng khi ngày 24/04/2018 UBND huyện Kiến Thụy bỗng dưng ban hành Quyết định số 635-QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao vùng ven biển huyện Kiến Thụy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đi ngược lại lợi ích của người dân.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch này nhằm mục đích, khai thác tiềm năng, lợi thế diện tích bãi triều ven biển để đẩy mạnh nuôi ngao hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chuyển tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; Tổ chức nuôi ngao tập trung thành một lĩnh vực sản xuất theo mô hình công nghiệp, thân thiện với môi trường... Từ đó, tạo cơ sở để giao đất, mặt nước cho người dân ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ chủ quyền biên giới quốc gia...

Cũng theo quyết định quy hoạch này, đến năm 2020 và 2025, diện tích nuôi ngao giảm xuống còn 750ha, sau đó đến năm 2030 đạt 1.200ha, mở rộng từ vùng đã khai thác cát xong.

Ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội Nuôi ngao Hải Phòng cho biết: "Cả vùng, người nuôi ngao đang làm ăn ổn định trên diện tích 3.000ha, không hiểu căn cứ trên cơ sở nào mà huyện Kiến Thụy quy hoạch lại chỉ còn 750ha, diện tích còn lại để ưu tiên cho... khai thác cát trước, làm như vậy là không tính đến quyền lợi của người dân, đi ngược lại với quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển theo hướng mạnh về biển và làm giàu từ biển".

Hải Phòng: Quy hoạch vùng nuôi ngao Kiến Thụy “thụt lùi”, hàng trăm hộ dân kêu cứu (bài 1) - Ảnh 4.

UBND huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng ra quyết định quy hoạch vùng nuôi ngao từ gần 3.000ha nuôi giảm xuống còn 750ha.

Không chỉ thụt lùi về diện tích, những người nuôi ngao như ông Tuân còn bị đẩy vào khu vực giáp rừng bần- nơi con ngao kém phát triển. "Khi làm quy hoạch vùng nuôi ngao, chính quyền địa phương không tổ chức hội nghị, không lấy ý kiến những người đang nuôi ngao, không quan tâm đến cuộc sống của hàng ngàn người dân đang sống dựa vào vùng đất nuôi ngao, bản thân tôi là Hội trưởng Hội Nuôi ngao cũng không được mời lấy ý kiến. Cũng bởi vậy, từ 3.000ha mặt nước nuôi ngao, UBND huyện Kiến Thụy tự ý cắt xuống còn 750ha nuôi ngao (giảm 3/4  so với diện tích ban đầu), đẩy chúng tôi vào giáp vùng bãi bần- nơi con ngao không thể phát triển. Như vậy chẳng khác gì ép người dân vào chỗ chết…", ông Tuân bức xúc nói.

Cũng theo ông Tuân, theo quyết định quy hoạch vùng nuôi ngao, trong 750ha quy hoạch chỉ có khoảng hơn 200ha có thể nuôi được ngao, nhưng con ngao cũng không thể phát triển mạnh được; Còn lại khoảng 500ha rơi vào bãi bùn lầy, là luồng lạchvà lòng sông- nơi con ngao không thể sinh sống, chứ đừng nói đến "nuôi".

Nói về quyết định quy hoạch vùng nuôi ngao, ông Bùi Văn Tuyền- một trong những hộ nuôi ngao lớn ở huyện Kiến Thụy ngao ngán lắc đầu cho hay, năm 2017 khi biết được tin chính quyền địa phương ra khảo sát, lập quy hoạch vùng nuôi ngao chúng tôi rất vui. Những tưởng quy hoạch sẽ phát triển ổn định hơn, mở rộng vùng nuôi hơn, nhưng điều làm chúng tôi thất vọng là năm 2018 UBND huyện Kiến Thụy lại ban hành quyết định quy hoạch vùng nuôi ngao một cách thụt lùi, đi ngược lại với quy luật phát triển.

Kiến Thụy (Hải Phòng): Quy hoạch vùng nuôi ngao “thụt lùi”, hàng trăm hộ dân kêu cứu - Ảnh 4.

Ông Vũ Trí Tuân- Hội trưởng Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng buồn rầu khi nói về quy hoạch vùng nuôi ngao của huyện Kiến Thụy.

Bức xúc trước quy hoạch này, nhiều năm nay hàng trăm hộ nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng phản đối quyết định quy hoạch của huyện Kiến Thụy. Đã có nhiều lá đơn được chuyển đi từ các cơ quan Trung ương, đến địa phương nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Khi những khúc mắc của người dân chưa được chính quyền huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng giải đáp thì mới đây ngày 28/09/2021, ông Lưu Văn Thụy- Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy lại ban hành "tối hậu thư" bằng thông báo số 452/TB-UBND về việc dừng nuôi ngao mà huyện gọi là "tự phát", nằm ngoài quy hoạch (theo quyết định 635 ngày 24/4/2018) trên khu vực ven biển huyện Kiến Thụy.

Theo đó, UBND huyện Kiến Thụy yêu cầu dừng mọi hoạt động nuôi ngao tự phát nằm ngoài quy hoạch chi tiết phát triển vùng nuôi ngao ven biển huyện Kiến Thụy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, yêu cầu các hộ dân nuôi ngao tự phát ngoài vùng quy hoạch phải khẩn trương thu hoạch ngao và tháo dỡ chòi canh, cọc quây bãi nuôi ngao trước ngày 30/11/2021.

"Hơn 10 năm nay, bà con đang nuôi thả ngao ổn định trên diện tích 3.000ha, nhưng đùng sau đó UBND huyện Kiến Thụy quy hoạch chỉ còn 750ha, đáng nói quy hoạch này người dân lại không được bàn bạc. Người dân đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào nuôi ngao, con ngao đang phát triển tốt, hàng năm xuất khẩu được hàng chục triệu USD, mang lại ngoại tệ cho đất nước. Các hộ nuôi ngao đang phát triển công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ dân, chẳng lẽ UBND huyện Kiến Thụy lại không biết? mà lại quy hoạch đi lùi vòng quay lịch sử như vậy?...".

(Ông Bùi Văn Tuyền- Hội viên Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy)

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem