Hàn Quốc cắt giảm lãi suất thấp kỷ lục 0,5% khi kinh tế điêu đứng vì dịch Covid-19
Trong phiên họp mới nhất cùng ngày, Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc BoK đã bỏ phiếu quyết định cắt giảm lãi suất 0,25%, qua đó đưa lãi suất cơ bản xuống mức 0,5% - mức thấp nhất kể từ khi BoK áp dụng hệ thống chính sách hiện tại từ năm 1999 đến nay.
Việc BoK cắt giảm lãi suất 0,25% phù hợp với dự báo của 12/19 nhà kinh tế học trong cuộc khảo sát thực hiện bởi Reuters.
Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc đồng thời hạ dự báo triển vọng kinh tế năm 2020 từ mức tăng trưởng 2,1% hồi tháng 2 xuống tăng trưởng -0,2% trong bối cảnh dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế Hàn Quốc và đưa kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái. Đây được cho là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Trung Quốc kể từ hồi khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998 đến nay.
BoK cũng dự báo lạm phát ở mức 0,3%, giảm từ mức 1% được kỳ vọng trước đó.
Đây là lần thứ hai trong năm, Ủy ban chính sách tiền tệ của BoK đưa ra quyết định hạ lãi suất để cứu vãn nền kinh tế. Nỗ lực này nhằm hỗ trợ việc tăng cường kích thích của các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc sau nhiều tháng ròng nước này vật lộn với dịch Covid-19. Trước đó, BoK đã cam kết bơm thanh khoản không giới hạn thông qua các thỏa thuận mua lại tài sản và bơm tín dụng cho các công ty chứng khoán lần đầu tiên trong 7 thập kỷ.
Một nhà quan sát kinh tế nhận định: “Sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu sẽ vượt qua khả năng phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng và dịch vụ. Do đó, chúng ta có thể sẽ kết thúc quý II với tăng trưởng GDP suy yếu hơn cả quý I”.
“Hiện tại, chúng ta có thể chứng kiến chương trình nới lỏng định lượng QE ‘tàng hình’, tức là Ngân hàng Trung Ương duy trì mua lại trái phiếu chính phủ dù không có thông báo chính thức nào”.
Cũng như Mỹ, Australia, Anh và New Zealand, Hàn Quốc đang thúc đẩy các chương trình mua trái phiếu để bơm thanh khoản ra nền kinh tế, kích thích hoạt động kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch.
Trong tháng 4, Hàn Quốc đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất trong 11 năm và tỷ lệ thất nghiệp tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 thập kỷ. Báo cáo của ANZ Research cũng chỉ ra Hàn Quốc là một trong những quốc gia mà doanh nghiệp ghi nhận mức độ và tốc độ tích lũy nợ cao nhất Châu Á. Do chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự bùng phát dịch bệnh cũng như các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt của chính phủ, hàng ngàn doanh nghiệp Hàn Quốc đã phải vật lộn để “sống sót” qua đại dịch. Nếu tình trạng doanh thu thấp tiếp tục kéo dài, nó có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ hoặc hạ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp do quá hạn trả nợ.
Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in hiện đang nỗ lực tung ra các gói hỗ trợ kinh tế để xoa dịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19.