Hàng chục “tàu 67” nằm bờ vì không mua được bảo hiểm

Mạnh Quân Thứ bảy, ngày 11/01/2020 20:30 PM (GMT+7)
Hàng chục “tàu 67” tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BRVT) phải nằm bờ vì không mua được bảo hiểm tàu cá của Công ty Bảo hiểm PJICO. Ngư dân rơi vào tình cảnh vay nợ, khốn đốn, trong khi đơn vị bán bảo hiểm kêu… phải chờ.
Bình luận 0

Ngư dân “treo” tàu

Theo nhiều chủ tàu 67 (đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ) trên địa bàn tỉnh BRVT, thời gian qua, họ không mua được bảo hiểm tàu cá của Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu. Việc này dẫn đến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Một số chủ tàu chấp nhận vay mượn hàng trăm triệu đồng mua tạm bảo hiểm công ty bên ngoài với chi phí cao mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

img

Tàu cá 67 nằm bờ, ngư dân lâm vào cảnh khốn đốn vì không mua được bảo hiểm theo chỉ định.  Ảnh: T.H

"Lúc đầu tàu 67 được hỗ trợ 90%, một thời gian sau chỉ còn 50% và đến giờ là không mua được bảo hiểm luôn. Ngư dân chúng tôi lâm vào đường cùng không biết đến bao giờ mới trở lại nghề”.

Ông Phạm Thanh Hùng

Ông Đỗ Hoa (ngụ huyện Long Điền) cho hay, tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần thủy sản, công suất 1.500CV của ông đóng năm 2016 theo Nghị định 67. Đến tháng 9/2019, tàu hết hạn bảo hiểm nhưng không thể mua tiếp được vì Công ty Bảo hiểm PJICO ngưng bán bảo hiểm cho tàu cá đóng theo Nghị định 67. Phải cho tàu ra khơi đánh bắt nhằm nuôi gia đình và hàng chục ngư dân, ông Hoa đi vay mượn mua tạm thời 3 tháng bảo hiểm của một công ty khác với chi phí hơn 30 triệu đồng.

“Hạn hợp đồng mua bảo hiểm 3 tháng của công ty kia nay cũng đã hết mà Công ty   Bảo hiểm PJICO vẫn chưa bán lại bảo hiểm cho tàu 67. Tôi xoay sở vay mượn đủ kiểu rồi, giờ không còn tiền mua bảo hiểm nữa nên đành cho tàu nằm bờ” - ông Hoa nói.

Tương tự, ông Phạm Thanh Hùng (ngụ thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) cho hay, ông có 2 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 với công suất 264CV và 840CV. Đã nửa năm nay, 2 chiếc tàu của ông cũng nằm bờ vì hết hạn bảo hiểm. Vừa rồi, ông phải cắm sổ đỏ vay mượn mấy trăm triệu đồng mua 3 tháng bảo hiểm của một công ty khác để đi biển nhưng liên tục thua lỗ.

“Lúc đầu tàu 67 được hỗ trợ 90% chi phí mua bảo hiểm, một thời gian sau chỉ còn 50% và đến giờ là không mua được bảo hiểm luôn. Ngư dân chúng tôi lâm vào đường cùng không biết đến bao giờ mới trở lại nghề” - ông Hùng bức xúc nói.

Còn anh Nguyễn Văn Thọ (ngụ thị trấn Long Hải) cũng cho biết: “Tôi mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm PJICO cho 4 chiếc tàu 67, mỗi năm hơn 400 triệu đồng, sắp tới sẽ hết hạn bảo hiểm. Nếu công ty không bán lại thì tàu sẽ nằm bờ dài dài vì mua bảo hiểm bên ngoài, mỗi tàu phải chi phí hơn 150 triệu đồng”.

Vẫn phải chờ...

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh BRVT, từ năm 2015-2019, tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để chi trả phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ bảo hiểm cho tàu cá với gần 96 tỷ đồng. Chỉ riêng quý III/2019, tỉnh đã hỗ trợ bảo hiểm cho 171 tàu cá và 2.407 thuyền viên với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Trong đó bảo hiểm tai nạn thuyền viên là 722 triệu đồng, bảo hiểm thân tàu là hơn 2,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh BRVT cho hay, rất nhiều bà con ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 phản ánh về việc không mua được bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm PJICO và mong muốn công ty sớm cấp lại hợp đồng bảo hiểm để ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt.

“Không nên chỉ định công ty bán bảo hiểm cho tàu cá 67, mà để ngư dân có quyền lựa chọn, tránh tình trạng độc quyền. Bởi đã có nhiều ngư dân tàu 67 phản ánh tình trạng Công ty Bảo hiểm PJICO chậm trễ trong thủ tục thanh toán bảo hiểm khi tàu xảy ra sự cố, gây khó khăn cho ngư dân” - ông Hoàng nhìn nhận.

Trong Công văn số 1674 gửi UBND tỉnh BRVT và các sở, ngành liên quan, Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu cho rằng, quá trình hoạt động cấp bảo hiểm khi Thông tư 22/TT-BNNPTNT có hiệu lực, phía PJICO nhận thấy hầu hết các chủ tàu đều không đáp ứng được các yêu cầu về số lượng, chức danh thuyền viên được quy định tại Điều 10, Thông tư 22 quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản.

Do đó, từ giữa năm 2019 (thời điểm tái ký các hợp đồng bảo hiểm tàu cá), phía công ty hầu như chưa cấp lại được hợp đồng bảo hiểm tàu cá nào. Việc này dẫn đến mất phần lớn doanh thu tàu cá theo Nghị định 67 và tàu cá thông thường (ước chừng 15-20 tỷ đồng/năm). Đồng thời, nhiều chủ tàu không tiếp tục được bảo hiểm tại PJICO Vũng Tàu. Nếu Công ty Bảo hiểm PJICO tiếp tục cấp hợp đồng bảo hiểm bất chấp các quy định này sẽ có rủi ro rất lớn vì không bồi thường được cho các chủ tàu khi có tổn thất xảy ra.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Năm - Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu cho hay, đến nay phía PJICO Vũng Tàu vẫn chưa nhận được thông báo từ phía Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO cấp lại bảo hiểm cho ngư dân tàu 67 nên công ty vẫn đang ngưng cấp lại hợp đồng bảo hiểm cho tàu 67 trên địa bàn tỉnh.

“Vừa rồi PJICO có họp với UBND tỉnh BRVT và Bộ Tài chính. Tinh thần là đang vướng Thông tư 22 của Bộ NNPTNT. Do đó Tổng Công ty PJICO có làm công văn xin Bộ Tài chính tạm ngừng việc bán bảo hiểm để chờ sửa đổi, bổ sung Thông tư 22. Sau đó mới có thể tiếp tục triển khai” - ông Năm thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem