Hàng loạt cây xanh bị "siết cổ" bởi gông sắt trên đường phố Hà Nội

Đức Nguyên Thứ ba, ngày 11/04/2023 08:35 AM (GMT+7)
Nhiều hàng cây xanh trên địa bàn Hà Nội vô tình bị "siết cổ" bởi những gông sắt, khiến cho cây gặp khó khăn trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Bình luận 0

Từ năm 2016, nhằm thực hiện chiến dịch phủ xanh đô thị, Hà Nội đã cho trồng hơn 1 triệu cây xanh trên dải phân cách các tuyến đường. Đến cuối năm 2018, Hà Nội công bố hoàn thành trồng mới 1 triệu cây xanh.

Khi mới được trồng, các cây xanh được cố định bằng cột chống, gông sắt hoặc gỗ để giúp chúng đứng thẳng đứng, không bị đổ ngã do thời tiết và nhiều lý do khác.

Hàng loạt cây xanh bị "siết cổ" bởi gông sắt trên đường phố Hà Nội - Ảnh 1.

Hàng cây xanh tại phố Võ Chí Công, dù đã cao lớn, thế nhưng các gông bằng sắt vẫn còn đó.

Đến hiện tại, năm 2023, khi cây đã có thể đứng vững, tự chống chịu với thời tiết và đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên báo điện tử Dân Việt, hiện vẫn còn nhiều cây xanh trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được tháo "gông cổ".

Ghi nhận tại phố Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Hà Nội), hàng cây xanh vẫn bị "siết cổ" và bao vây bởi những cột chống đỡ dài khoảng 2m, mang tiếng là trợ giúp cho cây đứng thẳng nhưng giờ đây lại trở thành thứ kìm hãm sự phát triển của cây. 

Hàng loạt cây xanh bị "siết cổ" bởi gông sắt trên đường phố Hà Nội - Ảnh 2.

Những chiếc gông sắt siết sâu vào thân cây, tạo thành những rãnh lớn sứt sẹo ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây xanh.

Hàng loạt cây xanh bị "siết cổ" bởi gông sắt trên đường phố Hà Nội - Ảnh 3.

Phần gông nếu không được tháo lỏng hay gỡ kịp thời sẽ khiến lớp vỏ bên trong cây bị chết dần.

Ông Nguyễn Đức Anh (Chủ quán sửa xe tại phố Võ Chí Công) cho hay: "Tôi thấy những chiếc gông sắt này có từ rất lâu rồi, từ khi cây mới được trồng. Thế nhưng, mãi chưa thấy chúng được gỡ ra. Nhìn cũng xót ruột lắm, sợ cây không thể phát triển rồi không sống được".

Chị Phan Thị Hà (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, việc các cây bị gông sẽ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến vỉa hè, chị Hà nói: "Cây đã lớn việc để gông sẽ khiến vỉa hè bị ảnh hưởng, gây mất mỹ quan. Phần gông sẽ khiến cây rất khó phát triển, mong rằng cây sẽ được tháo gông để có thể phát triển một cách ổn định nhất".

Hàng loạt cây xanh bị "siết cổ" bởi gông sắt trên đường phố Hà Nội - Ảnh 4.

Cây xanh ở khu vực đường Láng (quận Đống Đa), gông sắt ôm sát vào phần vỏ cây.

Tình trạng này cũng đang còn xảy ra tại ven sông Tô Lịch đoạn khu vực đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), một số cây xanh tại đây vẫn được chống bằng gậy sắt, đeo gông quá lâu dẫn đến việc rỉ sét, gây ảnh hưởng đến việc cây phát triển.

Hàng loạt cây xanh bị "siết cổ" bởi gông sắt trên đường phố Hà Nội - Ảnh 5.

Dấu vết của những chiếc gông sắt để lại cho cây xanh khi được tháo ra.

Ông Trịnh Việt Anh (trú quận Cầu giấy, Hà Nội) cho biết: "Những hàng cây xanh trồng khoảng 2-3 năm đã nên tháo gông bởi đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Sau đó dùng gông cũ để chống, đỡ cho các cây mới sẽ tốt hơn, giúp tiết kiệm chi phí. Việc để gông quá lâu chỉ gây ảnh hưởng đến cây, chứ không được gì".

"Cây xanh không chỉ là bộ mặt thủ đô, thế nên, việc để những chiếc cọc, gông sắt sẽ khiến cây xanh nghẹt thở, khô héo, chết dần theo thời gian", ông Việt Anh nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem