Hàng loạt nguyên lãnh đạo VEAM bị khởi tố

09/03/2020 06:55 GMT+7
Gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, hàng loạt nguyên lãnh đạo Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) bị khởi tố.
Hàng loạt nguyên lãnh đạo VEAM bị khởi tố - Ảnh 1.

Các bị can Trần Ngọc Hà và Vũ Quang Tâm. Ảnh Bộ Công an

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can với Vũ Quang Tâm, nguyên phó tổng giám đốc, hiện là thành viên HĐQT Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cơ quan điều tra cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Hà, nguyên tổng giám đốc VEAM, về cùng tội danh. Ông Hà đã bị khởi tố trước đó trong cùng vụ án.

Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, C03 đã triển khai tống đạt, thi hành lệnh đối với các bị can.

C03 đang tiếp tục khẩn trương điều tra mở rộng vụ án, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố và các đối tượng liên quan; xác minh thu hồi, kê biên tài sản theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, đầu tháng 8/2019, C03 khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang, cùng là cựu Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trong số này, 3 bị can Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung bị bắt giam; bị can Vũ Từ Công bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đến giữa tháng 1 vừa qua, C03 tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc VEAM và bà Trần Thị Thanh Tâm (cán bộ nhà máy) về tội tham ô tài sản.

Được biết, các bị can nêu trên bị khởi tố do liên quan đến các sai phạm xảy ra tại VEAM và một số đơn vị thành viên. Trong đó có việc gây thua lỗ lớn tại nhà máy ô tô VEAM ở Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Dự án được triển khai từ năm 2004 với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 600 tỷ đồng, bằng cách mua lại nhà máy cùng dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc với công suất thiết kế 30.000 xe tải và 3.000 xe khách/năm.

Kết luận Thanh tra của Bộ Công thương đầu năm 2019 cho thấy, đến 31/12/2018, tổng vốn đầu tư Tổng công ty VEAM chuyển cho dự án nhà máy ô tô này lên đến gần 2.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế 343 tỷ đồng. Hàng tồn kho vào thời điểm này là 2.950 xe, gây thua lỗ nặng cho tổng công ty.

A.Vũ
Cùng chuyên mục