Hàng nghìn việc làm cho nông dân Ninh Bình được tạo ra bởi một nghề thủ công lấy cây cói làm nguyên liệu

Thu Hà Thứ sáu, ngày 28/10/2022 08:03 AM (GMT+7)
Nhắc đến ông “Khuyến cói”, người dân ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, Ninh Bình ai ai cũng biết. Nổi tiếng là như vậy bởi ông Khuyến là một trong những người tiên phong ở địa phương phát triển nghề cói và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Bình luận 0

Tạo việc làm cho gần 4.000 lao động

Ông "Khuyến cói" tên thật là Phạm Đăng Khuyến ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông Khuyến cho biết, ông gắn bó với nghề cói truyền thống của địa phương từ đầu những năm 1990 đến nay. Hiện, đơn vị của ông đang sản xuất và chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây cói, cây bèo giải quyết việc làm cho từ 3.500 đến 4.000 lao động nông nhàn trong tỉnh có mức thu nhập từ 3,2 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/tháng.

Hàng năm, đơn vị của ông Khuyến sản xuất ra hàng triệu sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Sản phẩm của đơn vị ông đã được tập đoàn IKEA người Thụy Điển xuất sang trên 50 quốc gia trên toàn cầu.

Làm mây tre đan xuất khẩu, hàng nghìn nông dân ở Ninh Bình có thu nhập ổn định - Ảnh 1.

Ông Phạm Đăng Khuyến đặt câu hỏi về vấn đề mở rộng độ tuổi đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VII chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp" được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2022 vừa qua. Ảnh: Phạm Hưng

Nhớ lại những ngày đầu gây dựng cơ sở, ông Khuyến chia sẻ: Xã Khánh Nhạc là nơi có nhiều nghề thủ công truyền thống như đan bèo bồng, mây tre đan, làm chiếu cói… nhưng do sản xuất không hiệu quả nên người dân dần dần bỏ nghề. Bản thân ông Khuyến cũng phải tìm về vùng đất mở huyện Kim Sơn, địa phương có nghề cói phát triển để tìm hướng lập nghiệp.

Sau gần chục năm gắn bó với nghề cói, ông Khuyến nhận ra rằng, để phát triển nghề thủ công truyền thống này đạt được hiệu quả thì cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Từ suy nghĩ đó, ông đã quyết định về quê mở hướng đầu tư vào sản xuất hàng chiếu cói xuất khẩu.

Làm mây tre đan xuất khẩu, hàng nghìn nông dân ở Ninh Bình có thu nhập ổn định - Ảnh 2.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng thăm mô hình sản xuất cói xuất khẩu của gia đình ông Khuyến (thứ 2 từ phải sang). Ảnh: Phương Đông

Năm 1996, từ số vốn huy động 50 triệu đồng, ông Khuyến đã thành lập tổ hợp cói xuất khẩu Thành Hóa. Thời gian đầu khi tổ hợp đi vào hoạt động, ông tận dụng tối đa nhân lực trong gia đình, rồi đi tìm thuê những người có tay nghề để dạy kỹ thuật cho công nhân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cói. Vì thế ông Khuyến phải đi khắp các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định… để tìm nơi tiêu thụ. Với mẫu mã đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá thành rẻ hơn so với xưởng sản xuất khác, dần dần sản phẩm cói của ông Khuyến được nhiều nơi đặt hàng.

Năm 2001, không những trả được hết số nợ mà ông Khuyến còn đầu tư nâng cấp tổ hợp lên Công ty TNHH Xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa với 500 lao động tập trung.

Phối hợp với tổ chức Hội Nông dân đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu

Ông Khuyến cho biết: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ chất liệu bèo tây nhưng vẫn dựa trên hoa văn nền tảng văn hóa truyền thống ra đời chiếm được cảm tình của nhiều người, đặc biệt là khách hàng Châu Âu.

Theo ông Phạm Đăng Khuyến, để có được thành công như ngày hôm nay đó là quá trình phấn đấu bền bỉ nhằm xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin nơi khách hàng. Trong đó, bước đột phá là công ty đã xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể theo từng giai đoạn, theo từng đối tượng khách hàng. Trong đó yếu tố quyết định là chất lượng sản phẩm phải bảo đảm và mẫu mã sản phẩm phải luôn được cập nhật, thay đổi để phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Đi đôi với sản xuất, kinh doanh, công ty còn chú trọng tham gia có hiệu quả vào các chương trình an sinh xã hội ở địa phương. Hàng năm, ông Khuyến phối hợp với các tổ chức Hội Nông dân để đào tạo nghề miễn phí cho các lao động có nhu cầu..., góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Với những thành tích xuất sắc đạt được, năm 2007, ông Phạm Đăng Khuyến được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2014 ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Hiện nay, đơn vị của ông Khuyến đang phối hợp với các đối tác nước ngoài để cập nhật mẫu mã mới, đồng thời xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao trở thành sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem