Hàng triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vô hiệu: Khách hàng làm gì để đòi quyền lợi của mình?

Phi Long Thứ hai, ngày 15/04/2024 18:39 PM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.
Bình luận 0

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến ngày 31/12/2022, tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực có trị giá 13,92 triệu đồng. Năm 2023, có thêm 1,91 triệu hợp đồng BHNT cấp mới. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2023, toàn thị trường chỉ có 12,44 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực. Như vậy, riêng năm 2023 đã có khoảng 3,39 triệu hợp đồng BHNT mất hiệu lực.

Đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, số hợp đồng đang còn hiệu lực giảm từ 2 nguyên nhân: hợp đồng đến hạn đáo hạn và số hợp đồng do khách hàng hủy, không đóng tiếp. Khi xảy ra tình trạng hủy hợp đồng lớn, cả doanh nghiệp và khách hàng đều thiệt. Mô hình triển khai BHNT, chi phí khai thác năm đầu lớn để thu phí dài hạn những năm tiếp theo trở nên ít ý nghĩa.

Trong khi đó, kết luận thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp rà soát, xử lý đại lý tư vấn bán bảo hiểm nhân thọ sai nhưng không hề nhắc đến việc bảo vệ quyền lợi khách hàng sau khi họ bị lừa mua bảo hiểm.

Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích: Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của công ty bảo hiểm nhân thọ nhằm bảo vệ tài chính cho người được bảo hiểm trước các rủi ro liên quan sức khỏe, thân thể và tính mạng, khi giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm các bên phải tuân thủ quy định pháp luật như sau:

Điều 16: Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm: Việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

Tuy nhiên, một số công ty bảo hiểm, tư vấn viên bị áp lực doanh số, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng mà làm trái nguyên tắc trên, các tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm bảo hiểm. Không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi… dẫn đến khách hàng bị lừa dối ký kết hợp đồng.

Các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu được quy định tại Điều 25 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp sau đây: Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm; Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm; 

Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo; Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; 

Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được; Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này; Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép; 

Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 của Luật này.

Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Như vậy, khi bị lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm hoặc thuộc một trong các trường hợp trên khách hàng có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết, bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc tố cáo tới Cơ quan Công an có thẩm quyền nếu có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem