Háo hức chờ tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn ra mắt

Chủ nhật, ngày 05/03/2017 15:04 PM (GMT+7)
Công tác chuẩn bị cho việc đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ (buýt đường sông) vào tháng 6 tới, đang được các ngành liên quan khẩn trương thực hiện.
Bình luận 0

Thông tin TPHCM sắp đưa vào hoạt động 2 tuyến buýt đường sông (Bình Quới – Bạch Đằng và Bạch Đằng – Lò Gốm) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Đây được xem là phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ đầu tiên ở TPHCM.

Mimgẫu tàu lựa chọn cho tuyến Vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ (buýt đường sông). Tàu có sức chứa 80 hành khách, được trang bị máy điều hoà, trang thiết bị cứu hộ- cứu nạn

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý Giao thông đường thuỷ (GTĐT) - Sở GTVT TPHCM) cho biết: UBND TPHCM đã phê duyệt dự án đầu tư hai tuyến buýt đường sông đầu tiên của thành phố. Hai tuyến buýt đường sông này có tổng chiều dài hơn 21 km, chạy từ quận Thủ Đức đến quận 8.

“Hai tuyến buýt đường sông này (theo hai chiều xuôi ngược) sẽ được thực hiện trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Cụ thể, tuyến Bình Quới - Bạch Đằng (tuyến số 1) bắt đầu từ bến đò Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, cách giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân chưa đầy 1 km) theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa (phía phường 28, quận Bình Thạnh) và đổ ra sông Sài Gòn để dừng ở khu vực bến Bạch Đằng (đang được chỉnh trang).

Tuyến nối tiếp là Bạch Đằng - Lò Gốm (tuyến số 2) bắt đầu từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 7)”, ông Bằng thông tin chi tiết.

Trưởng phòng GTĐT khẳng định: Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị như bàn giao mặt bằng các vị trí bến bãi, phương tiện vận chuyển hành khách (tàu buýt)… đều đang được khẩn trương thực hiện và chắc chắn, tháng 6/2017 sẽ chính thức đưa vào hoạt động tuyến số 1 vào hoạt động.

Theo ông Bằng, tuyến số 1 sẽ có 9 bến, 10 tàu điện (mỗi tàu có giá gần 3,8 tỷ đồng), được trang bị máy điều hoà, trang thiết bị cứu hộ- cứu nạn với sức chứa khoảng 80 hành khách/tàu và giá vé 15 nghìn đồng/người/lượt. Thời gian di chuyển của tàu (với khoảng cách từ bến đầu ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức đến bến cuối Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng, quận 1, khoảng 11km) là 30 phút, chỉ bằng 2/3 thời gian của xe buýt đường bộ trên cùng một tuyến.

Trước thông tin sẽ có tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TPHCM, nhiều người dân tỏ ra vô cùng phấn khởi và nóng lòng chờ đợi loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng "mới toanh" này đi vào hoạt động. "Là sinh viên trường Đại học ở Thủ Đức, hàng ngày đi lại bằng xe buýt ra vào trung tâm Sài Gòn, tôi và rất nhiều người rất sợ tình trạng kẹt xe ở các tuyến cửa ngõ. Sắp tới sẽ có buýt đường sông, tôi và bạn bè đang háo hức chờ đợi. Tuy nhiên tôi mong muốn ngành giao thông có kế hoạch giảm giá cho các đối tượng là sinh viên, người già...để khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện này", anh Quốc Bảo, một sinh viên chia sẻ.

img

Bến Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1), bến cuối thuộc tuyến buýt đường sông số 1 (Bình Quới, Thủ Đức - Bạch Đằng, quận 1).

9 bến đón trả khách của tuyến buýt đường sông Bình Quới – Bạch Đằng (tuyến số 1):

1- Bến Bình Quới, phường Linh Đông, quận Thủ Đức (Km12+500).

2- Bến Hiệp Bình Chánh, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức (Km10+770).

3- Khu bến trung tâm rộng khoảng 3 ha phường Hiệp Bình Chánh (Km08+750)

4- Bến Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh (Km08+940).

5- Bến Tầm Vu, phường 26, quận Bình Thạnh (Km07+820).

6- Bến Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2 (KM05+660).

7-Bến Bình An, phường Bình An, quận 2 (Km03+604).

8- Bến Sài Gòn Pearl, phường 22, quận Bình Thạnh (Km02+326).

9- Bến Bạch Đằng, phường Bến Nghé, quận 1 (Km00+000).

Đăng Lê (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem