Hát ru của người Tày Bắc Kạn lưu truyền 3 - 4 thế hệ, đàn ông cũng biết ru con cháu

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 30/05/2023 12:28 PM (GMT+7)
Hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) là thể hát độc đáo từ ca từ cho đến âm điệu. Nội dung những bài hát ru đều hướng đến các hoạt động sinh hoạt thường nhật của đồng bào Tày Giáo Hiệu nơi đây.
Bình luận 0

Nỗ lực bảo tồn thể hát ru của người Tày ở xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Clip: Chiến Hoàng

Mềm môi câu hát của người Tày

Hát ru của người người Tày Bắc Kạn, đặc biệt là người Tày ở xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, ngoài việc giúp cho trẻ có giấc ngủ sâu còn là sợi dây gắn kết tình cảm, tình yêu thương giữa người mẹ, người chị, người bà với con trẻ.

Cộng đồng Tày Pác Nặm (Bắc Kạn) nỗ lực vực lại thể hát ru - Ảnh 2.

Ba thế hệ nhà bà Ma Thị Châm (thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) hát ru bằng tiếng Tày cho bé ngủ. Ảnh: Chiến Hoàng

Trong đời sống văn hóa Tày, tiếng ru được cất lên bất kỳ đâu, từ không gian trong nhà đến ngoài trời. Ngay cả khi đi nương, đi rẫy, bẻ ngô, xuống đồng, lời ru ngọt ngào vẫn theo chân các bà, các chị vọng lan. Tiếng ạ ời thể như dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ và là mối liên hệ gần gũi, sâu sắc nhất trong các gia đình Tày.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Pác Nặm cho biết, nội dung các bài hát ru của người Tày thường là những câu chuyện kể về sinh hoạt thường nhật. Và ở đó luôn có sự hiện diện của một vài thức quà quê cho những đứa trẻ chăm ngoan, có thể chỉ là con muồm muỗm, con chim nhỏ hay quả dưa nương, nhưng lại là sự biểu hiện sâu sắc tình yêu thương của người lớn dành cho những đứa trẻ.

Cộng đồng Tày Pác Nặm (Bắc Kạn) nỗ lực vực lại thể hát ru - Ảnh 3.

Chị Lự Thị Huệ (thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) ru nựng trẻ ở không gian ngoài trời. Ảnh: Chiến Hoàng

Để tìm hiểu, cũng là để được một lần đắm chìm trong những lời ru Tày ngọt ngào của các bà, các mẹ, chúng tôi tìm đến thôn Cốc Lào (xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) nơi được cho là có khá nhiều người còn biết hát ru bằng ngôn ngữ Tày.

Tại nhà bà Ma Thị Châm, trời còn sớm sương, trên nhà, dưới bếp đã rộn rã tiếng nói cười. Nhà bà Châm hôm nay đón khách xa về. Con dâu, các cháu bà Châm cùng mấy cậu trai lúc này cũng đã lục tục tay dao, tay thớt, bếp núc ra vào đón khách đường xa.

Trên nhà, lúc này bà Châm đang bận nựng đứa cháu ngoại. Có lẽ bén hơi người lạ, đứa bé cứ ngằn ngặt khóc. Bà Châm ngồi bên lặng lẽ đưa nôi rồi khe khẽ cất tiếng ru. Ngôi nhà sàn ba gian hai chái, mọi ồn ã lúc này chừng ngưng cả lại, lời ru của bà Châm như dòng suối mát cứ vậy nhẹ lan từ nhà xuống bếp, lan lên cả đồi ngô đang kỳ thu hoạch phía sau nhà.

Cộng đồng Tày Pác Nặm (Bắc Kạn) nỗ lực vực lại thể hát ru - Ảnh 4.

Lời hát ru của người Tày ở thôn Cốc Lào (xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) thường là những câu chuyện liên quan đến đồng ruộng, học hành, hay ngóng đợi quà khi người lớn đi làm về. Ảnh: Chiến Hoàng

Đứa trẻ vẫn khóc chưa ngưng, ông Mã Văn Ly lúc này cũng đã đến bên cất tiếng ru cùng bà Châm. Hai thanh âm lúc đục trầm khi thanh thoát, mềm mại như ngọn lửa hồng cứ vậy mà cuốn bện vào nhau. Chừng lúc lâu bé con đã chìm vào giấc ngủ. Bà Châm bảo, bé khó ngủ nên nhiều khi cả nhà phải thay phiên nhau ru giúp bé có giấc ngủ sâu.

Chia sẻ về thể hát ru của đồng bào Tày nơi đây, bà Châm cho biết, những bài hát ru thường là những bài có vần nhịp giống thơ thất ngôn. Nội dung thì phong phú lắm.

Nói rồi bà cất tiếng ru để chúng tôi hình dung thêm, lời rằng: Ứ, ứ noọng nòn… nòn đắc, nòn đí/Nòn tắng pí pây rẩy au qua/Nòn tắng mé pây nà au luồm/Luồm noọng đảy slong boóc/Nộc choóc đảy slong tua/Tua nớng pây nhọm mây/Tua nớng dú đăng phầy hẩư mé. Tạm dịch: Ứ.. ứ em ngủ, ngủ cho say/ Ngủ đợi chị đi rẫy thu dưa/Ngủ đợi mé (mẹ) ruộng thưa bắt muỗm/Muỗm bắt được hai ống/Chim bắt được hai con/Một con đi nhuộm vải/Con còn lại ngồi đun bếp giúp mẹ…

Cộng đồng Tày Pác Nặm (Bắc Kạn) nỗ lực vực lại thể hát ru - Ảnh 5.

Ông Mã Văn Ly (thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) ngồi đưa nôi ru cho cháu ngoại say giấc. Ảnh: Chiến Hoàng

Nói về việc học hát ru, bà Châm chia sẻ: "Cũng chẳng có ai dạy đâu, nghe nhiều từ bé mà thấm, rồi tự nhiên biết ru thôi. Thế hệ chúng tôi ai cũng vậy cả".

Giống như bà Châm, chị Lự Thị Huệ - con dâu bà Châm cũng nghe nhiều thành quen, thành thân thuộc và rồi khi nựng trẻ thì những âm điệu, những lời ru từ đâu cứ vậy kéo về mà hát đến mềm môi.

Người truyền thừa hát ru của người Tày

Nhiều ý nghĩa là vậy, thế nhưng hát ru của người Tày Pác Nặm hiện giờ đây đang đứng trước nguy cơ mai một. Để "gia tài" ngồn ngộn chất đời sống, đậm nét văn hóa tộc người ấy không bị rơi vào quên lãng, những người già trong cộng đồng Tày tại xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm hôm nay đang miệt mài, nỗ lực truyền dạy lại cho thế hệ trẻ với mong muốn lưu giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Tày cho muôn đời sau.

Ông Mã Văn Ly (thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) bộc bạch, dân tộc Tày sắp mai một thể hát ru và lượn cọi rồi. Đã lâu người ta không dùng đến những bài hát ru cho trẻ. Nhưng vào khoảng hai năm gần đây, hát ru đã bắt đầu trở lại trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày.

"Với đà này, sẽ không còn lo hát ru, lượn cọi của người Tày bị mất nữa. Nhất là khi ngành văn hóa, chính quyền địa phương cũng đang tích cực vào cuộc để bảo tồn thể hát độc đáo này" - ông Ly khẳng định.

"Cùng với nỗ lực của những người tâm huyết với loại hình hát ru của người Tày, ngành văn hóa tỉnh Bắc Kạn cũng đã vào cuộc, lập hồ sơ để hát ru của người Tày được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh".

(Ông Nông Khánh Hoàn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn)

Là người tâm huyết với thể hát ru của đồng bào Tày, bà Hoàng Thị Mỵ (thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) sau những giờ lao động vất vả trên nương, trên rẫy hay ngoài đồng ruộng lại tất bật truyền dạy thể hát ru độc đáo của người Tày cho con cháu và người dân trong bản.

Không gian truyền dạy của bà Mỵ cũng rất đa dạng, lúc thì trong nhà, khi dưới bếp, ngoài sàn, thậm chí ngay cả khi đang đi đường. Không gian truyền dạy ấy cũng đa dạng như chính không gian thực hành thể hát ru hay lượn cọi của người Tày vậy.

Cộng đồng Tày Pác Nặm (Bắc Kạn) nỗ lực vực lại thể hát ru - Ảnh 7.

Bà Hoàng Thị Mỵ (ngoài cùng bên phải), thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đang truyền dạy thể hát ru của người Tày cho thế hệ trẻ. Ảnh: Chiến Hoàng

Người ta vẫn bảo bà Mỵ là người truyền thừa "ba không": Không tiền bồi dưỡng, không cần đón đưa, không giấu nghề. Có được chứng kiến bà Mỵ truyền dạy những thể hát dân gian của người Tày mới thấy sự tâm huyết và trách nhiệm ở người "nghệ nhân" này. Để có thể vực lại thể hát ru, có lẽ người truyền thừa Hoàng Thị Mỵ sẽ không chỉ dừng lại ở "3 không".

"Làn điệu hát ru của người Tày đã được truyền lại từ xa xưa, tôi được tiếp nhận từ các cụ. Tôi rất muốn bảo tồn những làn điệu hát ru, do đó tôi luôn dành thời gian truyền dạy cho các con, các cháu để thế hệ sau được biết và có thể ru con, ru cháu theo làn điệu mà các ông bà xưa để lại" - bà Mỵ chia sẻ.

Thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu khi chúng tôi rời bước chân, phía xa, trên sàn phơi của ngôi nhà bà Châm, bà Hoàng Thị Mỵ vẫn đang miệt mài truyền dạy những lời ru ngọt ngào cho những đứa trẻ của thôn. Những lời ru ấy cứ vậy mà theo từng nhịp bước chân chúng tôi xuống núi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem