Hé lộ hệ sinh thái của "ông chủ" Xuyên Việt Oil trong vụ án ông Lê Đức Thọ

O.L Thứ bảy, ngày 16/12/2023 13:09 PM (GMT+7)
Dữ liệu Dân Việt cho thấy, Xuyên Việt Oil liên tục tăng quy mô vốn điều lệ, từ mức 50 tỷ đồng (năm 2016) gấp 60 lần lên 3.000 tỷ đồng, (năm 2022). Cổ đông nắm tới 98% vốn của Xuyên Việt Oil là Giám đốc Mai Thị Hồng Hạnh.
Bình luận 0

Trong quá trình điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Lê Đức Thọ (sinh năm 1970, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) để điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, hồi tháng 9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 2 nữ Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty này.

Mai Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1979, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Nguyễn Thị Như Phương, sinh năm 1992; Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Vụ bắt ông Lê Đức Thọ: Hé lộ nguồn vốn khủng và "ông chủ" của Xuyên Việt Oil  - Ảnh 1.

Một cửa hàng xăng dầu của Xuyên Việt Oil ở TPHCM. Ảnh Tiền Phong

Xuyên Việt Oil đứng đầu nợ thuế đợt 2 năm 2023 tại TP.HCM

Dữ liệu Dân Việt cho thấy, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil thành lập ngày 31/5/2005, trụ sở chính tại phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM. Công ty được cấp phép làm thương nhân đầu mối xăng dầu hai lần vào năm 2016 và 2021.

Công ty này có 13 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và 49 đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Công ty. Năm 2022 Xuyên Việt Oil không được Hải quan TP. HCM giải quyết nhập khẩu xăng, dầu. Lý do được Bộ Tài chính nêu là do công ty chậm nộp thuế.

Trong năm 2022, Bộ Công thương đã thanh tra Công ty Xuyên Việt Oil. Với nhiều vi phạm, công ty bị Bộ Công thương xử phạt hành chính 390 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong 1,5 tháng (từ 10/8-13/9/2022).

Tháng 7/2023, Bộ Công thương tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil và 3 doanh nghiệp đầu mối khác. Sau đó, Bộ Công thương thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với Xuyên Việt Oil, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp chuyển nộp ngay toàn bộ tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước.

Tháng 9/2023, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil cùng một số cơ quan, tổ chức có liên quan.

Mới đây, Cục Thuế TP.HCM công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế đợt 2 năm 2023. Danh sách đứng đầu nợ thuế là Công ty Xuyên Việt Oilvới số nợ thuế hơn 1.500 tỷ đồng.

Xuyên Việt Oil vốn khủng, làm ăn đi lùi

Xuyên Việt Oil liên tục tăng quy mô vốn điều lệ, từ mức 50 tỷ đồng năm 2016 đến giữa tháng 8/2022 tăng 60 lần lên 3.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tháng 4/2016, vốn Xuyên Việt Oil đạt 50 tỷ đồng, trong đó bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm 95%, Đỗ Thị Bảo Khuyên nắm 5%. Đến tháng 12/2016, Công ty tăng vốn lên 200 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu vẫn bà Hạnh nắm 95% và bà Khuyên năm 5%.

Vụ bắt ông Lê Đức Thọ: Hé lộ nguồn vốn khủng và "ông chủ" của Xuyên Việt Oil  - Ảnh 3.

Vào tháng 4/2017, bà Đỗ Thị Bảo Khuyên chuyển 5% sở hữu sang cho cổ đông mới là Hoàng Minh Trọng. Sau đó một tháng, cơ cấu sở hữu Công ty tiếp tục biến động khi cổ đông Hoàng Minh Trọng thoái vốn và xuất hiện bà Mai Thị Ngọc Trinh với vốn góp 40 tỷ đồng (20%) và bà Mai Thị Hồng Hạnh góp 160 tỷ đồng (80%).

Đến tháng 4/2019, Xuyên Việt Oil tăng vốn lên 900 tỷ đồng, sau đó 6 tháng công ty tăng vốn tiếp lên 1.100 tỷ đồng. Cơ cấu sở hữu vẫn là bà Hạnh nắm 80% và bà Trinh góp 20%.

Và đến lần thay đổi thứ 14 ngày 9/8/2022, vốn Công ty tăng lên 3.000 tỷ đồng, trong đó bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm tới 98% vốn, bà Mai Thị Ngọc Trinh nắm 2% vốn còn lại.

Theo báo cáo tài chính của Xuyên Việt Oil, quá trình hoạt động gần đây, doanh nghiệp này không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Tính đến 31/12/2022, Xuyên Việt Oil nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước tổng cộng hơn 1.300 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đi lùi khi doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 11.911 tỷ đồng, giảm 10.446 tỷ đồng (46,7%) so với năm 2021. Lợi sau thuế lỗ 800 tỷ đồng, năm trước đó lỗ 720 tỷ đồng. Nâng lỗ lũy kế lên 3.533 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 533 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Xuyên Việt Oil tại 31/12/2022 ghi nhận 8.483 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cuối năm 2021. Nợ phải trả giảm 30% xuống 9.015 tỷ đồng. Trong nợ vay ngắn hạn tăng 145% lên 5.844 tỷ đồng.

Bà Mai Thị Hồng Hạnh còn là đại diện tại nhiều pháp nhân có vốn lớn khác như: CTCP Cảng Việt Oil, Công ty TNHH Thành Phong, CTCP Việt Oil.

CTCP Cảng Việt Oil thành lập tháng 6/2017, ngành nghề chính là dịch vụ cảng và bến cảng. Vốn điều lệ tại tháng 1/2019 tăng từ 500 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thành Phong thành lập năm 2001, vốn điều lệ tại tháng 12/2021 là 12 tỷ đồng trong đó bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm 96,7% vốn, còn lại 3% là của Nguyễn Thị Như Phương.

CTCP Việt Oil (thành lập tháng 12/2021) có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó Xuyên Việt Oil nắm 65% vốn, bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm 17% vốn, Mai Tuấn Kiệt góp 15% và Nguyễn Thị Như Phương góp 3%.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem