Hé lộ tiềm lực liên danh vừa trúng gói thầu 1.604 tỷ đồng xây dựng đường Hồ Chí Minh

O.L Thứ ba, ngày 06/02/2024 07:30 AM (GMT+7)
Nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu xây dựng đường Hồ Chí Minh là Liên danh CTCP Hải Đăng - Công ty CP Đầu tư phát triển Hugia - Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - Công ty CP Công trình Long Hưng - Công ty CP Tập đoàn Thành Huy.
Bình luận 0

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL1 Thi công xây dựng đoạn Km0+00 - Km40+500 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) - gói thầu xây lắp có quy mô lớn nhất thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (tổng mức đầu tư 3.904 tỷ đồng).

Nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu là Liên danh CTCP Hải Đăng - Công ty CP Đầu tư phát triển Hugia - Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - Công ty CP Công trình Long Hưng - Công ty CP Tập đoàn Thành Huy. Giá trúng thầu là 1.604,194 tỷ đồng (giá dự toán 1.604,945 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 700 ngày.

Gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng, dự kiến đóng thầu ngày 19/1/2024, nhưng được gia hạn đến ngày 25/1/2024 do Bên mời thầu tiến hành làm rõ yêu cầu về hợp đồng tương tự tại hồ sơ mời thầu.

Hé lộ tiềm lực liên danh vừa trúng gói thầu 1.604 tỷ đồng xây dựng đường Hồ Chí Minh- Ảnh 1.

Liên danh 5 thành viên trúng gói thầu 1.604 tỷ đồng xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ảnh minh hoạ

CTCP Hải Đăng

Công ty Cổ phần Hải Đăng được thành lập vào ngày 5/11/2008, có trụ sở chính đặt tại số 20 đường số 22, khu phố 2, phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM, và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Ông Đỗ Đức Bình (SN 1976) là người đại diện pháp luật, đồng thời giữ chức vụ Tổng Giám đốc, còn ông Thái Trường Giang (SN 1972) là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cuối năm 2020, Công ty có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, trong đó ông Thái Trường Giang sở hữu 99,4%, còn vợ ông Giang - bà Lê Thị Thu Vân sở hữu 0,3%. Vào tháng 7/2021, Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, sau đó đến tháng 6/2023, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên 700 tỷ đồng, tuy nhiên, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Hé lộ tiềm lực liên danh vừa trúng gói thầu 1.604 tỷ đồng xây dựng đường Hồ Chí Minh- Ảnh 2.

Ông Thái Trường Giang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hải Đăng (Ảnh: Hải Đăng)

Theo thông tin trên trang chủ, Hải Đăng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, sản xuất kết cấu thép và cung cấp vật liệu xây dựng.

Công ty này là đối tác quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng ở tỉnh Tây Ninh. Tại Tây Ninh, Hải Đăng đã tham gia xây dựng nhiều dự án quan trọng như khách sạn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trụ sở chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, trụ sở Ngân hàng TMCP BIDV Tây Ninh, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh, Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Tây Ninh và nhiều tuyến đường quan trọng khác.

Hải Đăng cũng đảm nhận thi công nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp (KCN) với vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN Phước Đông (huyện Gò Dầu) và Thành Thành Công (huyện Trảng Bàng). Các dự án này bao gồm nhà máy dệt của Công ty TNHH Xin Sheng (Việt Nam), nhà máy sản xuất sợi màu Brotex (Việt Nam), nhà máy sản xuất lốp xe ô tô Sailun (Việt Nam), nhà máy dệt vải màu 30 triệu mét của Công ty TNHH Luthai (Việt Nam) và nhiều dự án khác.

Ngoài ra, Hải Đăng mở rộng hoạt động vào lĩnh vực môi trường và năng lượng tái tạo. Công ty đã thâu tóm CTCP Công nghệ môi trường Tây Ninh và nắm giữ 35% cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Tây Ninh. Tuy nhiên, vào năm 2018, Hải Đăng đã thoái toàn bộ vốn khỏi CTCP Cấp thoát nước Tây Ninh. Công ty cũng tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với hai nhà máy điện mặt trời là Hoàng Thái Gia và Suối Ngô 1.

CTCP Đầu tư phát triển Hugia

Dữ liệu cho thấy, CTCP Đầu tư phát triển Hugia thành lập ngày 16/11/2007, trụ sở chính tại số 106, ngõ 65 phố Lương Đình Của, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Đại diện pháp luật là Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Thuận (SN 1977) và Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tỉnh (SN 1977). Ngành nghề hoạt động chính là xây dựng công trình đường bộ.

Tại thay đổi vào tháng 11/2023, Công ty tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên 23 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên

Doanh nghiệp này thành lập ngày 26/1/2005 đại diện là ông Đào Việt Tiến (SN 1974) và ông Nguyễn Thiện Thắng (SN 1980) và Trương Trọng Duy (SN 1975). Công ty có trụ sở chính tại ngõ 102 Nguyễn Đình Toàn, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.

Tại thay đổi tháng 1/2023, Công ty tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Sau đó đến tháng 5/2023, CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên tăng vốn lên 160 tỷ đồng.

Trên website của Công ty giới thiệu: Một số công trình lớn Khang Nguyên ICI đã và đang thi công góp phần xây dựng: Cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng), cầu Nhật Lệ 3 (Quảng Bình), cầu Ba Láng (Cần Thơ), cầu Bến Rừng (Hải Phòng), dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cầu Đăng, công trình kè sông Tam Bạc (Tp Hải Phòng); Dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cầu song Chanh (Quảng Ninh); cầu Việt Trì (Phú Thọ), cầu Vàm Cống (Đồng Tháp), Gói thầu CP1C đường sắt Bắc Nam, Cầu Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc); cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng), Dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài...

Công ty CP Công trình Long Hưng

Công ty CP Công trình Long Hưng thành lập ngày 22/9/2011 địa chỉ tại đường Âu Cơ, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội. Ngành nghề chính là xây dựng nhà để ở. Đại diện pháp luật là ông Vũ Đình Tuân (SN 1980) kiêm Giám đốc Công ty. Tại thời điểm tháng 11/2020 Công ty tăng vốn từ 6 tỷ đồng lên 16 tỷ đồng. Dữ liệu về đấu thầy cho thấy, doanh nghiệp này tham gia 16 gói thầu và đều trúng cả 16 gói.

Công ty CP Tập đoàn Thành Huy

Doanh nghiệp thành lập ngày 13/4/2008, có trụ sở chính tại tổ dân phố 1A, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hoạt động chính trong lĩnh vực xây nhà các loại.

Tính đến ngày 21/5/2018, công ty có vốn điều lệ đạt 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Nguyễn Phi An (5%), Trần Thị Kiều Vân (5%) và Nguyễn Phi Long (90%). Ông Long (sinh năm 1977) cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và Người đại diện theo pháp luật.

Đến ngày 9/12/2022, Công ty tăng vốn lên 500 tỷ đồng, tuy nhiên đến ngày 23/8/2023, doanh nghiệp lại bất ngờ giảm vốn xuống còn 100 tỷ đồng và cổ đông góp vốn không được tiết lộ.

Công ty Thành Huy từng tham gia một số liên danh đáng chú ý. Đơn cử: Liên danh Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long, Tập đoàn Thành Huy, CTCP CP 479 thi công Gói thầu B3-67 Xây dựng cầu Măng Thít trên Quốc lộ 53 tỉnh Vĩnh Long (bao gồm thiết kế bản vẽ thi công và đảm bảo giao thông) thuộc dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 với giá trúng thầu hơn 124 tỷ đồng; Dự án đường dân sinh nội vùng biển ngang xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng, với chiều dài hơn 3 km được khởi công từ năm 2018;…

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy được xem là thầu "quen mặt" khi tham gia dự thầu và trùng thầu nhiều gói thầu xây dựng lớn trên địa bàn Hà Tĩnh.

Cụ thể, tại các gói thầu xây dựng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh làm chủ đầu tư (đơn vị mời thầu), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy tham gia dự thầu và trúng thầu phải kể đến như: Xây dựng đoạn Kỳ Phú – Kỳ Ninh (Km92+847,17 - Km103+109,38) thuộc dự án Nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng với giá trị gói thầu hơn 59 tỷ đồng…

Đáng chú ý, Công ty Thành Huy từng liên tục bị cảnh cáo vì chậm tiến độ trong các dự án trọng điểm quốc gia. Cụ thể, hồi tháng 8/2022, CT CP Tập đoàn Thành Huy là nhà thầu nằm trong danh sách nhà thầu (Tập đoàn Miền Trung - Tập đoàn Thành Huy - Công ty TNHH Như Nam) bị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) có văn bản cảnh cáo do chậm tiến độ thi công tại gói thầu CW4C thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang).

Cũng tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên, đến đầu tháng 10/2022, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục cảnh cáo lần 2 do công tác đắp cát để cắm bấc thấm và gia tải giai đoạn 1 của hai nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy còn khối lượng rất lớn, khoảng 200.000m3 và đã chậm khoảng 2 tháng.

Từ giữa tháng 9/2022 đến thời điểm bị cảnh cáo, hai nhà thầu này chỉ đắp cát đạt trung bình 700m3/ngày, trong khi cần đắp khoảng 4.000m3/ngày. Nguyên nhân là do nhà thầu không bố trí đủ tài chính cho hiện trường; chưa chủ động trong điều hành và chưa nỗ lực hoàn thành theo tiến độ do nhà thầu lập.

Trước đó, tháng 9/2022, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đã cảnh cáo Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy chưa nghiêm túc thực hiện kế hoạch do chính đơn vị đề ra và các yêu cầu của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận để đẩy nhanh tiến độ thi công tại gói thầu XL-02, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.

Cũng trong tháng 9/2022, mặc dù đang chậm thi công và bị chủ đầu tư cảnh cáo ở các dự án giao thông trọng điểm nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải xin tham gia thi công dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem