Hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam bằng mô hình, sản phẩm cụ thể

Thu Hà Thứ sáu, ngày 19/04/2024 10:01 AM (GMT+7)
Với tinh thần quyết tâm cao, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân cả nước đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt đi vào cuộc sống bằng những hoạt động, mô hình thiết thực, cụ thể.
Bình luận 0

Hội Nông dân xây dựng các mô hình cụ thể

Cuối tháng 2/2024 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp "Trồng lúa chất lượng cao" tại ấp Phú Lâm, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn. Chi hội này có 24 hội viên tham gia với diện tích 170,2ha. Đây đều là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có diện tích trồng lúa lớn trên địa bàn ấp Phú Lâm.

Trong đó, Chi hội trưởng Phùng Văn Hừng là nông dân có uy tín ở địa phương; Chi hội phó Trần Minh Trị là nhân sự thuộc Tập đoàn Lộc Trời tại địa bàn được phân công. Bên cạnh nhiệm vụ điều hành do Chi hội trưởng phân công, nhân sự do Tập đoàn Lộc Trời cử tham gia sẽ phụ trách về chuyên môn, kỹ thuật, hướng dẫn chọn giống lúa, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh của chi hội.

Hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam bằng mô hình, sản phẩm cụ thể- Ảnh 1.

Đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2023. Ảnh: Đức Quảng

"Chi Hội nông dân nghề nghiệp là những hạt nhân cơ sở nòng cốt để hình thành HTX kiểu mới, tham gia phát triển vùng nguyên liệu ổn định theo Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

Ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội Nd tỉnh An Giang

Chi hội nông dân "Trồng lúa chất lượng cao" ấp Phú Lâm thống nhất thực hiện theo "5 tự" (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và "5 cùng" (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi).

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết: Với đặc trưng là một tỉnh nông nghiệp, có diện tích đất trồng lúa lớn nhất cả nước với 230.000ha, sản lượng 4 triệu tấn/năm với 80% là lúa chất lượng cao, trong nhiệm kỳ qua Hội Nông dân tỉnh An Giang đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Hội Nông dân An Giang đã phối hợp với 30 doanh nghiệp liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa cho nông dân trong tỉnh với diện tích 96.000ha lúa.

Ông Nhiên cho biết: Năm 2024, bám sát quan điểm chỉ đạo, các định hướng lớn theo Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, và Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh về kết quả Đại hội, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết.

Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 đề ra chỉ tiêu phấn đấu thành lập mới 25.000 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, 2.500 chi Hội Nông dân nghề nghiệp. Phấn đấu hỗ trợ thành lập mới 5.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 1.000 HTX nông nghiệp.

Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Hội Nông dân tỉnh An Giang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân thành lập các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, liên kết sản xuất. Chi hội nông dân "Trồng lúa chất lượng cao" ấp Phú Lâm, xã Lương An Trà, là chi Hội nông dân nghề nghiệp đầu tiên trong kế hoạch thành lập 19 chi Hội trong năm 2024, hướng đến 200 chi Hội vào năm 2030 của Hội Nông dân tỉnh An Giang.

Hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam bằng mô hình, sản phẩm cụ thể- Ảnh 2.

Các thành viên tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Ảnh: N.T

Khuyến khích nông dân sáng tạo

Với tinh thần quyết tâm cao, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phấn đấu sớm đưa nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống và thực hiện Chương trình hành động, sau khi Tỉnh ủy ban hành chương trình theo Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới vào cuộc sống.

Ông Giàng A Câu – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: "Việc triển khai nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam cũng như triển khai Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị sẽ tạo sự đồng thuận trong hội viên nông dân. Bởi các nghị quyết này sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Hội Nông dân tỉnh cũng yêu cầu Hội Nông dân các huyện, thành phố bám sát nội dung nghị quyết để khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp tổ chức thực hiện hiệu quả".

Bà Lương Vân Hường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Một trong 17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam đề ra chỉ tiêu phấn đấu hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Hội Nông dân huyện Lục Yên quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, làm chủ khoa học, đưa cây, con giống mới năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao vào canh tác, chăn nuôi; từng bước thay đổi thói quen, phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ của người dân, chuyển dần sang sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm có năng suất, giá trị kinh tế cao" – bà Hường cho hay.

Còn ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: Hội Nông dân tỉnh khuyến khích việc sáng tạo, đa dạng, phong phú các hình thức trong triển khai Nghị quyết vào cuộc sống như lồng ghép với sinh hoạt chi, tổ Hội, để tăng sức hấp dẫn thu hút hội viên tìm hiểu nghị quyết. Đồng thời kết hợp phổ biến, quán triệt với việc thảo luận, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của các cấp Hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Quá trình thực hiện, lấy hiệu quả của việc xây dựng các mô hình, sản phẩm cụ thể để đánh giá.

17 chỉ tiêu cụ thể tại Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028

- Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Hội.

- Phấn đấu 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và Chi hội trưởng chi Hội Nông dân được trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nghiệp vụ công tác Hội.

- Kết nạp từ 1,0 triệu hội viên mới trở lên.

- Thành lập mới 25.000 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, 2.500 chi Hội Nông dân nghề nghiệp.

- Có ít nhất 97% cơ sở Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

- Phấn đấu 100% chi Hội có quỹ hoạt động Hội.

- Trực tiếp, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 1,25 triệu hội viên và lao động nông thôn trở lên.

- Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho 250.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên.

- Hỗ trợ ít nhất 500.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

- Có 100% hội viên tham gia bảo hiểm y tế.

- Vận động từ 250.000 hội viên trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

- Có từ 30% số hội viên trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.

- Hỗ trợ thành lập mới 5.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 1.000 hợp tác xã nông nghiệp.

- Có 100% hộ hội viên sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Tăng trưởng quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách.

- Có 100% cơ sở Hội xây dựng được mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

3 nhiệm vụ đột phá:

- Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân.

- Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

- Nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem