Hiệp định EVFTA: Xuất khẩu giày dép sang EU tăng 19,2%

11/06/2021 15:35 GMT+7
Sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, mặc dù thị trường vẫn ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid - 19, tuy nhiên, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng mạnh.

Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cũng cho thấy, kể từ tháng 8/2020 (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU thực thi) đến tháng 3/2021 đã có 6 tháng xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU tăng (trừ tháng 2/2021 giảm do nghỉ Tết Nguyên Đán).

So với thời điểm trước đại dịch Covid-19 xảy ra, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU tăng mạnh. Cụ thể, quý I/2021 đã tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi quý I/2020 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2019 tăng 11,9%.

Về thị trường, giày dép Việt xuất khẩu sang các thị trường trong khối EU đều tăng, thậm chí một số thị trường tăng ở mức 2 con số, như: Bỉ tăng 37,0%, Hà Lan tăng 23,4%, Italia tăng 14,3%, Tây Ban Nha tăng 39,2%...

Hiệp định EVFTA: Xuất khẩu giày dép sang EU tăng 19,2% - Ảnh 1.

Xuất khẩu giày dép sang EU tăng trưởng mạnh dù dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh: Báo Đầu tư).

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/12/2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU được cấp C/O mẫu EUR.1 là 1,37 tỷ USD.

Theo đó, con số này tăng nhanh trong quý I/2021 với 1,17 tỷ USD, đạt 98,98% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.

Lý giải nguyên nhân tăng trưởng, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, tiêu chí xuất xứ giày dép trong EVFTA dù khá chặt nhưng giống với tiêu chí xuất xứ trong GSP EU dành cho da giày Việt Nam nên doanh nghiệp đã quen và đáp ứng tốt.

Bên cạnh đó, bà Xuân cũng lý giải, lộ trình cắt giảm thuế quan của EU dành cho giày dép Việt Nam khá nhanh và sâu. Theo đó, 100% các dòng hàng giày dép được cắt giảm thuế quan về 0% với lộ trình tối đa 7 năm.

Trong đó, một số mặt hàng cơ bản được cắt giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng khác có lộ trình cắt giảm dài hơn nhưng cũng chỉ từ 3-7 năm. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất giày dép Việt Nam được hưởng thuế 0% (có lợi hơn so với GSP) ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Ngoài ra, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, để tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan trong EVFTA và xuất khẩu bền vững sang khối EU phía doanh nghiệp, cần tập trung phát triển cân bằng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Cùng với đó, doanh nghiệp tham gia các hoạt động tập huấn chuyên sâu để hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ để tự tin áp dụng. Nắm bắt nhu cầu của từng thị trường trong từng tình hình cụ thể để phát triển và sản xuất các mặt hàng phù hợp.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục