Hiệu quả mô hình nuôi tôm- rừng sinh thái đạt chứng nhận quốc tế ở Cà Mau

Nguyễn Nguyễn Thứ tư, ngày 24/05/2023 14:37 PM (GMT+7)
Tỉnh Cà Mau có khoảng 280 nghìn héc ta nuôi tôm, với sản lượng hàng năm trên 200 nghìn tấn. Được sự hỗ trợ của Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL), tỉnh Cà Mau đang triển khai mô hình nuôi tôm- rừng sinh thái.
Bình luận 0

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mô hình tôm - rừng kết hợp là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc và hoá chất, không phát sinh chi phí sản xuất, thu lời cao nhất đến 80 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, mô hình tôm - rừng còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng.

Từ hiệu quả thực tế của Cà Mau

Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, với hơn 80.000ha, trong đó có khoảng 27.577 ha nuôi tôm - rừng. Có khoảng 80 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển, hình thành vùng bãi triều rộng lớn; tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi nước cho các vùng ven biển, nhất là vùng ngập mặn bao phủ xung quanh. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nuôi tôm - rừng.

Hiệu quả mô hình nuôi tôm- rừng sinh thái đạt chứng nhận quốc tế ở Cà Mau - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm- rừng ở Cà Mau.


Theo ngành nông nghiệp, những năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản đã phối hợp với các ban quản lý bảo vệ rừng, các địa phương, đơn vị và người dân triển khai thực hiện các dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…), sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.

Sản phẩm tôm - rừng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua với mức giá cao hơn khoảng 5-10% so với sản phẩm truyền thống khác. Ngoài ra, đối với diện tích tôm - rừng được chứng nhận, các doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 250.000-500.000 ha/năm và hỗ trợ về con giống có chất lượng cao để thả nuôi. Ngoài sản phẩm chính là tôm sú, các hộ nuôi tôm - rừng còn thu nhập thêm từ cua, cá, sò huyết…

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, canh tác xen ghép tôm trong rừng ngập mặn là cơ chế tốt đảm bảo lợi ích hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng, được đánh giá là giải pháp có hiệu quả nhất giúp khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng tại các tỉnh ven biển. Theo tính toán của chuyên gia, với loại hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn lượng phát thải giảm 7,3 triệu tấn CO2-e/ha/năm phù hợp với mục tiêu tăng trưởng các-bon xanh và tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, trong thực hiện mô hình này tiêu hao ít năng lượng do zero đầu vào, chi phí đầu tư rất thấp, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên hạn chế nguồn thải phát sinh, ngăn ngừa sự phóng thích một lượng lớn CO2 vào khí quyển. Đây là hoạt động xanh hoá sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính.

Thực hiện nuôi tôm dưới tán rừng chiếm diện tích 30-40% diện tích mặt nước và phải đảm bảo ít nhất 50-60% tỷ lệ rừng. Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ rừng, phát huy khả năng giữ đất chống sạt lở, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, người nuôi tôm còn được chi trả về dịch vụ rừng và được hưởng lợi từ khai thác rừng; từ đó khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng. Lợi ích của hệ sinh thái rừng ngập mặn chúng ta đều biết đó là làm tăng khả năng hấp thụ các khí nhà kính, bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Như vậy, nuôi tôm kết hợp phát triển rừng vừa mang lợi lợi nhuận về kinh tế, vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững và Tổng cục Thuỷ sản cũng đã đề xuất mở rộng thực hiện hình thức canh tác này góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia", ông Vũ cho biết thêm.

Đáp ứng yêu cầu đặt ra trước biến đổi khí hậu, cũng như tăng nguồn thu, phát triển kinh tế trong dân, Cà Mau lựa chọn những ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, nuôi tôm - rừng hợp là một trong những lựa chọn quan trọng trong thời gian tới.

Theo đó, địa phương sẽ kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thuỷ sản có nhu cầu xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái đầu tư vốn, kỹ thuật vào phát triển sản xuất tôm - rừng theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để được chứng nhận. Đổi mới phương thức thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường phù hợp với chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, theo hướng các hiệp hội và doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp tổ chức thực hiện, Nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ các hoạt động.

Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác quan trắc môi trường, khuyến cáo kịp thời cho người dân chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại trong sản xuất; tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng lịch thời vụ trong sản xuất, tư vấn chọn đối tượng, phương thức nuôi thích nghi tốt với môi trường có độ mặn cao để giảm thiệt hại, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đầu tư hệ thống hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Đối với việc phát triển con tôm nói chung, tôm - rừng kết hợp nói riêng, theo ông Phan Hoàng Vũ, tới đây, địa phương sẽ tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, hiệu quả, thân thiện môi trường như Biofloc, các mô hình nuôi ít thay nước, nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ, tiết kiệm năng lượng… Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các vùng nuôi quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Hạn xảy ra cục bộ ở một số nơi, ưu tiên tích trữ nước tập trung - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Tập trung hỗ trợ cho 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 5/1, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì Hội thảo tham vấn đề xuất “Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL” (MD-ICRSL).

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Bộ NN-PTNT tổ chức một hội thảo dành riêng cho một dự án quốc tế, hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB). Theo tổng hợp đề xuất của Ban quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO Thuỷ lợi)Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL) với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại các địa phương tham gia dự án ở 9 tỉnh vùng ĐBSCL. Bao gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang. Mới đây nhất, tỉnh An Giang cũng có nguyện vọng được tham gia dự án. 

 Cụ thể, dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch. Từ đó tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động. 

 Bước đầu đề xuất, Dự án WB 11 sẽ có 3 hợp phần. Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin. Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng. Và hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu. Diện tích hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ Dự án WB 11 khoảng 960.000 ha, với số hộ dân hưởng lợi là 920.000 hộ. Nguồn kinh phí dự kiến trên 500 triệu USD, một trong những dự án lớn nhất từ trước đến nay. 

 Tại hội thảo, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều đề xuất giúp hoàn thiện dự án. Theo quan điểm ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trong tỉnh. Vì thế, việc tăng cường sinh kế cho người dân trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá: Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định yêu cầu cần có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược và các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ để phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện mới: đến năm 2050, ĐBSCL sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn và là địa điểm thu hút đầu tư quốc tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ NNPTNT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 2/3/2020: đưa ra các định hướng các ngành chiến lược, bao gồm cả ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai, nhằm đảm bảo đủ nguồn nước cấp cho các vùng sản xuất, bao gồm việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi kiểm soát nguồn nước để cấp nước sinh hoạt, chủ động cấp nước ngọt, mặn phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Kế hoạch hành động nhằm thực hiện QĐ 324 nói trên tại QĐ số 2025 ngày 4/6/2020.

 "Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050 (MDIRP) đã được phê duyệt (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022). Đây quy hoạch tích hợp cấp vùng đầu tiên và đưa ra các định hướng quan trọng làm cơ sở cho việc phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, các tỉnh và thành phố ở ĐBSCL cũng đang tích cực triển khai lập quy hoạch tỉnh/thành phố thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, dựa trên khung định hướng và các quan điểm phát triển như được lập ra trong quy hoạch vùng ĐBSCL"- Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhấn mạnh: "Có thể nói, các cấp, các ngành đều tập trung triển khai kế hoạch hành động nhằm triển khai chỉ đạo và ưu tiên của Chính phủ tại khu vực này. Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (WB11) đang được chuẩn bị, được coi là nhiệm vụ của Bộ trong việc tích cực triển khai Nghị quyết 120; quy hoạch về ĐBSCL và kế hoạch hành động 2025 của Bộ. Tôi khẳng định đây là nhiệm vụ ưu tiên của ngành, rất cần huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài".

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG MÔ HÌNH TÔM RỪNG ĐẠT CHỨNG NHẬN QUỐC TẾ

Theo báo cáo tổng kết, đến nay, Tiểu Dự án 8- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm- rừng ven biển tỉnh Cà Mau đã triển khai được trên diện tích 10.638ha với 3.210 hộ tham gia.

Hiệu quả cho thấy, với 10.638ha sản xuất đã tạo ra giá trị khoảng 249 tỷ đồng/vụ. Hiệu quả sử dụng tài nguyên nước: Giảm 120.000 khối/năm/4ha. 10.638 ha, giảm trên 319 triệu khối/năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem