HLV Park Hang-seo và nguồn "tài nguyên" ở ĐT Việt Nam

Thứ hai, ngày 11/10/2021 09:10 AM (GMT+7)
Huấn luyện viên Park Hang-seo đã thừa hưởng "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam trong suốt 4 năm qua để có được thành công.
Bình luận 0

Trong chương trình "VTV Đặc biệt" cuối năm 2020, huấn luyện viên Park Hang-seo từng chia sẻ, quãng thời gian làm trợ lý 2 năm cho ông Guus Hiddink tại ĐT Hàn Quốc đã giúp bản thân tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ông Guus Hiddink cũng là người có ảnh hưởng đến phong cách và triết lý bóng đá của ông Park.

Chiến lược gia người Hàn Quốc chia sẻ rằng, huấn luyện viên Guus Hiddink đã nói rất nhiều điều với mình, trong đó, ông ấn tượng nhất với câu nói: "Khi làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, đừng cố gắng để đào tạo một cầu thủ nào đó thành ngôi sao vì thời gian không bao giờ cho phép. Hãy cố gắng tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đang có".

HLV Park Hang-seo và nguồn "tài nguyên" ở tuyển Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Park đã có 4 năm thành công với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Tùng

Thực tế, trong 4 năm làm việc tại Việt Nam từ cấp độ U23 đến tuyển quốc gia, ông Park đã thừa hưởng được "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam. Đó là lứa cầu thủ từng tham dự vòng chung kết U20 World Cup 2017: Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu (Hà Nội), Hoàng Đức (Viettel) Tiến Linh (Bình Dương), Đức Chinh (Đà Nẵng), Tấn Tài (Bình Định).

Bên cạnh đó, là thế hệ cầu thủ tài năng của Hoàng Anh Gia Lai: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy, Minh Vương. Hay đó là những "lão tướng": Anh Đức, Tấn Trường.

Những người tiền nhiệm của ông Park là huấn luyện viên Miura và Nguyễn Hữu Thắng phần nào cũng để lại cho ông Park những phát hiện mới trong danh sách sơ bộ. Đó là trường hợp Duy Mạnh, Tiến Dũng, Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Văn Lâm...

Và điều quan trọng là yếu tố "thiên thời". Bởi lẽ, đến giai đoạn ông Park nắm quyền thì những tài năng trẻ của lứa cầu thủ dự U20 World Cup mới thực sự đến độ chín. Quang Hải chính là sản phẩm xuất sắc nhất đã gắn với thành công trong suốt hành trình 4 năm của ông Park.

Đó thực sự là nguồn "tài nguyên" chất lượng. Những cầu thủ đặt dấu ấn kể từ U23 châu Á 2018 cho đến vòng loại World Cup 2022. Cho đến hiện tại, ông Park cũng thừa nhận rằng không thể tìm được các nhân tố chất lượng thay thế.

HLV Park Hang-seo và nguồn "tài nguyên" ở tuyển Việt Nam - Ảnh 2.

Huấn luyện viên Park Hang-seo không có nhiều nhân tố kế cận chất lượng cho ĐT Việt Nam. Ảnh: VFF

Trong đợt tập trung cuối năm 2020 của tuyển Việt Nam, ông Park từng chia sẻ về việc các đội tuyển quốc gia đang thiếu tiền đạo. Vấn đề được chỉ ra: "Ở V.League, 70-80% các tiền đạo đều là cầu thủ ngoại. Chúng tôi đã thử nghiệm khá nhiều tiền đạo, nhưng ngoài các cầu thủ như Tiến Linh, Hà Đức Chinh, Công Phượng, chúng tôi chưa thấy ai nổi trội hơn".

Mới đây, trước khi cùng ĐT Việt Nam sang UAE đấu ĐT Trung Quốc, ông Park cũng thừa nhận: "Thời gian qua tôi cũng gọi nhiều cầu thủ mới lên thử nghiệm, kiểm tra khả năng của các cầu thủ. Những cầu thủ nổi bật đều được giữ lại.

Nhưng cũng phải nói rằng chất lượng của nhiều cầu thủ mới không tốt bằng những người cũ và vì thế đội tuyển lúc này vẫn đang sử dụng những cầu thủ tốt nhất với ý đồ chiến thuật của ban huấn luyện".

Rõ ràng, nguồn "tài nguyên" cho ĐT Việt Nam đang cạn kiệt, và ông Park cũng không thể chủ động được vấn đề này.  Những gì ông có thể làm là tận dụng những "tài nguyên" đã có xoay quanh chiến thuật không có nhiều sự thay đổi.

Thế nên, để đánh giá thành tích của ĐT Việt Nam hiện tại, không chỉ dừng lại ở góc độ trách nhiệm cá nhân ông Park. Đó là vấn đề nằm ở sự phát triển đồng bộ của cả nền bóng đá từ khâu đào tạo trẻ và các giải chuyên nghiệp quốc gia.

Phạm Đình (Theo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem