Hồ sơ "khủng" ACEN - công ty chi 165 triệu USD sở hữu 9 nhà máy điện mặt trời Việt Nam

13/02/2022 10:42 GMT+7
Thông qua công ty con, ACEN (Philippines) đã đầu tư khá mạnh vào ngành năng lượng tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy, 9 tháng đầu 2021, thu nhập ròng hợp nhất của ACEN đạt 4,3 tỷ PHP (tương đương 83 triệu USD), tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, Công ty Cổ phần Năng lượng AC - AC Energy Corporation (ACEN), một công ty con thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) thông qua AC Energy Vietnam Investments Pte. Ltd. (ACEV, ACEN sở hữu 100%) đã mua 49% cổ phần của Solar NT (Việt Nam). Solar NT là thành viên của SUPER - nhà đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu của Thái Lan. Giá trị của thương vụ là 165 triệu USD.

Solar NT đang sở hữu 9 nhà máy nhiệt điện (đã vận hành thương mại) và 4 dự án điện gió đang thi công tại Việt Nam.

Đồng thời, ACEN và Super Energy Corporation Public Company Limited (SUPER), thông qua công ty con là Super Energy Group (Hong Kong) Co., Limited (Super HK), đã ký một thỏa thuận để hình thành chiến lược hợp tác phát triển, sở hữu và vận hành các dự án năng lượng tái tạo trên toàn ASEAN. 

Hé lộ profile "khủng" của công ty vừa chi 165 triệu đô la để sở hữu 9 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam - Ảnh 1.

Buổi họp giữa ACEN và SUPER. Ảnh: Pv Magazine

Hồ sơ "khủng" ACEN

trước đây là AC Energy Philippines, được thành lập vào ngày 8 tháng 9 năm 1969 và đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Philippines tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện và kinh doanh, khai thác, sản xuất dầu - khoáng sản. ACEN được quản lý bởi Tổng công ty Năng lượng và Hạ tầng AC - AC Energy and Infrastructure Corporation (ACEIC, trước đây là AC Energy, Inc.) -  trực tiếp sở hữu 71,84% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của ACEN. ACEIC - Công ty mẹ của ACEN  là một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Ayala - Ayala Corporation.

Tính đến cuối 2021, tổng vốn điều lệ của ACEN là 338 tỷ PHP (tương đương 6,6 tỷ USD) với các hoạt động kinh doanh gồm năng lượng tái tạo, nhiệt điện và thăm dò khai thác. ACEN được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ chấp thuận giao dịch vào ngày 5 tháng 1 năm 2021.

Hé lộ profile "khủng" của công ty vừa chi 165 triệu đô la để sở hữu 9 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam - Ảnh 2.

Sơ đồ hệ thống ACEN

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập ròng hợp nhất của ACEN đạt 4,3 tỷ PHP (tương đương 83 triệu USD), tăng 22% từ 3,5 tỷ PHP cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của công ty cũng tăng hơn 24%, đạt 18,9 tỷ PHP trong kỳ, từ 15,3 tỷ PHP vào năm 2020. Nhu cầu điện tiếp tục phục hồi cũng như tăng trưởng công suất vận hành mới từ các thương vụ mua lại trong năm cùng các dự xanh đã góp phần tạo nên kết quả đáng chú ý của ACEN. 

Ngoài kinh doanh điện năng lượng tái tạo, ACEN còn phát trển kinh doanh trong các lĩnh vực bên cạnh như: bất động sản, ngân hàng, viễn thông, cấp thoát nước, điện, cơ sở hạ tầng, công nghệ công nghiệp, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, đóng góp khoảng 2% vào tổng doanh thu công ty. 

Tổng sản lượng điện hàng năm của ACEN là khoảng 3.000 MW – đang được dự đoán tăng trưởng hàng năm ở mức 10%. Theo báo cáo của ACEN, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng tăng của công ty tăng 17% đạt 3.300 MW công suất, phân bổ tại 5 nước: Philippines, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Úc. Tỷ lệ công suất hiệu dụng trong ngành năng lượng tái tạo của công ty đạt khoảng 80%, thuộc hàng cao nhất trong khu vực.

Theo tuyên bố của ACEN vào tháng 10 năm 2021, ACEN cam kết đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài hoạt động kinh doanh, đầu tư tại nước sở tại Philippines và thị trường nước ngoài ưu tiên là Việt Nam, ACEN còn đang sở hữu các dự án tại Indonesia, Ấn Độ và Úc. Khát vọng lớn nhất của công ty là trở thành nền tảng năng lượng tái tạo được niêm yết lớn nhất ở Đông Nam Á, với mục tiêu đạt công suất 5.000 MW năng lượng tái tạo vào năm 2025.

ACEN tại Việt Nam

Mục tiêu phát triển của ACEN mở rộng việc khai thác, hiện diện ở các thị trường khu vực Đông Nam Á với thị trường Việt Nam sẽ là "ưu tiên".

Eric Francia, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AC Energy cho biết: "Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho các khoản đầu tư bền vững vì Việt Nam dẫn đầu cuộc đua chuyển đổi năng lượng sạch trong thế giới hậu COVID. ACEN đặt mục tiêu đóng góp vào quá trình phục hồi nhờ kiến thiết môi trường xanh tại Việt Nam. Bước đầu sẽ là xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu và tạo việc làm ở Việt Nam."

Năm 2017, ACEN thành lập công ty con AC Energy Vietnam Investments Pte Ltd. (ACEV) với 100% vốn của mình. Từ đó đến nay, ACEV đã liên doanh với Tập đoàn BIM của Việt Nam và công ty AMI Renewables cũng như tự dùng vốn để mở thêm 5 công ty con. Các công ty con của ACEV lần lượt là: BIM Wind Power Joint Stock Company (sở hữu 30% vốn), AC Energy Vietnam Investments 2 Pte Ltd. (sở hữu 100% vốn), BIM Energy Joint Stock Company (sở hữu 30% vốn), BIM Renewable Energy Joint Stock Company (sở hữu 30% vốn), AMI AC Renewables Corp (sở hữu 50% vốn). 

Hé lộ profile "khủng" của công ty vừa chi 165 triệu đô la để sở hữu 9 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam - Ảnh 3.

AMI AC Renewables khánh thành cụm trang trại điện gió B&T tại Quảng Bình. Ảnh: Vietnam Finance

Thông qua các công ty con, trước thương vụ với Solar NT, ACEN đã đang sở hữu nhiều nhà máy điện gió nằm ở nhiều địa điểm như: Ninh Thuận, Khánh Hoà, Bình Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Quảng Bình. Tổng công suất các nhà máy điện gió tại Việt Nam của ACEN lên đến 1.000 MW – chiếm gần 30% tổng công suất điện gió cả nước.

Sau giao dịch mới đây với Solar NT, ACEN sẽ tiếp tục có thêm 9 nhà máy điện năng lượng mặt trời thuộc khối năng lượng tái tạo tại Việt Nam bao gồm: nhà máy Bình An (50MW); nhà máy Phan Lâm (36,72 MW); nhà máy Sinenergy Ninh Thuận 1 (50MW); nhà máy Thịnh Long AAA Phú Yên (50MW); nhà máy Văn Giáo 1 (50MW); nhà máy Văn Giáo 2 (50MW); nhà máy Lộc Ninh 1 (200MW); nhà máy Lộc Ninh 2 (200MW) và nhà máy Lộc Ninh 3 (150MW). Như vậy, tổng công suất của 9 nhà máy nhiệt điện này vào khoảng 800 MW.

Như vậy, tính tổng công suất điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo mà ACEN sở hữu tại Việt Nam đang là 1.800 MW – tương đương khoảng 9% công suất điện năng lượng tái tạo của Việt Nam (số liệu 2021). Dự kiến trong tương lai, tổng công suất điện năng lượng tái tạo của ACEN còn tiếp tục tăng với 4 dự án nhà máy điện gió của Solar NT đang được triển khai với tổng công suất khoảng 400 MW.

Lan Hương
Cùng chuyên mục