Hoãn phiên tòa xử “Tiến sỹ Học làm giàu” Phạm Thanh Hải IDT

Vinh Hải Thứ tư, ngày 27/03/2019 11:25 AM (GMT+7)
Sáng nay (27.3), Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Thanh Hải – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty IDT bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận 0

Từ khi phiên tòa chưa diễn ra, hàng trăm nhà đầu tư đã tập trung trước cổng TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị được vào dự phiên tòa xét xử công khai.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng để đảm bảo an ninh và điều kiện cơ sở vật chất của tòa án nên chỉ những người được tòa triệu tập mới được vào dự phiên tòa.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thanh Hải đã đề nghị HĐXX phúc thẩm triệu tập thêm một số người liên quan đến vụ án, ví dụ như bà Lê Thị Hằng – người đã nộp đơn tố cáo đối với Phạm Thanh Hải.


img

Bị cáo Phạm Thanh Hải - nguyên Giám đốc Công ty IDT (áo đen) được dẫn giải ra xe rời tòa.

HĐXX sau đó đã tiến hành hội ý vì phiên tòa vắng mặt một số người có giấy triệu tập trước đó. Sau đó, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đã đề nghị hoãn phiên tòa.

Thẩm phán Thái Duy Nhiệm – Chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố hoãn phiên tòa. Tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ thông báo cho những người được triệu tập khi phiên tòa được mở lại vào thời gian thích hợp.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, ngày 27.10.2015, Cơ quan CSĐT – Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thanh Hải về tội Kinh doanh trái phép.

Cùng ngày, cơ quan này có đơn đề nghị VKSND TP Hà Nội phê chuẩn quyết định khởi tố bị can thay đổi biện pháp ngăn chặn.

img

Nhiều nhà đầu tư không có giấy triệu tập của tòa đã tập trung trước cổng Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội

Ngay sau đó, VKSND TP Hà Nội đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ để thay đổi bằng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Thanh Hải.

Một ngày sau, ngày 28.10.2015 Cơ quan CSĐT – Công an TP.Hà Nội nhận được đơn tố cáo của bà Lê Thị Hằng đối với Phạm Thanh Hải. Bà Lê Thị Hằng lúc này đang là bị can trong một vụ án khác. Sau đó, Cơ quan CSĐT xác định vụ án Phạm Thanh Hải có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 29.10.2015, Cơ quan CSĐT, Công an TP.Hà Nội đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với Phạm Thanh Hải. Ngay sau đó, bị can Phạm Thanh Hải bị bắt tạm giam.

Ngày 16 – 21.5.2018, TAND TP.Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Thanh Hải.

img

Sau khi tòa tuyên hoãn phiên xét xử, nhiều "bị hại" đã vẫy tay chào "bị cáo" Phạm Thanh Hải.

Sau khi bị cáo Phạm Thanh Hải bị tuyên án Chung thân, nhiều nhà đầu tư được cho là bị hại trong vụ án đã liên tục đi kêu oan cho ông Hải. Họ cho rằng trong vụ án này còn nhiều uẩn khúc cần phải làm rõ.

Nhiều bị hại của vụ án cho rằng quan hệ vay tiền giữa họ và Phạm Thanh Hải - Giám đốc Công ty IDT là quan hệ dân sự, đến trước khi bị bắt, ông Hải chưa chậm trả tiền cho bất kỳ nhà đầu tư nào.

“Tôi được biết, trước ngày ông Phạm Thanh Hải bị bắt, chưa có ai thắc mắc hay khiếu kiện vì các hợp đồng vẫn chưa đến hạn thanh toán. Cơ quan điều tra cũng từng nhận xét trong công văn ký ngày 28.10.2015 là “đến nay Hải vẫn trả đầy đủ tiền cho khách theo hợp đồng, chưa có khách hàng nào thắc mắc hay khiếu kiện. Vậy sao lại gọi là chiếm đoạt tài sản? ”, bà Trần Thị Thanh Tâm , một trong những nhà đầu tư cho biết.

Cơ quan điều tra đã làm việc với toàn bộ 2574 người cho Phạm Thanh Hải vay vốn, nhưng chỉ có 508 người hợp tác. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm có 8 người có đơn đề nghị Tòa buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đang chiếm giữ của họ. Nhiều người không hợp tác hoặc không cho mình là người bị hại, không bị Phạm Thanh Hải lừa đảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem