Học phí tăng khiến thí sinh thay đổi xu hướng chọn ngành vào trường đại học

Tào Nga Thứ năm, ngày 04/08/2022 18:30 PM (GMT+7)
TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Ban Kế hoạch Tài chính, Đại học Quốc gia TP.HCM đã chia sẻ những mặt trái của việc tăng học phí ở các trường đại học tự chủ.
Bình luận 0

Tăng học phí ở các trường đại học tự chủ

Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí trong những năm tới. Đây đang là vấn đề "nóng" bởi bên cạnh việc lựa chọn ngành nghề thì học phí đóng bao nhiêu cũng được phụ huynh, sinh viên quan tâm. Việc tăng học phí sẽ giúp các trường có kinh phí đầu tư chất lượng giáo dục, tạo nguồn học bổng cho sinh viên khó khăn... tuy nhiên, hệ lụy của việc này cũng cần đưa ra xem xét. 

Tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 diễn ra ngày 4/8, TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Ban Kế hoạch Tài chính, Đại học Quốc gia TP.HCM phân tích: "Các trường đại học tự chủ được phép thu mức học phí cao có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học.

Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản, có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước, cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng học phí. Hiện nay, với cùng một mức chi trả học phí, người học bắt đầu giảm lựa chọn học các ngành khoa học cơ bản để theo học các ngành mang tính "hot" bởi vì cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn. Ngay cả trong nhóm ngành khoa học cơ bản lĩnh vực tự nhiên và xã hội cũng có sự biến chuyển đáng chú ý". 

Học phí tăng khiến thí sinh thay đổi xu hướng chọn ngành vào các trường đại học - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2022. Ảnh: Gia Khiêm.

Theo TS Thụy, thống kê về tỷ lệ học sinh lựa chọn các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 số lượng học sinh lựa chọn các môn học khoa học xã hội (Lịch sử và Địa lý) gấp đôi số lượng học sinh lựa chọn các môn học khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). 

Báo cáo thực hiện tuyển sinh năm 2020, năm 2021 và dự kiến năm 2022 tại ĐH quốc gia TP.HCM cho thấy, sinh viên đăng ký và trúng tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn (ví dụ: các ngành văn học, lịch sử, địa lý…) nhiều hơn hai lần so với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (ví dụ các ngành Vật lý, Hóa học, Sinh học…). Xu hướng này có thể là do sự quan tâm của xã hội, gia đình và bản thân người học đang thay đổi nhưng cũng có thể do mức học phí. Các xu hướng mới này có thể gián tiếp tạo ra "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu" về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần.

Chính sách tín dụng cho sinh viên chưa hợp lý

TS Thụy cho biết, mặc dù có chính sách tín dụng cho sinh viên vay trong tình hình chung các trường tăng học phí. Tuy nhiên, chính sách tín dụng cho sinh viên hiện nay chưa hợp lý.

"Cuối năm 2021, khảo sát về tác động của Covid-19 đối với 39.000 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy chính sách hỗ trợ tài chính rất cần được điều chỉnh. Có đến 45,7% gia đình sinh viên bị mất ít nhất một nguồn thu nhập, trên 52% sinh viên mong được có chính sách hỗ trợ tài chính. Có đến 71,7% sinh viên của Trường ĐH Quốc tế lo lắng về khả năng đóng học phí trong khi con số tương tự ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là 57,6%. Mặc dù các quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi, nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là chính sách tài chính cho Giáo dục Đại học, với nhiều điểm chưa hợp lý: 

Thứ nhất, đối tượng được vay khá hạn chế. Theo quy định hiện hành, chỉ có sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi hoặc thành viên của hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập thấp hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh mới được vay. Nghị định 07/2021/NĐ-CP đã quy định lại tiêu chí xác định chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, có mức sống trung bình song quy định về tiêu chuẩn vay vốn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg chưa được rà soát lại.

Thứ hai, mức cho vay khá thấp. Theo Quyết định 1656/QĐ-TTg, mức cho vay là 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ so với mức học phí thì khoản vay 2,5 triệu đồng/tháng bằng 1,74-2,55 lần học phí của trường đại học công lập chưa tự chủ, khoảng 0,5-1,21 lần học phí tối đa của trường đại học công lập tự chủ chi thường xuyên, tùy theo ngành học và danh tiếng của trường đại học. Tuy nhiên, nếu so sánh mức sống thì số tiền vay 2,5 triệu đồng/tháng chỉ bằng và chiếm khoảng 35%-40% tổng chi phí học tập của sinh viên. 

Thứ ba, thời hạn cho vay ngắn. Sinh viên phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học. Thời hạn vay tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Như vậy, nếu sinh viên được vay lần đầu tiên ngay khi trúng tuyển đại học và thời gian học 5 năm thì thời hạn vay tối đa chỉ 10 năm tức sinh viên phải trả nợ tối đa 5 năm sau khi ra trường. Thời hạn vay của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước, ví dụ Brazil (12 năm), Nhật Bản (18 năm), Malaysia, Hàn Quốc (20 năm), Trung Quốc (23 năm).

Thứ tư, thủ tục và phương thức vay phức tạp. Sinh viên không được trực tiếp vay tiền mà hộ gia đình với người đứng tên vay phải là bố mẹ hoặc người giám hộ. Việc giải ngân cũng thông qua hộ gia đình; bố mẹ chính là người chịu trách nhiệm trả nợ vay.

Thứ năm, lãi suất cho vay cao. Lãi suất cho vay năm 2021 là 6,6% năm, khá cao cho đối tượng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội", TS Thụy cho biết.

Ngày 4/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng đại học/Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc/Hiệu trưởng, lãnh đạo bộ phận tổ chức nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem