Học sinh học online không được đến trường: Hậu quả nặng nề của "tuổi thơ số"

Tào Nga Thứ ba, ngày 07/12/2021 06:23 AM (GMT+7)
Sau thời gian dài học online đã xuất hiện nhóm học sinh có xu hướng thu mình trong phòng, cắm tai nghe, ngồi trước màn hình máy tính và điện thoại cả ngày lẫn đêm, ít tương tác không chỉ với thầy cô, bạn bè mà cả gia đình.
Bình luận 0

Trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục Đỗ Thái Đăng, giám đốc Công ty Giáo dục nhân tài Đất Việt cho biết: "Chúng ta đang phải chứng kiến 2 năm qua, một thế hệ học sinh không có buổi khai giảng dưới sân trường, không có những phút vui đùa với bạn bè, không được ngồi trên ghế của lớp học, không có những hoạt động tương tác... Tất cả đang thu bé lại qua màn hình của điện thoại và máy tính. Một thế hệ học sinh với một "tuổi thơ số" và người bạn thân nhất chính là thiết bị điện tử".

Trong khi một số học sinh THPT, THCS đang rậm rịch được đến trường thì học sinh ở cấp Mầm non, Tiểu học vẫn chưa biết ngày nào được đi học. Nói về hậu quả của việc ở nhà lâu, học online kéo dài, ông Đăng cho hay: "Tôi đã tiến hành khảo sát 1 số trường tại Hà Nội trong giai đoạn học online 2021 thì có 38% các em gặp thách thức ở động lực học tập (không có động lực, không biết học để làm gì một cách rõ ràng), 37% các em gặp thách thức ở việc tự kỷ luật bản thân trong quá trình học tại nhà (không tự kỷ luật giờ giấc, làm bài, sinh hoạt..). Trong quá trình học online tại nhà xảy ra va chạm nhiều hơn, căng thẳng hơn với phụ huynh.

Học sinh học online không được đến trường: Hậu quả nặng nề của một "tuổi thơ số"  - Ảnh 1.

Chuyên gia giáo dục Đỗ Thái Đăng trong một buổi tư vấn học sinh. Ảnh: NVCC

Thực tế cho thấy, một bộ phận lớn các em hiện nay thiếu sự quan tâm do bố mẹ vẫn phải đi làm và phải đối mặt với cám dỗ của việc ăn, ngủ, chơi... dễ chán nản khi gặp thách thức trong học tập nhưng ngại hỏi và dần dần giảm động lực học tập.

Sau thời gian dài học online đã xuất hiện nhóm học sinh có xu hướng thu mình trong phòng, cắm tai nghe, ngồi trước màn hình máy tính và điện thoại cả ngày lẫn đêm, ít tương tác không chỉ với thầy cô, bạn bè mà cả gia đình. Các em không có môi trường để vui chơi, giao tiếp và có xu hướng trầm cảm, tự kỷ hoặc có những suy nghĩ tiêu cực nhưng không biết chia sẻ cùng ai.

Ngoài ra, việc thiếu kỹ năng sống khiến các em không biết bảo vệ bản thân trước nội dung không lành mạnh. Học sinh mắc chứng nghiện xem phim người lớn, bất ổn về tinh thần khiến không tập trung vào việc học".

Theo ông Đăng, để tránh hậu quả đáng tiếc, cha mẹ cần giúp con xây dựng tinh thần tự học, giúp các em hiểu rõ mục đích của việc việc, giá trị bản thân, khơi gợi tư duy chủ động. Cha mẹ tạo sân chơi kết nối tích cực, lập ra các nhóm bạn vui chơi và rèn luyện các thói quen tích cực như cùng nhau đọc sách, thuyết trình sách, học tiếng Anh, tập thể dục, nghiên cứu các chủ đề khoa học, hay các hoạt động năng khiếu ca hát, vẽ... khiến cho các con bù lấp được khoảng trống thiếu hụt các hoạt động ngoại khóa khi ở nhà.

Ngoài ra, cha mẹ cần làm bạn cùng con, hãy dành 1 khoảng thời gian hàng ngày lắng nghe tâm tư của con để kịp thời giúp đỡ. Cha mẹ tôn trọng hành trình của con cho dù là những điều tưởng như ngây ngô, dại dột và đồng hành cùng các hoạt động của con như làm việc nhà, đọc sách. Lúc này, gia đình là ngôi trường lớn nhất và cha mẹ là thầy cô thân thiết nhất. Vì vậy, sự quan tâm đúng và đủ của phụ huynh là điều quan trọng nhất với các con ngay lúc này.

Thầy cô hãy là những sứ giả truyền cảm hứng

Chuyên gia giáo dục Đỗ Thái Đăng cho rằng: "Trong thời gian này, thầy cô chủ động tạo lớp học vui vẻ với những câu chuyện hài hước, những câu chuyện ý nghĩa, những trò chơi giải trí giúp các em cân bằng, tích cực để tham gia học tập.

Học sinh học online không được đến trường: Hậu quả nặng nề của một "tuổi thơ số"  - Ảnh 2.

Một học sinh lớp 1 ở Hà Nội học online. Ảnh: Tào Nga

Tạo điều kiện cho các học trò được thử thách bản thân bằng cách tạo "đất diễn" cho các bạn làm lớp trưởng, lớp phó, bí thư, tổ trưởng, nhóm trưởng... đảm bảo các con có điều kiện được thử sức, chứng tỏ và học hỏi. Từ đó các con có cơ hội được trải nghiệm gia tăng khả năng chịu trách nhiệm, thấy được ý nghĩa của mình trong lớp học, tự tin hơn, trưởng thành hơn và cảm thấy cuộc sống có giá trị hơn.

Thiết kế bài giảng sinh động, có minh họa hoặc trải nghiệm trực quan, tương tác tạo khiến cho học sinh hào hứng tham gia từ đó tạo ra hiệu quả học tập cao, đây chính là cách để cả thầy và trò thấy được giá trị của học tập để hình thành sự tự tin, niềm đam mê học tập.

Thầy cô xây dựng lớp học không chỉ là môi trường học tập kiến thức mà con là "miền yêu thương" nơi có sự tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ, bao dung và giúp đỡ. Nơi mỗi con người được tôn trọng phong cách riêng của họ, nơi tập trung vào bài học và sự tiến bộ chứ không phải là sự trừng phạt, than thở và sự lạc lõng.

Môi trường học tập luôn được thầy cô chú trọng ghi nhận nỗ lực của từng em học sinh hơn là kết quả... sự ghi nhận những hành vi cụ thể, những cố gắng dù là nhỏ hay lớn cũng sẽ góp phần làm cho lớp học trở thành môi trường ý nghĩa và phát triển bản thân".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem