Hội NDVN- Bộ Công an: Phòng chống tội phạm hiệu quả, xóm làng bình yên

Thu Hà Thứ bảy, ngày 22/07/2017 17:25 PM (GMT+7)
Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và Bộ Công an vừa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm (2012-2016) Chương trình phối hợp giữa Hội NDVN và Bộ Công an về phòng, chống tội phạm. Cũng tại hội nghị, lãnh đạo 2 ngành sẽ ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2021.
Bình luận 0

Công tác chỉ đạo, lãnh đạo sát thực tế

Theo ông Vũ Quốc Huy-Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo, Quốc phòng và An ninh (T.Ư Hội NDVN), trong 5 năm (2012 – 2016), Hội NDVN,  Ban Chỉ đạo 138 (Bộ Công an) đã tổ chức triển khai thực hiện chương trình phối hợp hành động bằng nhiều nội dung, hình thức hoạt động sáng tạo và thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, với đối tượng là hội viên, nông dân và đã đạt được những kết quả quan trọng.

img

 Hội Nông dân tỉnh Hải Dương và Công an tỉnh phối hợp tổ chức buổi giao lưu giữa các câu lạc bộ nông dân phòng, chống tội phạm huyện Thanh Hà.   ảnh: Phương Đông  

Theo đó, trên cơ sở chương trình phối hợp được ký giữa T.Ư Hội NDVN và Bộ Công an, Hội ND và công an 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị triển khai phổ biến, quán triệt nội dung chương trình phối hợp và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở. Việc này đã tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc thực hiện Nghị quyết số 09/CP và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Hàng năm, hai bên phối hợp xây dựng kế hoạch hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Định kỳ 2 năm, 2 ngành tổ chức sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới.

Cụ thể, thông qua Chương trình phối hợp giữa Hội NDVN và Bộ Công an, trong 5 năm qua, hội viên, ND cả nước đã phát hiện, tố giác 27.780 vụ vi phạm pháp luật, cung cấp cho cơ quan công an, chính quyền địa phương 132.400 nguồn tin có giá trị, phát hiện 850 đối tượng có lệnh truy nã, vận động được 4.650 đối tượng phạm tội ra tự thú… Các cấp Hội ND đã tiến hành hòa giải 60.000 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ ND, tham gia giải quyết 13.130 vụ khiếu nại tố cáo.

Không chỉ cảm hóa, giáo dục cho hơn 60.000 người lầm lỗi, các cấp Hội ND còn tạo điều kiện hỗ trợ các đối tượng này vay hơn 98 tỷ đồng các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Điểm đáng chú ý trong công tác tuyên truyền thuộc chương trình phối hợp là 2 ngành đã tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm cho hàng trăm ngàn lượt hội viên, ND. Một trong những hình thức tuyên truyền nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân mà 2 ngành đã phối hợp là tổ chức hội thi, giao lưu về kiến thức phòng, chống tội phạm thông qua hình thức sân khấu hóa…

“Ba an toàn” ở  xứ đạo

Trong 5 năm (2012 – 2016) thực hiện chương trình phối hợp, các cấp Hội ND xây dựng được trên 500 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; 2.000 tổ liên gia tự quản; hòa giải 60.000 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân; tham gia giải quyết 13.130 vụ khiếu nại tố cáo. Hội viên, ND phát hiện, tố giác được 27.780 vụ vi phạm pháp luật…

Năm 2013, thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội ND và Công an tỉnh Nam Định, Hội ND xã Trực Hùng (huyện Trực Ninh) đã phối hợp Ban Công an xã ký kết thực hiện mô hình “Ba an toàn” về an ninh trật tự. Theo đó, Hội ND xã tổ chức ký giao ước thi đua giữa các chi hội, phổ biến nội dung mô hình cho cán bộ, hội viên, ND và các tầng lớp nhân dân, đồng thời tổ chức cho 100% gia đình hội viên ND ký cam kết thực hiện phong trào phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.

Trao đổi về tình hình địa phương, ông Ngô Quý Thuận- Chủ tịch Hội ND xã Trực Hùng cho biết, địa phương có tới hơn 90% đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo ở 25 xóm, lực lượng lao động trong xã đi làm ăn xa đông. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã hiện có cụm công nghiệp tập trung 4 cơ sở đóng tàu, hàng chục cơ sở sản xuất vừa và nhỏ thu hút trên 300 lao động ở địa phương. “Xác định đây là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, Hội đã phối hợp Công an xã tổ chức cho các chủ cơ sở, doanh nghiệp ký cam kết về an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng gây mất đoàn kết trong công nhân, người lao động, đảm bảo an toàn về tài sản. Tất cả 25 xóm đều xây dựng được cụm dân cư tự quản, thành lập tổ tuần tra canh gác bảo vệ an ninh trật tự, tổ hoà giải” - ông Thuận cho hay.

Theo ông Thuận, để phong trào thực hiện hiệu quả, Hội phối hợp công an thường xuyên đưa tin tình hình địa phương trên đài phát thanh xã; tuyên truyền các luật liên quan trực tiếp tới nông nghiệp, ND, nông thôn; nâng cao cảnh giác cho người dân phòng ngừa những âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đặc biệt là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo. Hội còn tổ chức tuyên truyền về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội và Luật Đất đai cho hội viên, ND.

“Nhờ phối hợp nhịp nhàng và bài bản, đến nay phong trào “An toàn về người, an toàn về tài sản, an toàn về địa bàn” và phong trào “Thôn xóm bình yên, không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội” của Hội ND đã đem lại sự bình yên cho xã” - ông Thuận khẳng định.

Không chỉ ở Nam Định, Hội ND các tỉnh, thành khác cũng xây đựng được nhiều mô hình ND tham gia chống tội phạm hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho ND sinh hoạt, trao đổi thông tin. Cụ thể, Hội ND Đà Nẵng có mô hình “Ánh sáng ngoài ngõ, tiếng mõ trong nhà”; mô hình “Tự quản về an ninh trật tự” ở Phú Thọ hay như mô hình “1 không 3 giảm” ở Yên Bái… /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem