Hội Nông dân Bắc Ninh hướng về cơ sở, 83.155 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi

Khương Lực Thứ tư, ngày 13/07/2022 20:07 PM (GMT+7)
Nhiều hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tập trung về cơ sở, chăm lo trực tiếp đến hội viên nông dân, hỗ trợ hội viên nông dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Đặc biệt, đã có 83.155 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Bình luận 0

Chiều 13/7, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 10 (khóa IX) với hai nội dung: Bầu bổ sung Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh và sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Tại hội nghị, với tỷ lệ 100% số phiếu đồng ý, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Bắc Ninh đã trúng cử vào  Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh khóa IX, nhiệm kỳ 2018-2023.

Hội Nông dân Bắc Ninh hướng về cơ sở, 83.155 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 1.

Ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Bắc Ninh đã trúng cử vào Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh khóa IX, nhiệm kỳ 2018-2023.

Ảnh: Khương Lực.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đánh giá, 6 tháng đầu năm 2022 tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, xung đột Nga - Ucraina cùng với những hậu quả sâu rộng của đại dịch Covid-19 và những khó khăn mới phát sinh như tình hình tài chính, lạm phát, giá cả xăng dầu và vật tư biến động mạnh làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của bà con nông dân.

Trong bối cảnh đó, các cấp hội và cán bộ hội viên nông dân trong tỉnh Bắc Ninh đã đoàn kết, thống nhất, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và Hội cấp trên, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị với sự quyết tâm, nỗ lực và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trên các lĩnh vực.

Cụ thể, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nông dân tham gia tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và xây dựng nông thôn mới nâng cao; tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống các tệ nạn xã hội, tổ chức hòa giải những mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ nông dân, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Hội Nông dân Bắc Ninh hướng về cơ sở, 83.155 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 2.

Ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đánh giá, các hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tập trung hướng về cơ sở, quan tâm, chăm lo trực tiếp đến hội viên nông dân, hỗ trợ hội viên nông dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Ảnh: Khương Lực.

Theo ông Sâm, các hoạt động của Hội đã tập trung hướng về cơ sở, quan tâm, chăm lo trực tiếp đến hội viên nông dân, hỗ trợ hội viên nông dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Vai trò tham gia của Hội đối với nhiệm vụ chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được nâng cao.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã kết nạp được 950 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh là 173.660 hội viên. Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã đề cử 3 nông dân tham gia bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022". Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh về thành lập Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập mới 3 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 118 hội viên và 30 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 233 hội viên.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi do Hội Nông dân phát động đã thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả, đã có 83.155 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đồng thời tổ chức 100% chi Hội, cơ sở Hội và 131.015 hộ hội viên, nông dân tham gia ký cam kết "Nói không với thực phẩm bẩn". Thông qua phong trào đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế điển hình và tiêu biểu để nhân rộng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tình.

"Đặc biệt, thực hiện Quyết định 335 ngày 27/9/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã chủ động và tích cực tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất với UBND cùng cấp trích ngân sách bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cùng cấp. Đến nay, cơ bản các huyện, thành phố đã cấp đủ số tiền đạt từ 300 triệu đồng trở lên/năm theo mục tiêu của Đề án đề ra" - ông Sâm nhấn mạnh.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã trực tiếp tổ chức đi thăm và tặng 1.296 suất quà trị giá 583,7 triệu đồng; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tặng 2.040 suất quà trị giá 445 triệu đồng cho hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, các cháu học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn, người già, công nhân trọ thuộc diện F0, F1 không về quê ăn Tết nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Giá cả vật tư đầu vào leo thang, lợi nhuận của nông dân bị "bào mòn"

Trình bày báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, nông dân yên tâm khi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của Nhân dân được quay trở lại, đồng thời bày tỏ sự phấn khởi, đồng tình với chủ trương mở cửa du lịch, các hoạt động dịch vụ trên địa bàn tỉnh. 

Hội Nông dân Bắc Ninh hướng về cơ sở, 83.155 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 4.

Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 10 (khóa IX) với hai nội dung: Bầu bổ sung Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh và sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: Khương Lực.

Tuy nhiên, hội viên, nông dân bày tỏ sự lo lắng trước diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan của dịch bệnh Covid-19 (với sự xuất hiện của biến thể mới và sự gia tăng nhanh số lượng ca bệnh trong cộng đồng trong 3 tháng đầu năm); sự xuất hiện của bệnh viêm gan bí ẩn (viêm gan lạ), bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tiềm ẩn nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam.

Cùng với đó, tình trạng khan hiếm và tăng giá của các loại vật tư y tế, giá xăng dầu có nhiều biến động và ở mức cao kéo theo một số dịch vụ, mặt hàng tăng giá; tình trạng ô nhiễm môi trường, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

"Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, đặc biệt là việc nhiều vụ án ma túy lớn trên địa bàn được triệt phá... Hội viên, nông dân cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại trước việc Thanh tra Bộ Xây dựng công bố những sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh" - ông Khang nói.Tại hội nghị, các ý kiến đại biểu phát biểu bày tỏ thống nhất cao với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022, đồng thời thảo luận, đề xuất các giải pháp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.

Ông Hoàng Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình cho biết, nông dân trong tỉnh tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là việc khống chế dịch Covid-19, trở lại cuộc sống bình thường, du lịch tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ. Cùng với đó, năng suất lúa cao, trên địa bàn huyện Gia Bình đạt 68,8 tạ/ha và lúa ít sâu bệnh hơn.

Tuy nhiên, nông dân cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống... tăng cao trong khi đầu ra chủ yếu bán cho thương lái nên vẫn bị ép giá, khiến lợi nhuận bị "bào mòn".

"Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội viên Hội Nông dân rất băn khoăn giá xăng dầu và các vật tư nông nghiệp tăng liên tục và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp bấp bênh. Một số sản phẩm nông dân làm ra giá trị rất thấp như năm nay năng suất lúa cao, nhưng thóc bán đại trà của vụ Xuân cực kỳ rẻ"- bà Trần Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Võ thông tin.

Theo bà Hường, do giá xăng dầu tăng nên giá máy cày, máy cấy... vào đồng ruộng đều tăng mấy chục nghìn đồng/sào. Do đó sản xuất lúa may ra thì hòa, không sẽ bị lỗ. Để gỡ khó cho nông dân, bà Hường kiến nghị cần quan tâm hỗ trợ nông dân về giống, vốn, vật tư đầu vào để người dân mạnh dạn chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi có giá trị cao hơn.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Sơn kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, lực lượng quản lý thị trường, đoàn liên ngành xuống cơ sở, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán vật tư giả, kém chất lượng.

Các đại biểu cũng thảo luận, nêu ý kiến về những khó khăn thực tế trong việc thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh với Bảo hiểm PVI Kinh Bắc nhằm vận động hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đồng thời, một số ý kiến mong muốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sớm ban hành kế hoạch hướng dẫn tổ chức Đại hội Hội Nông dân để có hướng triển khai, thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem