Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình làm "cầu nối” giúp nông dân vay vốn Ngân hàng CSXH phát triển kinh tế

Thu Hằng Thứ hai, ngày 22/04/2024 07:23 AM (GMT+7)
Với vai trò là "cầu nối" nhận ủy thác của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, Hội ND tỉnh Hòa Bình đã triển khai kịp thời các chương trình cho vay tín dụng chính sách, đồng thời quản lý hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.
Bình luận 0

Từ hoạt động này đã góp phần quan trọng giúp hội viên nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Có vốn vay Ngân hàng CSXH nông dân Hoà Bình nâng cao hiệu quả sản xuất

Trước đây, vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và nguồn vốn đầu tư, gia đình bà Trần Thị Thảo (xóm Trung Thành, xã Thịnh Minh, TP.Hòa Bình) dù đã xây dựng mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế nhưng hiệu quả không đạt như mong muốn. Nắm bắt được nhu cầu muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tập huấn KHKT của gia đình bà Thảo, các cấp Hội ND đã đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng KHKT trong chăn nuôi và kết hợp với kinh doanh dịch vụ, sản phẩm của gia đình bà Thảo tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, để lan tỏa tinh thần lao động, sản xuất đến hội viên nông dân địa phương, hàng năm bà Thảo hỗ trợ 10 - 15 hộ hội viên trong xóm về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi lợn để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình làm "cầu nối” giúp nông dân vay vốn Ngân hàng CSXH phát triển kinh tế- Ảnh 1.

Trang trại lợn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của hội viên nông dân xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hoài

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình làm "cầu nối” giúp nông dân vay vốn Ngân hàng CSXH phát triển kinh tế- Ảnh 2.

Cũng như gia đình bà Thảo, nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang có hàng nghìn hộ hội viên nông dân được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, xác định công tác phối hợp với Ngân hàng CSXH truyền tải nguồn tín dụng chính sách cho nông dân sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chấp hành Hội ND tỉnh Hòa Bình đã đưa nội dung này vào chương trình công tác toàn khóa và chương trình công tác hàng năm của Hội.

Tập huấn KHKT cho hộ vay vốn

Nhằm đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, mỗi năm, các cấp Hội ND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức 25 lớp tập huấn cho trên 1.100 lượt cán bộ hội chuyên trách cấp tỉnh, huyện, xã với hình thức đa dạng, phong phú. Hội ND tỉnh chỉ đạo các Hội cấp huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, phân công cán bộ hội trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc các hộ vay trả nợ và trả lãi theo định kỳ; chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng, hướng dẫn hội viên vay lập hồ sơ, tiến hành phê duyệt, giải ngân kịp thời.

Đến nay, 10/10 Hội ND các huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình đã ký văn bản liên tịch và 151/151 Hội cấp xã ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH. Hội ND tỉnh Hòa Bình đang quản lý 643 tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 26.270 hội viên vay với dư nợ đạt trên 1.238 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng chính sách do Hội quản lý không ngừng nâng cao qua các năm.

Ông Lê Văn Thạch - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình cho biết: Từ nguồn vốn vay chính sách đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Hầu hết hộ vay vốn chấp hành nghiêm việc trả lãi hàng tháng và trả nợ gốc khi đến hạn. Tính đến hết năm 2023, số tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng CSXH đạt loại tốt chiếm 97%, số tổ khá chiếm 2,3%.

Theo ông Thạch, thời gian tới, Hội ND tỉnh Hòa Bìnhsẽ tiếp tục phối hợp tốt với chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến hội viên nông dân; nắm chắc tình hình hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, củng cố kịp thời tổ trưởng hoạt động kém hiệu quả; nhắc nhở các tổ thực hiện tốt quy chế hoạt động, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã, phường hàng tháng. Thực hiện kiểm tra theo chuyên đề hoặc kiểm tra lồng ghép đảm bảo tỷ lệ theo kế hoạch đề ra…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem