Hôm nay 18/11: Tổng kết NQ 30- Khai phá “mỏ vàng” nông, lâm trường

Khương Lực Thứ hai, ngày 18/11/2019 09:22 AM (GMT+7)
Hơn 3.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu đã được tạo ra khi 160 công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, phát huy được sản xuất và hiệu quả kinh doanh. Với những ưu thế được tạo ra, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.
Bình luận 0

Hôm nay (18.11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

img

Vào năm 2014, 256 công ty nông, lâm nghiệp quản lý trên 24 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 179.432 người lao động và hơn 2.2 triệu hecta đất tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phải nói đây là một nguồn lực rất lớn mà các công ty nông, lâm nghiệp đang nắm giữ. Tuy nhiên, các công ty này phải đứng trước 1 trong 4 phương án sắp xếp, chuyển đổi: mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước; mô hình công ty cổ phần, mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên; nếu không thể chuyển đổi thì có thể tính phương án giải thể nông, lâm trường.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 30-NQ/TW, tính đến ngày 30/6/2019, trong tổng số 256 công ty nông, lâm nghiệp đã có 160 công ty hoàn thành sắp xếp (chiếm 62,5%). Sau sắp xếp, tình hình tài chính của các công ty lành mạnh, minh bạch hơn, cơ bản giải quyết được nợ khó đòi và vốn chủ sở hữu tăng từ 24,8 ngàn tỷ đồng lên là 27,84 ngàn tỷ đồng (bình quân 127,1 tỷ đồng/công ty).

Nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp đã thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - một trong những công ty thực hiện cổ phần đầu tiên theo Nghị quyết 30-NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP. So với  trước cổ phần hóa, giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tăng trên gần 2.000 tỷ đồng, đạt trên 4.000 tỷ đồng.

Sau cổ phần hóa, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề chính, lấy hoạt động lâm nghiệp làm cốt lõi. Đơn vị này đã chú trọng đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp theo hướng đầu tư giống chất lượng cao nuôi cấy mô, trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Cổ phần hóa được 1 năm, năm 2017 doanh nghiệp đã có lợi nhuận sau thuế 388 tỷ đồng;  Năm 2018, lợi nhuận sau thuế 854 tỷ đồng và dự kiến lợi nhuận năm 2019 khoảng 710 tỷ đồng.

Ông Phí Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam khẳng định: “Chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam cơ bản đã phát huy được vị thế. Chúng tôi đã chủ động được trong các quyết định, các chính sách và không còn bị lệ thuộc vào các quy định, quy chế mà nó rằng buộc các doanh nghiệp nhà nước trước kia. Thứ hai, chúng tôi phát huy được những lợi thế của các cổ đông, đội ngũ lao động được bổ sung, đổi mới và làm mới. Nhờ đó, công ty đã phát huy được tính tự chủ, phát huy được nguồn lực xã hội đối với việc phát triển đơn vị”. Đến nay, chuỗi sản xuất của doanh nghiệp bao gồm từ làm giống, vùng nguyên liệu, vùng sản xuất lâm sản hàng hóa tập trung, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường, phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước.

Sau cổ phần hóa, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam giữ lại khoảng 43.700ha đất lâm nghiệp, bàn giao 53.200ha để địa phương phát triển kinh tế và giải quyết nhu cầu sử dụng đất của người dân. Trong khi đó, ở hầu hết các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp đã xử lý dứt điểm việc cắm mốc, xác định ranh giới, diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp quản lý. Nhờ thực hiện công khai, minh bạch, tình trạng khiếu kiện tranh chấp đất giữa các công ty nông, lâm nghiệp và người dân đã cơ bản giảm.

Trong năm 2019, có 69 công ty (44 công ty nông nghiệp và 25 công ty lâm nghiệp) đang thực hiện sắp xếp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương, đơn vị thực hiện việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chậm, nhất là đối với sắp xếp theo mô hình hai thành viên trở lên mới đạt 37,5% và có 27 công ty hiện chưa thực hiện việc sắp xếp. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai tại một số công ty còn phức tạp, vẫn còn hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty sau sắp xếp, hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn hạn chế.

Đáng chú ý diện tích đất, tài sản trên đất các công ty nông, lâm trường bàn giao về địa phương còn ít, đạt khoảng 91.419 ha/462.980ha…Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Qua khảo sát, diện tích đất chuyển về cho các địa phương, số đã có quyết định thu hồi đất và có phương án sử dụng đất đó còn rất ít, chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trong khi, đồng bào của chúng ta, nhất là đồng bào dân tộc miền núi và thiểu số vẫn còn thiếu đất ở và đất sản xuất. Đây là một vấn đề chúng ta phải rất quan tâm. Thứ hai, bản thân các nông, lâm trường khi giữ lại đất để sản xuất cũng chưa có những phương án nâng cao hiệu quả sử dụng, nhất là giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc  lấn chiếm, tranh chấp về đất đai… Đó vẫn là vấn đề phức tạp mà chúng ta phải tổng kết lần này để có những giải pháp phù hợp”.

Tại Hội nghị sơ kết lần này, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị báo cáo sơ kết và xem xét ban hành kết luận: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng caohiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp ”. Qua đó, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông, lâm trường, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp sau sắp xếp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem