Hỗn loạn khai thác đất "lậu" ở Bình Định: Sự thật đằng sau chủ trương

Dũ Tuấn Thứ bảy, ngày 25/07/2020 13:00 PM (GMT+7)
Dù chỉ mới có chủ trương chấp thuận của UBND tỉnh, chưa cấp giấy phép khai thác nhưng hàng chục doanh nghiệp đã kéo về xã Cát Thành (huyện Phù Cát) đào bới lấy đất mang đi, khiến đồi núi tan hoang. Liệu có gì khuất tất?
Bình luận 0

Chưa cấp giấy phép... đã ồ ạt khai thác!

Tháng 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu ký văn bản truyền đạt ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện đồng thời vừa khai thác, vừa lập thủ tục xin cấp phép đối với diện tích đã hoàn thành GPMB của mỏ đất núi Một và PC 08 (huyện Phù Cát) để thi công công trình đường ven biển ĐT 639 đoạn Cát Tiến – Đề Gi.

Ý kiến trên được đưa ra dựa theo đề nghị của Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh (trực thuộc UBND tỉnh Bình Định - chủ đầu tư dự án đường ven biển ĐT 639 đoạn Cát Tiến – Đề Gi) và ông Trần Châu yêu cầu "Ban này phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với đề xuất trên".

“Loạn” khai thác khoáng sản (Kỳ cuối): Chưa cấp giấy phép, lãnh đạo Bình Định vẫn “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương vừa khai thác khoáng sản, vừa làm thủ tục xin cấp phép. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, đã có 11 doanh nghiệp khai thác đất tại mỏ PC 08 phục vụ dự án đường ven biển, riêng mỏ đất núi Một đang tiến hành làm đường nên chưa khai thác.

Tuy nhiên, sự việc trên lại không nhận được sự đồng tình của người dân địa phương, bởi họ cho rằng doanh nghiệp chỉ lo khai thác tài nguyên mà "quên" đi nguyên tắc bảo vệ môi trường, cuộc sống xung quanh của họ.

Người dân Cát Thành (huyện Phù Cát) "tố" rằng, sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Bình Định, hàng loạt doanh nghiệp đã kéo về mỏ PC 08 khai thác đất, gây bụi bặm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất.

“Loạn” khai thác khoáng sản (Kỳ cuối): Chưa cấp giấy phép, lãnh đạo Bình Định vẫn “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Hoạt động khai thác đất rầm rộ diễn ra bên trong mỏ đất PC 08 (xã Cát Thành). Ảnh: Dũ Tuấn.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cát Thành Nguyễn Đức Chiêu cho hay, từ tháng 4, hoạt động khai thác tại mỏ đất PC 08 đã diễn ra, mặc dù mỏ đất này chỉ mới được quy hoạch phục vụ dự án đường ven biển ĐT 639, chưa được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Theo UBND xã Cát Thành, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định đã ủy quyền cho Công ty TNHH Thuận Đức đại diện lập hồ sơ xin phép khai thác đất tại mỏ đất núi Một (xã Cát Thành - Cát Khánh) và ủy quyền cho Công ty TNHH Công nghệ và XD Nam Ngân đại diện lập hồ sơ xin phép khai thác đất tại mỏ đất PC 08 (xã Cát Thành).

"Lãnh đạo tỉnh đã có công văn chỉ đạo vừa thi công, vừa làm thủ tục khai thác mỏ đất. Vì vậy, chúng tôi đã mời chủ đầu tư dự án, công an… họp bàn, đề nghị làm nhanh thủ tục để được cấp phép theo quy định, cam kết sửa chữa đường vì xã cũng sợ rằng doanh nghiệp làm xong rồi bỏ đi", ông Chiêu thông tin.

“Loạn” khai thác khoáng sản (Kỳ cuối): Chưa cấp giấy phép, lãnh đạo Bình Định vẫn “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Xe tải khai thác đất tại xã Cát Thành. Ảnh: Dũ Tuấn.

Công an kiến nghị, tỉnh yêu cầu xử lý!

Nói về pháp lý đề xuất "cho phép vừa làm thủ tục xin cấp phép, vừa khai thác khoáng sản", Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định Lưu Nhất Phong lý giải: "Đây là dự án trọng điểm cấp bách, tỉnh yêu cầu thi công gấp rút, thủ tục cấp phép khai thác lại kéo dài, nếu chờ làm xong thủ tục thì dự án không thi công được gì cả".

Theo ông Phong, các mỏ đất này được quy hoạch gắn liền với dự án, chỉ phục vụ nhà nước thi công công trình đường ven biển, chứ không phải để doanh nghiệp kinh doanh bán đất và dự án hoàn thành sẽ đóng cửa mỏ ngay.

Tuy nhiên, sau khi nhận đề nghị của Công an tỉnh Bình Định, tháng 6 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu lại ký văn bản yêu cầu tăng cường bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại các dự án xây dựng, trong đó giao công an phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản trái phép (kể cả các trường hợp có chủ trương của UBND tỉnh Bình Định nhưng chưa được cấp phép theo quy định).  

“Loạn” khai thác khoáng sản (Kỳ cuối): Chưa cấp giấy phép, lãnh đạo Bình Định vẫn “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp - Ảnh 4.

Xe chở đất có dấu hiệu quá tải di chuyển trên đường. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại mỏ đất PC 08 (xã Cát Thành), dù chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng sau khi lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định có chủ trương "vừa khai thác, vừa làm thủ tục xin cấp phép", hàng loạt máy múc xe tải đã đào bới, tạo thành hầm hố khắp nơi. Các xe tải có trọng lượng lớn, liên tục ra vào lấy đất rồi nhanh chóng di chuyển ra đường, vận chuyển về dự án.

Ông Lưu Nhất Phong nhấn mạnh: "Sau khi nhận được văn bản mới của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định vào tháng 6, chúng tôi đã cho tạm dừng việc khai thác đất và sẽ xin ý kiến lãnh đạo tỉnh để có hướng xử lý".

"Trước khi khai thác, đơn vị có trách nhiệm đã xác định được trữ lượng và khối lượng thi công, cái mấu chốt vấn đề ở đây là đảm bảo tiến độ dự án nhưng không gây thất thoát tài nguyên nhà nước. Cả 2 mỏ đất vẫn đang làm hồ sơ môi trường, để trình UBND tỉnh Bình Định thẩm định cấp phép", ông Trương Bá Vinh - Trưởng phòng Tài nguyên - Khoáng sản (Sở TNMT tỉnh Bình Định) cho hay.

Đất tặc… không "ngán" chính quyền!

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra khá rầm rộ tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đáng nói, chính quyền địa phương lại tỏ ra "thờ ơ", hoặc xử lý không triệt để, dẫn đến tái diễn hoạt động khai thác tài nguyên trái phép tại địa bàn mình quản lý. Việc này khiến vấn nạn "trộm cắp" tài nguyên, trở thành nỗi bức xúc của dư luận.

Theo UBND xã Cát Tường (huyện Phù Cát), thời gian qua đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp, cá nhân qua mặt chính quyền, tự ý thỏa thuận mua đất trồng cây lâu năm của các hộ dân thôn Chánh Liêm sau đó đưa phương tiện, máy móc vào khai thác đất trái phép tại khu vực núi Hóc Giảng – nơi giáp ranh hành chính với xã Cát Nhơn.

Đặc biệt, các trường hợp của Công ty TNHH VT XD Bình Diễm - Giám đốc là ông Nguyễn Thanh Bình (xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn) và ông Võ Tấn Tài (thôn Chánh Lý, xã Cát Tường), việc làm vi phạm pháp luật này đã bị chính quyền xử lý nhưng họ vẫn cố tình sai phạm, tái diễn nhiều lần.

Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường Nguyễn Văn Được cho rằng, chính quyền địa phương liên tục kiểm tra, xử lý tuy nhiên các đơn vị, cá nhân này vẫn cố tình vi phạm.

"Với thẩm quyền xử phạt hành chính của xã chỉ dưới 5 triệu nên họ không ngán, chỉ có huyện, tỉnh mới xử lý mạnh tay được", ông Được nói.

img

Người dân xã Cát Tường (huyện Phù Cát) chặn xe tải chở đất vì gây ô nhiễm.

Để "đất tặc" lộng hành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có ý kiến yêu cầu UBND huyện Phù Cát chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng công tác quản lý khoáng sản tại xã Cát Tường, báo cáo trước 20/6. Việc để tổ chức, cá nhân khai thác đất trái phép trong thời gian dài, đặc biệt Công ty TNHH VT XD Bình Diễm vi phạm nhiều lần nhưng không có biện pháp xử lý dứt điểm gây bức xúc dư luận.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Việt về việc xử lý nạn khai thác đất trái phép diễn ra trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trưởng tỉnh Bình Định Lê Văn Tùng khẳng định: "Quan điểm của chúng tôi là xử lý kiên quyết, không để thất thoát tài nguyên".

Phóng viên liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND huyện Phù Cát hỏi trách nhiệm khi để nạn khai thác đất trái phép "lộng hành" tại Cát Tường, nhưng không gặp được.

Chánh Văn phòng UBND huyện Phù Cát Hà Trọng Dưỡng yêu cầu gửi lại câu hỏi cho Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Kiên, nhưng hơn 1 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn không nhận được hồi âm. Liên lạc với ông Kiên thì vị này không bắt máy, ông Dưỡng thì viện lý do "đang đề nghị cơ quan chuyên môn tổng hợp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem