Hồng không hạt Bắc Kạn mất mùa mất giá, nông dân khóc ròng
70% diện tích bị thất thu
Hồng không hạt Bắc Kạn được trồng nhiều ở các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù.
Đây là loại cây ăn quả dễ trồng, không mất nhiều chi phí và công chăm bón, có khả năng chịu hạn khá tốt, ít sâu bệnh.
Hồng không hạt theo tiếng của dân tộc Tày còn được gọi là mác hồng, còn người tiêu dùng hay gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm qua nước để khử chát.
Loại quả này không có hạt, vỏ quả màu vàng đỏ khi chín; tai quả to, quả không cứng và không chát, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm, quả nhiều cát đường và rất giòn.
Hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng 7, tháng 8 âm lịch, người tiêu dùng lại có thể thưởng thức loại trái cây đặc biệt này.
Tuy nhiên, vụ hồng năm nay, nhiều diện tích hồng bị nhiễm bệnh, quả rụng đầy gốc khiến người trồng bị thất thu.
Huyện Ba Bể là địa phương có diện tích hồng không hạt lớn bậc nhất của Bắc Kạn, nhiều vườn hồng hàng chục năm tuổi, đang độ cho thu hoạch tốt nhưng năm nay, phần nhiều đều bị nhiễm bệnh.
Cả huyện hiện có 15 xã trồng hồng với tổng diện tích hơn 300ha thì có tới hơn 100ha hồng bị rụng quả 30 - 70% diện tích. Trong đó, khoảng 30% diện tích mất mùa do thời tiết, 10% do cây thiếu dinh dưỡng và 60% do bị bệnh thán thư.
Riêng xã Quảng Khê có diện tích hồng không hạt lớn nhất huyện Ba Bể với gần 70ha nhưng có tới 70% diện tích hồng bị rụng quả, không cho thu hoạch. Nhiều nông dân bị thiệt hại nặng nề.
Vì sao hồng rụng quả hàng loạt?
Theo một chủ vườn hồng ở xã Quảng Khê, từ vài năm trở lại đây, cây hồng bắt đầu xuất hiện bệnh thán thư. Trong khi đó, người dân lại chưa có kinh nghiệm phòng trừ bệnh triệt để nên dẫn đến tình trạng cây bị nhiễm bệnh, quả bị rụng gây thất thu.
Vụ hồng không hạt năm nay không những bị mất mùa mà giá bán cũng thấp hơn so với mọi năm, chỉ đạt khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg cho nên người trồng hồng đã thiệt hại càng thiệt hại thêm.
Theo ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu khiến quả hồng bị rụng là do bệnh thán thư, bệnh khô cành, nấm hồng gây hại. Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể kể đến còn do thời tiết phức tạp, người trồng chủ quan, thiếu chăm sóc cho cây. Toàn tỉnh có hơn 700ha hồng, tập trung ở Chợ Đồn và Ba Bể thì tỷ lệ rụng quả khi còn non lên tới 40%, trong đó từ 50-60% diện tích rụng do nhiễm bệnh hại.
Để phòng, trừ bệnh hại cây hồng, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho người dân phun phong, trừ bệnh hại.
Việc phòng, trừ hiệu quả nhất là khi cây hồng bắt đầu đơm quả phải phun thuốc ngay. Tuy nhiên, phần lớn diện tích người dân chỉ phun trừ khi phát hiện dịch bệnh vào thời điểm quả hồng đã lớn cho nên hiệu quả thấp.
Do đó, người trồng cần thực hiện phun phòng sớm vào thời điểm cây ra lộc, trước khi nở hoa năm ngày, hoa nở 30 - 40%.
Những diện tích được phun trừ bệnh về cơ bản không còn lây lan ra những diện tích khác. Những diện tích thực hiện chăm sóc, phun phòng, trừ phát triển tốt, tỉ lệ rụng quả thấp.
Là cây trồng bản địa chỉ có tại 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn, sản lượng còn khiêm tốn, hồng không hạt chưa phải bức xúc về thị trường tiêu thụ. Thường thì các tư thương đến tận nơi để đặt mua hàng của người dân. Dù vậy, tỉnh Bắc Kạn vẫn tổ chức các tuần hàng, hoạt động xúc tiến thương mại để từ đó khẳng định đây là đặc sản của Bắc Kạn. Đồng thời, qua đó,
Thu nhập cao gấp 6 lần trồng mía
Năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong TOP 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng tạp chí sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn.
Cây hồng không hạt được kỳ vọng sẽ phát triển xứng tầm thương hiệu, sánh vai cùng các thương hiệu nổi tiếng trong nước như Vải Thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Nhãn Lồng Hưng Yên…
Những năm qua, cây hồng không hạt Bắc Kạn không ngừng được tăng diện tích, mở rộng thị trường giúp người nông dân tăng thu nhập. Mỗi ha cây hồng không hạt được đánh giá là mang lại thu nhập cao gấp 6 lần so với trồng mía.
Vị ngọt đậm, giòn, thơm, ngon nổi tiếng, hồng không hạt là món quà biếu đặc sản được nhiều người ưa chuộng vào mùa thu, đặc biệt là trong dịp Tết trung thu.