Huawei chuyển hướng làm ăn với Nga khi bị Mỹ cấm vận
Mới đây, trả lời phỏng vấn trong chuyến thăm các trường đại học hàng đầu Trung Quốc, CEO Huawei Nhậm Chính Phi cho biết: “Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen, chúng tôi đang chuyển dần các khoản đầu tư từ Mỹ sang Nga, đồng thời mở rộng đội ngũ nhà khoa học Nga và tăng chế độ phúc lợi cho họ”. Tuyên bố này được đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hôm 31/8.
Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông số 1 thế giới đồng thời là gã khổng lồ smartphone hàng đầu toàn cầu. Trong quý II vừa qua, Huawei lần đầu vượt Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới. Tuy nhiên, công ty công nghệ Trung Quốc này đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung kéo dài suốt gần 2 năm qua, khi Washington coi Huawei như mối đe dọa an ninh quốc gia, uy hiếp vị thế thống trị công nghệ toàn cầu của quốc gia này.
Mới đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ đã gia tăng các quy tắc hạn chế quyền truy cập của Huawei vào các công nghệ quan trọng của Mỹ, đồng thời chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu, đưa Huawei vào tình thế sinh tử. Hồi đầu tháng 8, CEO mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, ông Richard Yu đã thừa nhận công ty không thể sản xuất dòng smartphone mới nhất có chứa chip Kirin tiên tiến kể từ năm sau, do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây tác động đáng kể đến nguồn cung chip. Hiện các nhà cung cấp chip hàng đầu của Huawei như TSMC đã ngừng nhận đơn hàng mới theo quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài mà Bộ Thương mại Mỹ ban hành hồi giữa năm.
Tại một hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Thanh Đảo, miền đông Trung Quốc vào cuối tuần qua, ông Richard Yu cho biết Huawei vẫn đang “nỗ lực tìm cách đối phó với các lệnh cấm của Mỹ trong vấn đề nguồn cung chip”, trích nguồn tin từ giới truyền thông địa phương.
Bên cạnh việc tập trung đầu tư vào các quốc gia khác, kế hoạch tồn tại và duy trì vị thế của Huawei cũng bao gồm tập trung nhiều hơn vào mảng kinh doanh Cloud mới phát triển, theo tờ Financial Times. Hiện Huawei đang đưa mảng điện toán đám mây lên ngang hàng với mảng kinh doanh thiết bị viễn thông và smartphone. Đây là mảng vẫn chưa bị Mỹ chặn quyền truy cập vào nguồn cung linh kiện và công nghệ.
Về phía các doanh nghiệp Mỹ, nhiều nhà cung cấp chip bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Washington đang nỗ lực vận động chính quyền Trump nới lỏng các lệnh hạn chế mới đây. Các đối tác quen thuộc của Huawei như Qualcomm đang cố gắng kiến nghị Washington cấp phép nối lại hoạt động bán hàng cho Huawei - vốn đóng góp phần quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Nhà thiết kế chip Đài Loan MediaTek hiện cũng đang nộp đơn đề nghị chính phủ Mỹ cấp phép để bán hàng cho Huawei.