Khi Huawei ngấm đòn trừng phạt của Mỹ, "thung lũng Silicon Trung Quốc" cũng lao đao
Ít ai có thể tưởng tượng rằng hơn 4 thập kỷ sau, Thâm Quyến - nơi từng nổi tiếng với những làng chài nghèo - lại trở thành một trong những động lực tiên phong cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Cũng ít ai ngờ rằng Huawei sẽ vươn lên thành gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới, nhà sản xuất smartphone thứ hai thế giới và trở thành mối đe dọa an ninh, kẻ thách thức vị thế thống trị công nghệ toàn cầu của nước Mỹ.
Nhưng khi Huawei và hàng loạt các công ty công nghệ Trung Quốc tại Thâm Quyến trở nên lớn mạnh, bước vào toàn cầu hóa; những đòn giáng nặng nề từ Mỹ đang đe dọa tốc độ phát triển của đô thị 13 triệu dân này. Việc Washington hạn chế nguồn vốn và quyền truy cập vào công nghệ Mỹ đang tạo sức ép nặng nề lên các doanh nghiệp công nghệ tại Thâm Quyến - nơi được mệnh danh là “thung lũng Silicon của Trung Quốc”
Với trường hợp của gã khổng lồ viễn thông Huawei, viễn cảnh tương lai đang ngày càng u ám khi Washington không ngừng nỗ lực gây sức ép cho các đồng minh cấm cửa công ty này khỏi thị trường mạng viễn thông 5G, đồng thời chặn quyền tiếp xúc với các thành phần công nghệ quan trọng của Mỹ. Một bộ quy tắc mới của chính phủ Mỹ yêu cầu mọi công ty sản xuất chip trên toàn cầu sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cho phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Quy định này được xem như “bản án tử hình” chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei, buộc Huawei phải tìm kiếm nguồn cung chip thay thế từ thị trường Trung Quốc. Nhưng đến nay, nhìn khắp thị trường nội địa, chưa có nhà sản xuất chip nào bắt kịp trình độ sản xuất tiên tiến của các đối tác thường xuyên của Huawei như TSMC.
Sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh của Huawei sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế công nghệ của Thâm Quyến nói riêng và sức mạnh kinh tế - công nghệ Trung Quốc nói chung.
Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Đương đại ở Thâm Quyến nhận định các lệnh trừng phạt mà Chính phủ Mỹ đang áp đặt lên Huawei sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử của Trung Quốc. “Không một công ty nào khác ở Trung Quốc thay thế được vai trò tiên phong công nghệ và toàn cầu hóa của Huawei. Nếu Huawei không thể chịu đựng trước những lệnh trừng phạt của Mỹ, liệu còn doanh nghiệp nào đủ sức chịu đựng?”
Huawei hiện là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho GDP Thâm Quyến từ năm 2016 đến nay, chiếm khoảng 7% sản lượng kinh tế của đặc khu kinh tế này, theo dữ liệu mới nhất từ văn phòng thống kê Thâm Quyến. Trong năm 2016, Huawei cũng là doanh nghiệp duy nhất đóng gió hơn 100 tỷ NDT (14,4 tỷ USD) cho nền kinh tế địa phương. Trong giai đoạn 2014-2016, Huawei là nhà đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại Thâm Quyến, vượt mặt cả gã khổng lồ game và ứng dụng giải trí Tencent, nhà sản xuất máy bay không người lái DJI và nhà sản xuất xe điện BYD.
Tầm quan trọng của Huawei với đặc khu kinh tế Thâm Quyến còn tăng lên từ năm 2018, khi công ty xây dựng thêm một trụ sở mới ở thành phố Đông Quan lân cận. Kể từ đó, Huawei đã giúp Thâm Quyến trở thành điểm dừng chân hàng đầu cho các kỹ sư lập trình, công nghệ, kỹ thuật tài năng nhất Trung Quốc. Chế độ đãi ngộ mà Huawei dành cho những bộ óc tài ba này cũng nổi tiếng là hào phóng bậc nhất.
Zhang Ji, một tiến sĩ trẻ tuổi tốt nghiệp ngành trí tuệ nhân tạo Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung được Huawei thuê với mức lương khởi điểm 2,01 triệu NDT (291.000 USD) mỗi năm, cao gấp 10 lần mức lương trung bình 200.000 NDT/ năm với những người lao động có cùng học vị.
Huawei cũng là tập đoàn tuyển dụng hàng đầu cho sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang và Đại học Phúc Đán. Trong số 194.000 nhân viên của Huawei trên toàn thế giới, có tới hơn một nửa làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Do đó, sự suy yếu của Huawei chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến tiềm lực nội tại của Thâm Quyến.
Không chỉ Huawei, nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cũng đang chịu sức ép từ các động thái “đàn áp công nghệ” của Mỹ.
Đầu tháng này, Catcher Technology, nhà cung cấp của Apple tại Đài Loan đã tuyên bố bán toàn bộ cổ phần trong hai đơn vị của Trung Quốc cho Lens Technology (Hồ Nam) với giá 1,43 tỷ USD tiền mặt. Hồi tháng 7, một nhà cung cấp khác của Apple tại Đài Loan là Wistron cũng tuyên bố bán hai trong số các công ty con tại miền đông Trung Quốc cho Luxshare Group, một tập đoàn có trụ sở tại Trung Quốc đại lục.
“Cũng giống như những năm 2000, khi doanh nghiệp Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp chuyển sản xuất từ Hàn Quốc sang Trung Quốc; thì giờ đây, chính các doanh nghiệp Mỹ lại yêu cầu họ chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam hay Ấn Độ”.
Dù vậy, viễn cảnh cho Huawei và Thâm Quyến không hoàn toàn ảm đạm, vì thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc cùng các quốc gia đồng minh thân cận (như Sáng kiến Vành đai & Con đường) vẫn sẽ là nguồn tăng trưởng cho các công ty như Huawei.