Huawei đệ đơn yêu cầu tòa án Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh hạn chế thương mại

29/05/2019 12:06 GMT+7
“Chính phủ Hoa Kỳ đã không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh với nước này như cáo buộc, đó chỉ là suy đoán của họ.” - Giám đốc pháp lý của Huawei, ông Song Liuping khẳng định.

Gã khổng lồ viễn thông Huawei cho biết hôm Thứ Tư 29/5, rằng họ đã đệ trình đơn khiếu nại lên tòa án Hoa Kỳ, yêu cầu dỡ bỏ lệnh hạn chế thương mại sau khi bị Bộ thương mại nước này đưa vào danh sách đen hồi giữa tháng 5 vừa qua.

Động thái này diễn ra gần 3 tháng sau khi Huawei đệ đơn kiện chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang tại Texas về lệnh cấm sử dụng các thiết bị công nghệ viễn thông của Huawei mà Nhà Trắng ban hành. Cụ thể, trong nội dung đơn kiện trình lên tòa án ngày 7/3, Huawei tập trung chỉ trích điều khoản 889 trong Đạo luật chi tiêu quốc phòng 2019 được Donald Trump phê duyệt, theo đó cấm các cơ quan liên bang Mỹ mua sắm trang thiết bị viễn thông do Huawei và ZTE (hai công ty công nghệ Trung Quốc nằm trong danh sách đen) sản xuất.

“Chính phủ Hoa Kỳ đã không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh với nước này như cáo buộc, đó chỉ là suy đoán của họ.” - Giám đốc pháp lý của Huawei, ông Song Liuping khẳng định. “Huawei tin tưởng vào sự độc lập và toàn vẹn của hệ thống tư pháp Mỹ.”

Huawei yêu cầu tòa án Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh hạn chế thương mại

Từ đầu tháng 5/2019, Huawei đã chịu áp lực gia tăng từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khi bị đưa vào một danh sách đen với lệnh hạn chế thương mại, cấm các hoạt động nhập khẩu linh kiện, thiết bị điện tử, phần mềm và phần cứng. Nhà Trắng thậm chí còn gây áp lực cho các nước đồng minh trong việc ngừng sử dụng thiết bị viễn thông Huawei do mối cảnh báo về an ninh quốc gia và nghi vấn gián điệp.

Về phía Huawei, công ty này kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc, thậm chí cáo buộc ngược lại chính phủ Mỹ sử dụng lý do an ninh quốc gia như một cái cớ, bao biện cho những động cơ thực sự phía sau. “Các chính trị gia Hoa Kỳ đang sử dụng sức mạnh của cả quốc gia để gây áp lực lên một công ty tư nhân. Điều này chưa từng xuất hiện trong lịch sử” - ông Song Liuping nhận định.

Phát biểu về việc Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, Song Liuping cho hay: “Điều này đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Ngày hôm nay là Huawei, ngày mai có thể là công ty của bạn. Ngày hôm nay nhằm vào tập đoàn Trung Quốc, ngày mai có thể nhằm vào tập đoàn của quốc gia bạn”. Đây cũng là lý do Huawei đệ đơn lên tòa án Hoa Kỳ, để chống lại một tiền lệ có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn cho tương lai công nghệ thế giới.

Lệnh hạn chế thương mại từ Mỹ nhiều khả năng một nỗ lực triệt hạ Huawei, khi mà phần lớn chuỗi cung ứng thiết bị, linh kiện điện tử của Huawei nằm tại Mỹ. Lệnh hạn chế sau đó buộc các công ty công nghệ lớn như Google, Qualcomm, Intel... buộc phải đình chỉ cung cấp sản phẩm dịch vụ cho Huawei, khiến đế chế viễn thông này đang đứng trước một nguy cơ lớn. Nhiều chuyên gia nhận định, đòn đánh vào Huawei chính là đòn đánh của chính phủ Mỹ vào tham vọng trở thành siêu cường công nghệ mà Trung Quốc hướng đến.

Huawei còn đưa ra cảnh báo, việc đưa đế chế công nghệ này vào danh sách đen nhiều khả năng sẽ tác động ngược trở lại và làm tổn hại lợi ích kinh tế của Mỹ, nhất là khi nhiều nhà khai thác viễn thông Mỹ đang có mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với Huawei, sử dụng công nghệ của Huawei.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục