Huổi Só-vùng đất gió thổi phào phào ở Điện Biên giảm nghèo bền vững còn lắm gian nan

Văn Ngọc Thứ ba, ngày 25/04/2023 07:30 AM (GMT+7)
Địa hình chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế còn thiếu…đó là những rào cản trong công tác xóa nghèo ở xã vùng cao Huổi Só (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên).
Bình luận 0

Clip: Gian nan công tác xoá đói giảm nghèo ở Huổi Só

Nghèo khó bủa vây

Sau gần 3 giờ đồng hồ vượt hơn 50km đường đèo dốc, đất đá lẫm chẩm từ trung tâm huyện Tủa Chùa chúng tôi mới đến được xã Huổi Só. Nếu như Tủa Chùa là huyện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, thì Huổi Só là xã khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa.

Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%, thu nhập chính dựa vào cây ngô, cây sắn trồng trên nương và cứ thế cái đói cái nghèo vẫn đeo bám người dân.

Gian nan xóa đói giảm nghèo ở Huổi Só - Ảnh 2.

Giao thông đi lại trên địa bàn xã Huổi Só (Tủa Chùa, Điện Biên) còn nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Ngọc

Giữa cái nắng của buổi trưa hè, chị Phàn Thị Chậu, Thôn 2, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cùng một số người họ hàng đang bận rộn làm cỏ cho nương sắn. Âm thanh tiếng cuốc bổ xuống đất kêu sột soạt bới đất đai ở đây đã bạc màu cằn cỗi trở nên quen thuộc. Tiếng thở hổn hển của những người phụ nữ quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thế nhưng mãi vẫn không thể thoát nghèo được ở vùng đất này.

Lau vội những giọt mồ hôi trên đôi gò má, với khuôn mặt nhem nhuốc chị Chậu chia sẻ: Gia đình tôi có 4 người, là hộ nghèo của xã. Thu nhập chính của gia đình chị chỉ phụ thuộc vào 2 nương sắn, năm nào được mùa được giá thì thu về khoảng 30 triệu, đó là chưa trừ tiền giống, công chăm sóc.

Khi phóng viên hỏi, sao không trồng cây khắc cho giá trị kinh tế cao hơn, chị Chậu lắc đầu nói "Từ nhỏ đến đến lớn, chỉ biết trồng cây sắn thôi, không biết trồng cây nào khác, trồng cây khác sợ trồng nó không sống và không biết bán cho ai".

Gian nan xóa đói giảm nghèo ở Huổi Só - Ảnh 3.

Chị Phàn Thị Chậu, Thôn 2, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên (Người đầu tiên bên phải) cùng một số người họ hàng đang bận rộn làm cỏ cho nương sắn. Ảnh: Văn Ngọc

Cách mạnh nương nhà chị Chậu không xa, bên kia đồi gia đình chị Tẩn Thị Đội cũng đang khẩn chương làm cỏ nương sắn. Gia đình chị Đội hơn gia đình chị Chậu là hộ cận nghèo vì gia đình chị Đội nuôi thêm được 2 con bò.

Chị Đội chia sẻ "Gia đình có hơn 1 ha đất đồi trồng sắn, đất đai thì bạc màu. Chỉ biết làm thế này thôi, cuối vụ, có thương lại đến thu mua gia bao nhiêu thì bán mấy nhiêu. Đường xá đi lại khó khăn, mình không mang sắn ra ngoài huyện bán được".

Gian nan xóa đói giảm nghèo ở Huổi Só - Ảnh 4.

Thu nhập chính của người dân xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên phủ thuộc vào các loại cây trồng trên nương như ngô, sắn. Ảnh: Văn Ngọc

Mong muốn đưa Huổi Só thoát nghèo

Trao đổi với phóng viên, ông Tẩn A Đạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết: Xã Huổi Só là một xã miền núi thuộc khu vực khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Xã nằm cách trung tâm huyện Tủa Chùa 50km, nằm dọc bên bờ hồ sông Đà. Xã có tổng số 564 hộ, với hơn 2.400 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc Dao, Mông, Thái, Kinh cùng sinh sống.

Theo ông Đạt, rào cản khiến Huổi Só chậm phát triển, ngoài tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thì địa hình của Huổi Só chủ yếu là đồi núi dốc bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, việc giao thương hàng hóa cũng từ đó mà không phát triển được.

Phần nữa là do nhận thức của người dân không đồng đều, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền chưa được kịp thời, nên một số bộ phận nhân dân không nắm bắt kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ của Nhà nước.

Gian nan xóa đói giảm nghèo ở Huổi Só - Ảnh 5.

Trụ sở UBND xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã xây dựng lâu năm, nay đã xuống cấp. Ảnh: Văn Ngọc

Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Huổi Só triển khai được 3 dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng nguồn vốn được giao trên 500 triệu đồng. Vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, với tổng số vốn giao là 90 triệu đồng.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, địa phương này cũng đã đề ra một số giải pháp như: Khoang vùng một số diện tích đất sản xuất cây trồng ngắn ngày không cho hiệu quả trồng các loại cây trồng lâu năm, trồng rừng để có nguồn thu cho nông dân. Thành lập các tổ chăn nuôi, tận dụng lòng hồ sông Đà để phát triển chăn nuôi cá lồng. Với những giải pháp đó, đến nay trên địa bàn đã hình thành được vùng nuôi cá lồng với 27 hộ.

Gian nan xóa đói giảm nghèo ở Huổi Só - Ảnh 6.

Được vận động, tuyên truyền nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá trên lòng hồ để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Với gia đình chị Quàng Thị Hoa, thôn 1, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, sau khi được cấp ủy chính quyền địa phương vận động, cũng như được tham gia lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản, nhận thầy điều kiện của gia đình cho phép, gia đình chị đã đầu tư xây dựng 6 lồng cá để nuôi. 

Chị Hoa chia sẻ: Với 6 lồng cá này, gia đình tôi nuôi các loại cá như: Trắm, chép, rô phi… nhờ chăm sóc tốt, áp dụng khoa học vào chăn nuôi, chủ động phòng trừ được dịch bệnh, mô hình nuôi cá lồng của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình tôi có thu nhập ổn định và trở thành hộ gia đình phát triển tiêu biểu của xã.

"Mình phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp, không phụ thuộc vào cây trồng trên nương nữa, phát biết chăn nuôi, biết kinh doanh mới có thu nhập được. Từ 6 lồng cá, mỗi năm thu gia đình tôi thu về trên 4 tấn cá thương phẩm. Trừ tất cả chi phí, gia đình chị thu về trên 150 đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn, có của ăn của để, có tiền lo cho con cái ăn học, giờ không sợ đói nghèo nữa". Chị Hoa nói.

Gian nan xóa đói giảm nghèo ở Huổi Só - Ảnh 7.

Cuộc sống của người dân xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trình độ nhận thức hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn trên chiếm 37,5%. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo ông Tẩn A Đạt, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Huổi Só chiếm 37,5%, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 8 triệu đồng/người/năm. Huổi Só phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 0,4-0,5%. Để đạt được kết quả nêu trên, công tác lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương cần phải quyết liệt, kịp thời và sâu sát, cụ thể, phát huy sự năng động, sáng tạo và sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

"Đề nghị cấp trên xem xét bố trí phân bổ nguồn ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã Huổi Só. Hỗ trợ bà con cây, con giống, chuyển giao khóa học kỹ thuật giúp nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức cấp xã về kỹ năng thực hiện các Chương trình Dự án đầu tư trên địa bàn" ông Đạt nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem