Kể chuyện làng: Bỏ nghề "săn thần chết" nhờ cây cao su

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 17/02/2021 06:37 AM (GMT+7)
Từng là một trong những ngôi làng chuyên "săn thần chết", Tân Sơn quê tôi đã đổi thay, khấm khá hơn nhờ trồng cây cao su.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Bỏ nghề "săn thần chết" nhờ cây cao su - Ảnh 1.

Những chiếc máy rà tìm phế liệu từng gắn liền với cuộc sống mưu sinh của người làng tôi.

Tân Sơn – ngôi làng tôi đang sinh sống trước đây có tên Hói Cụ, sau đổi thành Kinh Tế Mới rồi mới đến Tân Sơn, thuộc thôn Bến Hải, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Làng tôi là "dân góp" – người tứ xứ đến sinh sống góp thành làng, lịch sử chỉ khoảng 50 năm.

Ít ruộng, cuộc sống của 50 hộ dân trong làng phụ thuộc vào trồng rừng, mỗi nhà vài héc ta. Tuy nhiên, trồng rừng phải theo chu kỳ 5-7 năm mới thu hoạch. Tính bình quân, mỗi héc ta rừng cho thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng/năm. Đó là theo giá hiện nay, còn 10 năm về trước thì bèo bọt lắm.

Ở vùng sâu, vùng xa, đường sá khó khăn, giao thương hạn chế nên có việc làm là điều xa xỉ với dân làng tôi.

Để mưu sinh, từ đứa con nít đến người già trong làng đều sắm cho mình chiếc máy rà phế liệu chiến tranh. Nhà neo người, con nhỏ thì hai máy cho hai vợ chồng. Nhà đông, con lớn có đến năm, bảy chiếc máy rà. Thời điểm đó có thể nói là nhà nhà đi rà, người người đi rà. Không chỉ làng tôi mà hầu khắp những làng bản khó khăn ở Quảng Trị đều theo cái nghề "đổi mạng" ấy.

Tôi may mắn được bố mẹ đùm bọc nên mãi đến năm lớp 8 mới phải đi rà để kiếm tiền mua sách vở, sửa xe đạp và phụ giúp gia đình. Nhà tôi có ba chiếc máy rà cho ba mẹ và tôi. Đều như vắt chanh, tôi buổi đi học, buổi đi rà.

Kể chuyện làng: Bỏ nghề "săn thần chết" nhờ cây cao su - Ảnh 2.

Bom bi là loại bom còn sót lại nhiều nhất sau chiến tranh, đã gây nhiều thương vong cho người đi rà tìm phế liệu.

Trước khi "dấn thân" vào con đường đi tìm "thần chết", ba tôi đã dạy tôi cách phát hiện phế liệu nhờ vào tín hiệu âm thanh phát ra từ máy rà. Tín hiệu của máy khá đa dạng bởi tuỳ theo độ sâu của phế liệu mà âm thanh thay đổi, phải quen tai mới phát hiện được.

Tôi còn nhớ như in lần đi rà đầu tiên, đó là buổi sáng tháng 5/2004. Tôi cùng ba, chú ruột và một người bạn lên ngọn đồi vừa mới đốt thực bì sau khi khai thác rừng. Tôi rà tìm dưới một hố bom (bom lớn nổ tạo thành hố sâu trên mặt đất). Máy rà phát tín hiệu có phế liệu rất mạnh. Tôi mừng rỡ, cuốc ba nhát thì hoảng hồn phát hiện quả bom bi chưa nổ. Sau lần thoát chết đó, tôi cẩn thận hơn, đào nhẹ từng lớp đất để hạn chế rủi ro. Có lẽ nhờ cách đó cộng thêm may mắn nên sau này tôi thoát chết thêm hai lần nữa, cũng là bom bi.

Sau một buổi sáng nhễ nhãi mồ hôi, tôi kiếm được 3kg sắt vụn, bán được 9.000 đồng, mua kem chiêu đãi mọi người mừng buổi ra quân đầu tiên.

Kinh nghiệm của tôi ngày càng dày dặn hơn. Sau này, mỗi ngày tôi rà tìm được khoảng 20-30kg phế liệu chiến tranh. Thế mà vẫn chưa ăn nhằm gì so với bạn bè cùng trang lứa khi chúng đã biết đào pháo, bom.

Pháo là vật dễ nổ nên đa phần khi đào được đều ủ cây khô đốt, chờ nổ xong rồi mang máy tới rà tìm sắt vụn. Còn bom thì bán nguyên quả. Tuy nhiên, có những người liều lĩnh, đào bom xong đem tháo lấy thuốc nổ bán. Bởi trong quả bom, thuốc nổ là thứ đắt giá nhất.

Kể chuyện làng: Bỏ nghề "săn thần chết" nhờ cây cao su - Ảnh 3.

Bom bi phát nổ gây xát thương lớn

Tôi và lứa bạn thời chăn trâu cắt cỏ đã từng ngồi xem hai người cưa bom tấn, bên trong có khoảng 80kg thuốc nổ. Vừa cưa họ vừa đổ nước lên vết cưa để không làm cho quả bom nóng mà phát nổ.

Nghĩ lại, tôi thấy thật ngu ngốc bởi nếu chẳng may quả bom phát nổ thì cả đám sẽ chết, tôi chẳng thể ngồi viết Kể chuyện làng.

Ở làng tôi, có người đi rà bị bom nổ suýt mất mạng. Thế nhưng, không có tiền ăn, tiền học cho con nên sau vài năm lại phải đi rà.

Nhận thấy cuộc sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, năm 2005 và 2006, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã ra Nghị quyết hỗ trợ nông dân trồng cây cao su. Nông dân có nhu cầu trồng cao su sẽ được Ngân hàng Agribank tỉnh Quảng Trị cho vay với lãi suất ưu đãi, dài hạn. Quá vui mừng, 100% hộ dân làng tôi đăng ký trồng cao su.


Kể chuyện làng: Bỏ nghề "săn thần chết" nhờ cây cao su - Ảnh 4.

Máy rà phế liệu chiến tranh mà người dân làng Tân Sơn dùng để mưu sinh khi chưa thu hoạch cao su.

Cao su phải 7 năm tuổi mới có thể thu hoạch. Trong thời gian đó, dân làng tôi vẫn phải đi rà phế liệu mua gạo sống qua ngày.

Và rồi, tháng ngày chờ đợt cũng đến, nó tạo thành bước ngoặt lớn cho dân làng Tân Sơn quê tôi – Làng tôi đi cạo mủ cao su.

Từ khi được thu hoạch cao su, máy rà đã trở thành dĩ vãng. Nó trở thành hàng độc ở làng, giữ lại chỉ để kỷ niệm một thời liều mạng.

Thay vì phải đi rà phế liệu, đối mặt với thần chết mỗi ngày, người Tân Sơn đi cao mủ cao su. Tuy giá cao su không còn ở thời kỳ đỉnh cao như năm 2012 về trước, nhưng nó vẫn mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Từ những căn nhà sập xệ, cũ nát, cuộc sống đói nghèo đeo đẵng, nay làng tôi nhà mới san sát, tô sơn đẹp đẽ, cuộc sống ấm no.

Kể chuyện làng: Bỏ nghề "săn thần chết" nhờ cây cao su - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Hằng (người làng Tân Sơn) từng nhiều năm đi rà tìm phế liệu. Nay bà Hằng bỏ nghề vì đã có cao su để thu hoạch, đời sống tốt hơn.

Quan trọng hơn, cây cao su đã giúp dân làng tôi bỏ nghề rà tìm phế liệu, tránh được nguy hiểm từ những quả bom chực chờ dưới mỗi nhát cuộc.

Sau mỗi trận bão lớn, nhiều diện tích cao su ở làng tôi bị gãy đổ. Những cuộc tranh luận lại diễn ra với hai luồng ý kiến trái chiều là nên và không nên trồng cao su ở miền Trung. Đáp án cuối cùng của cuộc tranh luận đến nay chưa có. Nhưng theo tôi, nói một câu công bằng thì dù sao, gãy đổ cao su vẫn hơn rà tìm phế liệu dẫn đến thương vong.

Ba mẹ tôi, người làng tôi từng nói ngắn gọn với nhau rằng, cao su gãy đổ có thể cứu nhưng người chết thì không. Bởi vậy, người làng tôi luôn biết ơn Đảng bộ, chính quyền và Ngân hàng Agribank tỉnh Quảng Trị đã vạch đường chỉ lối, hỗ trợ việc trồng cao su, giúp dân có cuộc sống ấm no, an toàn hơn.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem