Kể chuyện làng: Cầu Hạt

Hà Sáu Thứ bảy, ngày 09/01/2021 07:31 AM (GMT+7)
"Cầu Hạt" là tên cây cầu nằm trên trục đường DH 6 khu vực xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn, Quảng Nam. Cầu rộng 2,5 mét, dài khoảng 100 mét nối liền giữa hai bờ sông của làng An Tự với vùng Đông làng Phong Lục.
Bình luận 0

Hiện nay trục đường DH6 đang hoàn thành đoạn phía bắc cầu, đây là trục giao thông quan trọng của các xã phía Tây Bắc của thị xã Điện Bàn.

Vậy cầu này có tự bao giờ? Và vì sao mang tên Cầu Hạt? Một số bô lão của làng kể rằng:

Kể chuyện làng: Cầu Hạt - Ảnh 1.

Cầu Hạt.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng được thành lập và đến năm 1948 chia lại các xã thì làng An Tự thuộc xã Điện Hòa, còn làng Phong Lục thuộc xã Điện An nên việc giao lưu của hai làng ở hai bên con sông cũng chưa được khắng khít lắm. Sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, chính quyền Sài Gòn chia lại địa giới hành chính nhằm thiết lập bộ máy của chính quyền cơ sở. Các làng Bồ Mưng Viêm Tây, Thanh Quýt, Thanh Tú, An Tự được tách ra khỏi xã Điện Hòa. Các làng Phong Ngũ, Phong Lục tách ra khỏi xã Điện An để thành lập xã mới với tên gọi là xã Thanh Trường thuộc Tiểu khu hành chính Thanh Quýt. Sau năm 1963, phong trào đồng khởi nổi dậy khắp cả nước, tại xã Thanh Trường Ủy ban Nhân dân Tự quản cũng ra đời lấy tên là Ủy ban Nhân dân Tự quản xã Điện Thắng. Như vậy, xã Điện Thắng cũng bắt đầu có tên từ đó và mối liên hệ giữa các làng trong xã cũng trở nên mật thiết hơn. Tuy nhiên việc giao lưu đi lại của hai làng An Tự và vùng Đông Phong Lục cũng chỉ bằng ghe, đò là chính. Chủ yếu việc đi lại của cán bộ hoạt động cách mạng hay việc cần của những người có quan hệ.

Tháng 3 năm 1965 lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và đến tháng 5/1965 thì đã có 1 đại đội đóng đồn tại Trảng Nhật Điện Thắng, tình hình chiến sự vô cùng phức tạp đòi hỏi có sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo xã đến các vùng. Do vậy, việc đi lại từ Thanh Tú, An Tự xuống vùng Đông, Nam Phong Lục và Phong Ngũ rất cần thiết. Ngoài việc qua sông bằng ghe đò, xã đã huy động nhân dân hai làng làm cây cầu tạm bằng tre để qua lại cho thuận tiện. Cầu được làm khoảng cuối năm 1965 bằng tre đóng chéo, phía trên chỉ có hai thanh tre song song để đi qua, vào mùa mưa lụt thì tháo dỡ. Địa điểm cầu vẫn là chỗ cũ như bấy giờ.

Nhằm phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, ngay từ đầu năm, chính quyền cách mạng xã Điện Thắng đã tổ chức cho nhân dân thôn An Tự và vùng Đông Phong Lục đốn tre làm cầu qua sông quy mô và chắc chắn hơn, tập trung làm cả ban ngày và ban đêm. Chỉ trong vòng hơn một ngày đêm đã hoàn thành xong chiếc cầu tre có thể cho đoàn quân đi qua, cả cho việc tải đạn khiêng thương phục vụ chiến đấu. Cây cầu tre nối nhịp hai quê phục vụ cho đi lại, làm mùa, công tác của nhân dân hai vùng trên dưới được tồn tại cùng với năm tháng theo dòng lịch sử cho đến ngày giải phóng quê hương năm 1975.

Năm 1979, thực hiện chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam, chính quyền xã Điện Thắng quyết định thành lập 3 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp I Điện Thắng gồm các thôn Phong Lục, Phong Ngũ, AnThanh với tổng số lao động 1.668 người và 266 ha đất trồng trọt. Trụ sở Hợp tác xã đóng tại khu đất màu xã Súy An Thanh, nay là Trường Trung học Cơ sở Thu Bồn. Đất đai được phân bổ đều cho toàn dân có cả đất lúa và đất màu, đất màu chủ yếu là An Thanh và Phong Lục Tây. Do vậy việc đi lại làm mùa của nhân dân giữa hai vùng rất cần thiết, vào mùa mưa lụt cầu tre phải tháo dở, việc đi lại bằng chiếc phà nhôm có dây nêu từ gốc cây của hai bên bờ sông.

Nhu cầu đi lại vận chuyển ngày càng lớn, mỗi năm nhân dân vận chuyển phân bón, lúa, thuốc lá… qua đây hàng ngàn tấn. Nhằm phục vụ cho nhu cầu bức thiết ấy, năm 1981, Hợp tác xã đã quyết định đầu tư xây dựng tại đây một cây cầu quy mô kiên cố. Được sự hỗ trợ của Phòng Giao thông vận tải huyện Điện Bàn, cầu được làm bằng sắt đường rây xe lửa, dùng máy đóng cọc sâu đến độ cứng và hàn chéo rất chắc, bên trên dùng gốc tre già cột dây thép dày, cầu rộng chừng 2 mét, có thể kéo xe lúa và cả khiêng đám ma cũng qua được. Đến năm 1990 thì thay tre bằng gỗ mùn kiên cố hơn.

Năm 2003, cầu được Ủy ban nhân dân huyện đầu tư xây dựng kiên cố bằng bê tông có thể cho xe ô tô con và xe tải nhỏ dưới 8 tấn đi qua được, tổng mức đầu tư là 600 triệu đồng, cầu tồn tại cho đến ngày nay.

Cầu Hạt có tự bao giờ?

Cầu này nằm sát vườn nhà ông Phan Hạt ở phía Nam bờ sông, cầu tồn tại rất lâu nhưng sau năm 1975 người qua lại nhiều và từ đó nhân dân gọi là "cầu Hạt" và lưu lại đến ngày nay.

Những chiến công trên cầu

Kể chuyện làng: Cầu Hạt - Ảnh 4.

Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, cầu đã phục tốt cho việc đưa bộ đội vũ khí, đạn dược qua sông tấn công vào Đà Nẵng, đồng thời chuyển thương binh về tuyến sau thuận lợi, an toàn.

Cũng trong năm 1968, du kích Điện Thắng do đồng chí Đỗ Oai chỉ huy tổ chức trận đánh chặn lính Mỹ và Ngụy từ An Tự tiến vào Phong Lục Đông, đồng chí Oai và đồng chí Chình ở Thanh Quýt đánh hướng chính diện, hai tổ ở Đông và Tây cầu. Địch đã đến phần cầu đồng chí Oai phát hiệu lênh, 3 tổ đồng loạt nổ súng, bọn Mỹ hoảng loạn tháo chạy. Chết tại chổ 2 tên và bị thương nhiều tên, ta thu được khẩu súng garand M2, đây là trận đánh chặn đứng sự tiến công vào làng của Mỹ ngụy kết hợp mở đầu cho những trận đánh của du kích xã Điện Thắng sau này.

Trong khu vườn nhà bà Hạt có 3 hầm bí mật do du kích Điện Thắng đào để trú ẩn và hoạt động đồng thời nuôi dấu các đồng chí cán bộ tỉnh, huyện về công tác. Hầm tồn tại ngay trong lòng địch. Mặc dầu địch đón đồn ở nhà Chánh Sáo vùng Đông Phong Lục và cây Gia An Tự nhưng những căn hầm nầy được nhân dân che chở nên suốt những năm kháng chiến chống Mỹ vẫn an toàn không bị lộ.

Tản mạn một số điều chung quanh chiếc cầu trên quê hương Điện Thắng, nhiều kỷ niệm và câu chuyện đáng nhớ một thời. Hy vọng một ngày không xa cây Cầu Hạt sẽ được xây dựng khang trang phục vụ cho nhân dân đi lại thuận tiện. Một đô thị Điện Thắng Nam đầy hứa hẹn trong tương lai.

                                                                                 03/06/2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem