Kể chuyện làng: Cuối xuân, nhung nhớ món bánh trùng mật mía

Kỳ An Trịnh Thứ tư, ngày 20/03/2024 11:05 AM (GMT+7)
Những ngày cuối Xuân, khi đang miệt mài với hàng loạt dự án của công ty, chợt nhận được tin nhắn của cô em gái: "Tết hàn thực sắp về, mẹ làm nhiều bánh trùng mật mía lắm, vì biết chị thích ăn”.
Bình luận 0

"Chị có về quê được không? Cả nhà đều nhớ chị". Vài dòng tin nhắn giản đơn của em nhưng gợi nên biết bao cảm xúc trong tôi.

Thông thường, ở miền Bắc nước ta vào những ngày cuối mùa Xuân sẽ có một ngày Tết cổ truyền mà dân gian thường gọi là tiệc bánh trôi. Bà tôi khi còn sinh thời kể lại rằng, tiệc bánh trôi thông thường sẽ diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Dẫu không náo nhiệt như dịp Tết truyền thống nhưng việc chuẩn bị cho Tết Hàn thực cũng mất khá nhiều công sức. Từ ngày mồng 1, mồng 2, bà con quê tôi đã tấp nập chuẩn bị bột để làm bánh trong không khí vô cùng tấp nập. Điều thú vị là ở quê tôi vào ngày Tết hàn thực không chỉ có bánh trôi như những nơi khác mà còn có thứ bánh dẻo thơm ngọt ngào với tên gọi là bánh trùng mật mía.

Kể chuyện làng: Cuối xuân, nhung nhớ món bánh trùng mật mía- Ảnh 1.

Chuẩn bị bột làm bánh trùng mật mía. Ảnh: Tác giả cung cấp

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, bánh trùng mật mía là một đặc sản độc đáo với hương thơm thoang thoảng của gừng tươi, chút bùi bùi của vừng rang vàng kết hợp chút dẻo thơm của bột nếp và vị ngọt thơm của mật mía. Cách chế biến món ăn này cũng tương tự như bánh trôi, bánh chay. Bản thân tôi đã vài lần dò hỏi nhưng các ông bà lớn tuổi ở quê tôi chẳng ai còn nhớ bánh trùng có từ bao giờ, càng không nhớ sự tích gì về món bánh này mà chỉ biết đây là loại bánh khá giống với bánh trôi, bánh chay vì cách làm hao hao như nhau.

Dẫu chỉ là một loại bánh dân dã nhưng bánh trùng lại gây thương nhớ cho rất nhiều người khi xa quê. Chắc cũng vì lẽ đó nên loại bánh thường được bà con quê tôi chế biến để dành cho những đứa con đi xa lâu ngày mới về hay những khi nhà có người ghé thăm để tỏ lòng thảo thơm với khách phương xa.

Bản thân tôi luôn tin mỗi loại bánh đều có những câu chuyện của riêng mình. Câu chuyện của bánh trùng mật mía chính là niềm tin về sự hội ngộ và biết bao ký ức ngọt ngào khó quên của những phút giây được sum vầy bên nhau. Tôi yêu thích món bánh này cũng vì mỗi dịp làm bánh cả nhà bao gồm ông bà, bố mẹ và lũ trẻ con chúng tôi lại được quây quần bên chiếc mâm đựng bột trắng tinh. Trong cơn gió cuối xuân mơn man, gia đình tôi vừa nặn bánh vừa trò chuyện vui vẻ, không khí gia đình vì lẽ đó cũng trở nên ấm áp, vui vẻ đến kỳ lạ.

Theo kinh nghiệm làm bánh của bà tôi, muốn có được món bánh thơm ngon, chúng ta cần chọn lựa được loại gạo nếp dẻo, hạt to đều, trắng thơm. Vốn bản tính tỉ mỉ, bà tôi bao giờ cũng ngồi đãi thật sạch số gạo nếp chuẩn bị làm bánh, nhằm loại bỏ hoàn toàn các tạp chất. Sau khi đem đãi sạch, bà sẽ ngâm số gạo nếp này qua đêm. Đó là cách để khi nghiền mịn, bột khỏi chua và bánh sẽ dẻo lâu hơn. Đứa trẻ hay tò mò là tôi khi ấy thường cố gắng thức khuya để nhìn cảnh ông ngoại xay bột. Giữa đêm khuya tĩnh mịch, ông ngoại cứ thế quay từng vòng nhịp nhàng, một tay cầm cán cối quay, tay kia thi thoảng vun gạo xuống lỗ cối, lúc lại lấy thìa nước tưới từng ít một đều đặn vào cối gạo cho dễ xay và bột xuống đều. Khi bột đã được xay nhuyễn, nhìn mềm như tơ, mát tay như lụa thì bà tôi sẽ đem đổ nước bột vào túi vải sạch, buộc chặt miệng túi lại và treo lên chiếc sào ở góc bếp. Đó là cách bà tôi bảo quản bột làm bánh, cũng bởi bột sau khi được nghiền mịn phải để nơi ráo nước.

Tiêu chuẩn để đánh giá một túi bột chất lượng để làm bánh là khi hoà với nước, không được cứng mà cũng chẳng nên nhão quá. Cũng bởi, nếu bột cứng bánh sẽ không mềm, còn nếu bột nhão quá khi luộc bánh sẽ dễ bị nát, không tạo được thẩm mỹ cho món ăn. Sau đó, chúng ta sẽ nhẹ nhàng nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám, to hơn viên bánh trôi một chút là được. 

Kể chuyện làng: Cuối xuân, nhung nhớ món bánh trùng mật mía- Ảnh 2.

Bánh trùng mật mía quê tác giả. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ở nhà tôi, bà và mẹ thường vo viên bột thành những miếng có hình quả trám, kích cỡ lớn hơn viên bánh trôi một chút. Mẹ tôi thường bảo nặn bánh chỉ nên vửa phải ở kích thước này, vì nếu nặn to quá thì nhìn chiếc bánh sẽ trông thô không đẹp mà lại lâu chín, khi thưởng thức sẽ gặp phải tình trạng ở ngoài nát mà bên trong lại sống. Còn bánh nặn nhỏ thì trông lại lắt nhắt, không được tinh tế. Thiết nghĩ, để làm ra được những chiếc bánh trùng mật tưởng chừng như đơn thuần ấy là biết bao công sức chuẩn bị kĩ càng và bàn tay khéo léo của bà và mẹ.

Bánh trùng ở quê tôi thường sẽ không có nhân mà chỉ đơn thuần là bột nếp viên lại như vậy. Điểm tinh tuý của món bánh trùng mật mía là bánh không phải được luộc với nước sôi mà bằng mật mía, thứ tinh túy chắt chiu từ những cây mía trên bãi bồi ven sông Hồng. Nhà nội tôi chuyên dùng mía để lấy mật nên lúc nào ông bà cũng chắt chiu gửi cho bố mẹ tôi dùng suốt năm. Với mật mía, mẹ tôi thông thường sẽ hòa cùng với chút nước lọc để giảm bớt vị ngọt, giúp bánh nấu lâu ngày vẫn không bị cháy. Muốn nước mật có mùi thơm nồng nàn tự nhiên, mẹ tôi chỉ cần thả chút gừng tươi giã nhuyễn vào. Và cũng tuy theo sở thích ăn uống của từng người, chúng ta có thể gia giảm thêm lượng nước phù hợp vào mật mía.

Còn gì tuyệt vời hơn hương vị của bột nếp mềm mại, trắng tinh khôi quyện với màu đỏ nâu cánh gián đậm đà, vị dẻo thơm mát lành hòa với chút ngọt ngào nồng đượm, thật không gì sánh bằng. Tưởng như bao nhiêu cái tinh túy của đất trời, của đồng ruộng, của nước sông Hồng ngàn năm cuộn chảy được thu vào trong thứ bánh thảo thơm vị quê nhà.

Sau khi nấu xong, những bát bánh trùng sẽ được bày lên mâm cùng với những đĩa bánh trôi trắng ngần để dành thắp hương cho ông bà trong ngày Tết hàn thực để tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Bà tôi thường bảo bánh trôi có hình tròn tượng trưng cho sự viên mãn tròn đầy còn bánh trùng ngọt ngào là mong ước cho tình cảm gia đình thủy chung và son sắt. Đó cũng là những mong ước của thế hệ trước về mái ấm gia đình bền vững, vui vẻ và hạnh phúc.

Sau khi thắp hương xong, con cháu trong nhà sẽ cùng quây quần thưởng thức hai món truyền thống là bánh trôi bánh trùng. Hai thứ bánh này phải được thưởng thức lúc nguội mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon, đặc biệt là trong tiết tháng Ba còn vương vấn cái rét nàng Bân lại càng tuyệt vời hơn. Cũng chính do đó nên dân gian ta vẫn gọi khoảng thời gian này là Tết hàn thực (ăn lạnh).

Bản thân tôi rất thích thưởng thức bánh trùng nguội hẳn thì nước mật càng sánh, bánh dẻo quánh lại. Cầm đũa nâng miếng bánh trùng lên, bánh dẻo cong mình xuống, nước mật gừng tỏa ra thơm lừng, những giọt mật từ từ rớt xuống bát như còn vương vấn chẳng muốn rời khỏi chiếc bánh. Vị ngọt sắc của mật mía, quyện với vị dẻo thơm của nếp cái hoa vàng trong tiết cuối Xuân nồng nàn khiến lòng tôi ấm áp biết bao nỗi vấn vương.

Tôi nhớ trong khoảng đời tuổi thơ tôi có những năm tháng khó khăn, người làm nông mất mùa nên chẳng có tí lúa nếp để làm bánh trùng. Mẹ tôi trong hoàn cảnh khó khăn đã tận dụng sắn khô thay nếp để làm bánh mà vẫn dẻo ngon đến lạ. Bố tôi khi ấy thường hài hước gọi bánh trùng sắn là "bánh nhà nghèo". Dẫu đạm bạc là thế nhưng chúng tôi vẫn ăn không biết chán và không ngừng mong đợi đến ngày mẹ làm bánh để nhấm nháp. Mãi cho đến hôm nay, khi đã trở thành một người trưởng thành, hương vị của chiếc bánh trùng mật mía mộc mạc ấy vẫn luôn còn mãi trong ký ức của tôi, như một lời nhắc nhớ về khoảng đời tuổi thơ đầy êm đềm và hạnh phúc.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem