Kênh Ba Bò tái ô nhiễm: Bao nhiêu nghìn tỷ đồng nữa sẽ đổ xuống?

Lý Tín Thứ sáu, ngày 06/10/2017 18:10 PM (GMT+7)
10.000 tỷ đồng đã đầu tư cho việc cải tạo, xử lý ô nhiễm cho kênh Ba Bò chỉ dài hơn 6km nhưng không hiệu quả. Mới đây, con kênh này tái ô nhiễm, Bình Dương và TP.HCM tiếp tục thảo luận phương án xử lý.
Bình luận 0

img

10.000 tỷ đồng đã bỏ ra nhưng kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm. Ảnh: Lý Tín

Chiều ngày 6.10, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và TP.HCM đã tiến hành thỏa thuận, ký kết kế hoạch xử lý ô nhiễm trên kênh Ba Bò giai đoạn 2017-2018.

Nguồn ô nhiễm từ tỉnh Bình Dương

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương, mỗi ngày, kênh Ba Bò nhận khoảng 20.000 m3 nước thải. Phần lớn nước thải, khoảng 15.000 m3/ngày là từ hai Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2. Còn lại 4.500 m3 nước thải từ khu dân thuộc TX Thuận An, Dĩ An và Quân đoàn 4.

Trước đây, kênh Ba Bò ô nhiễm rất nặng. Nhưng từ năm 2008, khi Bình Dương và TP. HCM cùng triển khai dự án nạo vét, cải tạo xây dựng bờ kè thì tình trạng ô nhiễm giảm đến 80%.

Tuy nhiên, cuối năm 2016, theo quan trắc, kênh Ba Bò tái ô nhiễm. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm, theo Sở Tài nguyên Môi trường Bình Dương là do nước thải của các khu dân cư ở Thuận An, Dĩ An (Bình Dương), một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 có dấu hiệu xả lén nước thải chưa qua xử lý ra kênh. Khảo sát cũng cho thấy nhà máy xử lý nước thải trong KCN Sóng Thần 2 quá tải, vượt 1,23 lần so với quy định.

Xử lý ô nhiễm, hai nơi cùng kêu khó

Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố đã đổ vào việc xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò khoảng 10.000 tỷ đồng.

“Trong khi nguồn kinh phí của TP. HCM rất hạn hẹp nên mong báo chí thông cảm cho những khó khăn của thành phố khi đòi hỏi quyền lợi cho người dân. TP.HCM đã phối hợp chặt với Bình Dương, Quân đoàn 4 để khảo sát thực tế nhằm có kế hoạch xử lý sắp tới. Kênh Ba Bò đoạn chảy qua địa phận TP.HCM nằm ở cuối nguồn nên lãnh đủ việc xả thải", ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cũng cho biết thêm, TP.HCM sẵn sàng lắng nghe từng khúc mắc của mỗi cơ quan đơn vị, mỗi tỉnh thành để cùng hợp tác xử lý. TP.HCM mong Bình Dương sớm khắc phục, xử lý việc xả thải gây ra ô nhiễm cho kênh Ba Bò, đồng thời chia sẻ thông tin quan trắc được”.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho rằng tỉnh Bình Dương cũng đã bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư nhiều nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp. “Chưa có nơi nào dũng cảm bỏ tiền ra xây dựng những công trình này như Bình Dương. Chúng tôi rất nỗ lực nhưng cần có sự phối hợp đồng bộ với Quân đoàn 4, với TP.HCM và cơ quan báo đài tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân”, ông Dũng phát biểu.

img

Lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Bình Dương ký kết dự thảo kế hoạch liên tịch xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò giai đoạn 2017-2018.

Thời gian tới, ông Dũng yêu cầu các cơ quan ban ngành tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp xả thải lén ra kênh Ba Bò. “Họ lựa ban đêm, trời mưa mới xả lén thì mình phải đi kiểm tra thời điểm đó”, ông Dũng nói.

Tại buổi họp, các cơ sở như Công ty Đại Nam, Thanh Lễ (chủ đầu tư KCN Sóng Thần 1, 2) cho biết, đang xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và hứa tới tháng 10.2018 sẽ hoàn thành. Quân đoàn 4 cũng nêu khó khăn về kinh phí khi xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt của hộ dân, kho bãi do mình cho thuê.

Cuối buổi làm việc, đại diện lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Bình Dương cùng ký kết Dự thảo kế hoạch liên tịch của 2 tỉnh thành trong công tác xử lý ô nhiễm trên kênh Ba Bò giai đoạn 2017 – 2018. Tuy nhiên, kinh phí là bao nhiêu chưa được tiết lộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem