Kênh Suez đã thông, nhưng còn điều đáng lo hơn ở phía sau

30/03/2021 08:04 GMT+7
Hôm 29/3, siêu tàu container Ever Given đã được giải cứu khỏi vụ mắc kẹt ở kênh đào Suez. Tuy nhiên, các chuyên gia quan sát nhận định thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nhất định sau sự cố gián đoạn này.

Ông Douglas Kent, phó chủ tịch điều hành chiến lược và liên minh tại Hiệp hội quản lý chuỗi cung ứng cho biết: “Chúng ta có thể ăn mừng khi con tàu được giải cứu thành công và thông kênh đào Suez. Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó”.

“Hệ quả kéo theo chắc chắn là kênh tiếp tục ùn tắc… và tất nhiên là sự hỗn loạn sau gián đoạn này”.

Kênh Suez đã thông, nhưng còn điều đáng lo hơn ở phía sau - Ảnh 1.

Tàu Ever Given đã được giải cứu khỏi điểm mắc kẹt ở kênh đào Suez

Con tàu Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới, đã bị mắc kẹt giữa lòng kênh Suez từ thứ Ba tuần trước, qua đó chặn đứng kênh đào quan trọng nơi thông qua 12% kim ngạch thương mại đường biển toàn cầu. Giới chức Ai Cập và cơ quan quản lý kênh đào Suez đã làm việc ngày đêm để giải cứu con tàu 220.000 tấn với sự hỗ trợ của nhiều bên. Đến 9 giờ sáng 29/3 (giờ địa phương), con tàu được giải cứu với 10 tàu kéo và hàng loạt thiết bị nạo vét, trục vớt chuyên dụng.

Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez, gần 19.000 tàu đã đi qua kênh này trong năm 2020, tương đương trung bình 51,5 lượt tàu mỗi ngày.

Đến sáng 29/3 giờ địa phương, vẫn còn 350 tàu đang chờ đợi ở cả hai đầu kênh Suez. Đại lý hãng tàu GAC cho biết giao thông qua kênh đào dự kiến sẽ trở lại bình thường trong 3-4 ngày tới. Các con tàu đã bắt đầu di chuyển xuống phía nam từ Hồ Great Bitter vào Vịnh Suez vào 29/3 khi Cơ quan quản lý kênh đào Suez thúc đẩy giao thông bình thường trở lại.

Stephen Flynn, giáo sư của khoa học chính trị tại Đại học Northeastern cũng nhận định rằng ngay cả khi kênh đào Suez được thông tắc, mức độ ảnh hưởng của sự cố gián đoạn sẽ còn tăng lên “sau mỗi 24 giờ”. Quan trọng hơn, nó tiếp tục gây thêm sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã lao đao hậu đại dịch vì tình trạng thiếu container. Thay vì xuất khẩu nông sản Mỹ, các hãng vận tải đã gửi những container rỗng này sang Trung Quốc để chất đầy hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về nước, qua đó kiếm lời nhiều hơn, kết quả cuộc điều tra của CNBC cho hay. “Tình hình trước đây chưa bao giờ căng thẳng đến mức này” - ông Flynn nhấn mạnh.

Trong cơn bão mua hậu đại dịch, các con tàu container ngày càng trở nên lớn hơn trong khi không phải cảng nào cũng đủ sức tiếp nhận những con tàu có kích thước khổng lồ như Ever Given. Các siêu tàu có thể đi từ Trung Quốc đến Rotterdam - con đường mà Ever Given đã đi - nơi các container sẽ được chuyển sang những tàu kích thước nhỏ hơn để đi đến phần còn lại của châu Âu, hoặc thậm chí là Mỹ. Nói cách khác, các cảng nhỏ hơn không thể tiếp nhận được những siêu tàu container này nếu hải trình thay đổi do tắc nghẽn kênh đào Suez. 

Mark Szakonyi từ Tạp chí Thương mại IHS cũng cho rằng sẽ mất nhiều thời gian để hoạt động giao thông qua kênh đào Suez bình thường trở lại. Ông Mark đồng thời cảnh báo sự cố có thể kéo theo gián đoạn chuỗi cung ứng trong nhiều tháng, đặc biệt khi kim ngạch nhập khẩu của châu Âu và Bắc Mỹ từ châu Á đang tăng đột biến trong bối cảnh đại dịch.

Một số công ty vận tải biển, bao gồm Hapag-Lloyd, đã quyết định định tuyến lại các tàu qua Mũi Hảo Vọng để tránh nút tắc nghẽn ở kênh Suez. Điều này không chỉ kéo dài hải trình thêm khoảng 1 tuần, mà còn khiến chi phí vận chuyển đội lên cao. Điều này có thể gây hệ lụy đáng kể với người tiêu dùng, khi giá hàng hóa do đó mà tăng lên.


NTTD
Cùng chuyên mục