Kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư: Tạo nguồn lực quan trọng hỗ trợ nông dân thiết thực

Thu Hà Thứ bảy, ngày 12/12/2020 12:24 PM (GMT+7)
10 năm thực hiện Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư đã tạo nguồn lực to lớn, là điều kiện, phương tiện để các cấp Hội ND tiến hành có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; các phong trào thi đua của Hội ND phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Bình luận 0

Hôm nay, ngày 12/12, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 61 T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020" và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020.

Hơn 27.000 nông dân là tỷ phú

Nông dân hưởng lợi, nông thôn thêm hiện đại - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN thăm mô hình Chi hội nông dân nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, Hưng Yên. Ảnh: Thu Hà

Thông qua thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673, các bộ, ngành T.Ư và các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để Hội ND các cấp tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, là cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, bố trí mặt bằng để xây dựng các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện cho các trung tâm hoạt động; ký kết các chương trình phối hợp với Hội ND cùng cấp.

Đây là những nguồn lực to lớn, là điều kiện, phương tiện để các cấp Hội ND tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; các phong trào thi đua của Hội ND phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp Hội ND phát động đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Các cấp Hội tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện và hằng năm bình quân có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 138,4% so với mục tiêu đề án).

Chất lượng phong trào được nâng lên với trên trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, trên 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng, trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

Hằng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 4.800 tỷ đồng. Đồng thời các hộ này cũng tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, 100.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có.

Phong trào đã góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân ở nông thôn từ mức 9,15 triệu đồng/người (năm 2008) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018) tăng gấp 3,92 (đạt 156,8% so với mục tiêu đề án). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm), đến năm 2020 ước còn dưới 3%.

Trên 568.000 hộ được vay vốn

Công tác đào tạo, dạy nghề cho hội viên (10 năm qua):

* Đào tạo được 619 lớp với tổng số 21.409 học viên

* Phối hợp và trực tiếp tổ chức dạy nghề trình cho 2.087.328 lượt nông dân

* Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 80%.

Thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội NDVN đã xây dựng và triển khai Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân" (HTND) đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống Quỹ HTND được kiện toàn ở 3 cấp: T.Ư, tỉnh, huyện.

Trong 10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ HTND T.Ư; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ HTND các cấp ở địa phương trên 1.980 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn hệ thống Hội đến nay đạt trên 3.624 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã giúp trên 568.737 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, trong 10 năm qua, các cấp Hội ND đã tích cực vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể.

Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Nhiều tỉnh, thành Hội đã chủ động đăng ký tham gia thực hiện một số tiêu chí phù hợp với chức năng của Hội như: Xây dựng thiết chế văn hóa, thu gom xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 19,1%).

Về nhiệm vụ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở đào tạo, dạy nghề cho nông dân, đến nay 55 tỉnh, thành phố đã bố trí mặt bằng xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; 35 tỉnh, thành phố được đầu tư xây mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; đã có 21 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; 42 tỉnh, thành phố đã bố trí biên chế sự nghiệp cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem