Khách mua dịch vụ nghe lén bồ bịch xuyên Việt có thể bị truy tố

Thứ bảy, ngày 21/11/2015 17:15 PM (GMT+7)
Cần phải nhấn mạnh rằng việc nghe lén thông tin của người khác, của doanh nghiệp đều không được pháp luật cho phép. Người sử dụng dịch vụ nghe lén cũng có thể bị truy tố trước pháp luật.
Bình luận 0

Ngày 18.11, các trinh sát của Bộ Công an đã bắt giữ 5 nghi can để điều tra hành vi truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.

Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây này là lên mạng rao bán các phần mềm theo dõi cho những người có nhu cầu. Trong đó khách hàng tiềm năng của nhóm đối tượng này là bồ bịch muốn theo dõi nhau, hoặc đối tác làm ăn muốn lấy thông tin nhau.

Sau khi khách hàng mua phần mềm này về, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ cách cài đặt vào điện thoại của người cần theo dõi và thu thập thông tin.

img

Khách mua dịch vụ nghe lén cũng có thể bị truy tố hình sự (ảnh minh họa).

Hành vi truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác được quy định tại Điều 226a Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 với khung hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Tuy nhiên, liên quan đến vụ án này nhiều người còn băn khoăn đến vấn đề trách nhiệm pháp lý của những người khách hàng mua và sử dụng dịch vụ nghe lén của các đối tượng nêu trên. Bởi lẽ rất có thể nhiều thông tin đời tư của người khác, của các doanh nghiệp đã bị xâm phạm, lấy cắp hoặc nghe lén.

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng:

“Tôi đánh giá đây là một sự việc rất nghiêm trọng. Không chỉ đối với cá nhân một ai đó mà còn có thể ảnh hưởng đến an ninh Quốc gia và kinh tế xã hội. Nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi trái pháp luật để hỗ trợ người khác cũng thực hiện một hành vi trái pháp luật. Cần phải nhấn mạnh rằng việc nghe lén thông tin của người khác, của doanh nghiệp đều không được pháp luật cho phép”.

Liên quan đến trách nhiệm pháp lý của những khách hàng mua, sử dụng dịch vụ nghe lén, luật sư Giang Văn Quyết phân tích: “Đối với những khách hàng mua dịch vụ nghe lén của các đối tượng trên thì cần phải tiếp tục được mở rộng, điều tra làm rõ. Việc các khách hàng này sử dụng các thông tin đó vào mục đích gì, gây hậu quả ra sao sẽ là căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự hoặc hành chính của từng người.

Có rất nhiều các tội danh liên quan đến vấn này, tuy nhiên mỗi loại tội danh khác nhau đều phải có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm mới có thể truy tố được. Chẳng hạn:

Đối với người sử dụng thông tin nghe lén, hình ảnh chụp trộm đó để đánh ghen, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của nạn nhân thì có thể bị xem xét truy tố về Tội làm nhục người khác (Điều 121).

Nhưng nếu sử dụng thông tin, hình ảnh đó để nhằm mục đích tống tiền, đòi tài sản thì lại có thể bị xem xét truy tố về tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 135) hoặc Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b).

“Trường hợp, chỉ sử dụng thông tin nghe lén để theo dõi bồ bịch, bạn gái mà không gây hậu quả nghiêm trọng, không sử dụng thông tin vào mục đích trái pháp luật thì chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi đó cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành xử phạt hành chính”, luật sư Quyết nhận định.

5 đối tượng bị bắt giữ được xác định là có quan hệ thân thích với nhau. Cụ thể, giữ vai trò cầm đầu là vợ chồng Lê Kim Đính (33 tuổi) - Nguyễn Thị Huế (29 tuổi, cùng ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM). 3 người còn lại là Nguyễn Văn Cao (28 tuổi), Nguyễn Văn Nguyên (25 tuổi, cùng là em ruột của Huế) và Lê Đức Anh (24 tuổi, là em họ của Huế, tạm trú TP.Hà Nội).

Trong đó, Đính và Nguyên đứng tên thành lập 2 công ty có trụ sở ở quận Tân Bình (TP.HCM) và thiết lập hàng loạt website, trang mạng xã hội Facebook núp bóng hoạt động như mô hình công ty thám tử một cách bất hợp pháp.

Một cán bộ của C50, khu vực phía Nam cho hay, khi cài phần mềm vào điện thoại, máy sẽ tự động kích hoạt các chế độ như: ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn, hình ảnh. Nguy hiểm hơn, máy điện thoại sẽ tự động kích hoạt chế độ chụp hình, quay phim mà người bị theo dõi không hề hay biết. Toàn bộ thông tin, hình ảnh sẽ được chuyển vào một tài khoản trên mạng, khách hàng chỉ cần lên đó xem và nghe thông tin.

Đặc biệt hơn, phần mềm của chúng cài vào không gây tốn pin, không có dấu hiệu lạ gì trên điện thoại để người bị nghe lén có thể phát hiện ra được.

Theo Dân Trí

Nhất Phiến (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem