Khai phá tiềm năng, xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc

Nguyễn Quỳnh Thứ ba, ngày 31/12/2019 16:15 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến ở nước ta còn rộng mở, nhất là khi thị trường Trung Quốc sắp cho nhập khẩu chính ngạch tổ yến từ Việt Nam năm 2020. Ngay từ giờ, ngành yến cần làm ăn theo chuỗi để có thể tận dụng tiềm năng, gia tăng giá trị.
Bình luận 0

Nguồn thu triệu USD

Ở khu vực Đông Nam Á, nghề nuôi yến lấy tổ tại nhà đã phát triển rất lâu, nhất là ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Tại Việt Nam, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đến nay, nghề dẫn dụ gây nuôi chim yến đã được phát triển tại các địa phương trên toàn quốc từ Hải Phòng đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên. Các tỉnh ven biển phía Nam có đảo như Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu… còn có thể phát triển yến đảo.

img

    Chế biến tổ yến tại Trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam (huyện Cần Giờ, TP.HCM).   Ảnh: N.Q

Trước đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo các hội, chi hội nghề nghiệp, hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, phối hợp với các cơ quan chức năng cùng người nuôi chim yến ở các địa phương tiếp tục hoàn thiện mô hình liên kết để sản xuất tổ yến theo chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Hướng dẫn xây dựng, cải tạo nhà yến trong chuỗi liên kết đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho sản phẩm tổ yến đáp ứng chất lượng, an toàn dịch bệnh đủ điều kiện xuất khẩu.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Việt Nam có 8.300 nhà yến với diện tích trên 2,1 triệu m2, phân bố tại 42 tỉnh thành trên cả nước năm. Tổng đàn yến toàn quốc khoảng trên 10 triệu con. Sản lựợng tổ yến khoảng 68 tấn với giá bán từ 1.500-2.000 USD/kg tổ yến, thu về khoảng 100-125 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng nhà yến mới tăng mạnh trong 2 năm 2018-2019. Sự tăng trưởng này mang tính tự phát, không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, gây khó khăn trong việc quản lý.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Phát triển bền vững ngành yến ở các tỉnh, thành phía Nam” tổ chức tại TP.HCM ngày 26/12, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: Hiện ngành yến Việt cũng có một số tiến bộ như sinh sản nhân tạo được yến con, sản xuất thức ăn nhân tạo cho nuôi yến... Tổ yến chế biến tinh có giá trị cao gấp mấy lần yến thô.

Tuy nhiên, ngành này đã và đang phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn, như nuôi tự phát, phong trào, chưa có định hướng dài hạn, quản lý điều kiện dẫn dụ chim yến còn thiếu quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính chim yến.

Các chuỗi sản xuất sản phẩm ngành yến bước đầu hình thành nhưng chưa thống nhất với nhau về mục tiêu chung và phát triển ngành hàng yến sào, chưa có các quy trình phòng chống dịch bệnh, quy cách chọn chuồng trại dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Nhiều hộ nuôi còn thiếu các kiến thức, hiểu biết về chim yến, rất nhiều trường hợp đầu tư nhà yến hàng tỷ đồng mà không dẫn dụ được hoặc dẫn dụ rồi yến lại bỏ đi.

Về tình hình chế biến và tiêu thụ, sản phẩm yến sào Việt Nam hiện nay chủ yếu là xuất dưới dạng thô, giá trị thấp qua đường tiểu ngạch do thương lái, đầu nậu thu gom. Việc xuất khẩu yến thô và phát triển nuôi yến tự phát đang làm giảm giá trị sản phẩm cũng như thương hiệu của ngành yến tại Việt Nam.

Thạc sĩ Đỗ Tú Quân - Chi Hội trưởng Chi hội nhà yến Việt Nam cho rằng: Hiện nay đang xuất hiện tình trạng xây dựng ồ ạt, thiếu kiểm soát về quy mô. Điều này nếu không được kiểm soát sớm thì sẽ phát sinh những bất cập gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và cho ngành yến của Việt Nam.

Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Thực tế cho thấy, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng và rộng mở với ngành yến Việt. Chỉ trong năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 100 tấn tổ yến có chứng nhận tem nguồn gốc từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, với giá khoảng 5.000-6.000 USD/kg.

Theo đại diện Cục Thú y, Bộ NNPTNT đã nộp đơn xin xuất khẩu sản phẩm yến sào sang Trung Quốc cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc từ tháng 12/2018. Đến cuối tháng 2/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã gửi lại bảng câu hỏi đánh giá rủi ro đối với các sản phẩm yến sào có liên quan cho Bộ NNPTNT.

Hiện phía Trung Quốc đang tiến hành đánh giá rủi ro trên cơ sở các câu trả lời và các tài liệu liên quan đã được Bộ NNPTNT cung cấp từ tháng 4/2019. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì cuối năm nay, Trung Quốc sẽ cử một nhóm chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu yến sào của Việt Nam.

Sau đó, hai bên sẽ đàm phán về các yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch đối với việc xuất khẩu các sản phẩm yến sào sang Trung Quốc. Tiếp đến là ký nghị định thư và thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu; đăng ký doanh nghiệp trên hệ thống mạng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các bước tiếp theo để tiến hành xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn. Nhiều tỉnh có lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái.

“Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến. Để phát triển nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch các vùng trong nước; đồng thời có những giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất để có thể phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”, ông Trọng đánh giá.

Đặc biệt, theo ông Trọng, để xây dựng thương hiệu yến sào Việt Nam lớn mạnh đủ tầm vươn ra thị trường quốc tế, xâm nhập thị trường Trung Quốc, tạo uy tín ở các thị trường cao cấp như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Canada… cần phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem