Khám chữa bệnh từ xa: Đừng đưa cả ca bệnh tử vong, đã ra viện lên hội chẩn

Diệu Linh Thứ năm, ngày 24/09/2020 13:38 PM (GMT+7)
Ngày 24/9, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, để phát triển mô hình khám chữa bệnh từ xa cần có sự quyết tâm của tất cả các cơ sở y tế, đừng tham gia một cách hình thức, thậm chí đưa cả bệnh nhân đã chết, đã ra viện để hội chẩn.
Bình luận 0

Tại tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ khánh thành kết nối 1000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa (sẽ diễn ra vào 14h chiều mai 25/9) ngày 24/9, PGS Hiếu cho biết, sau hơn 6 tháng thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện (BV) Đại học Y đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn, gần 300 bệnh nhân đã được khám chữa bệnh từ xa. 

"Vấn đề sau 40 buổi hội chẩn là phải phát triển mô hình một cách thực chất, tất cả các cơ sở y tế đều quan tâm. Nếu chỉ có BV hạt nhân tích cực còn BV vệ tinh chỉ hoạt động hình thức, tham gia cho có thì sẽ không hiệu quả. Thậm chí có BV còn mang cả bệnh nhân đã tử vong, bệnh nhân đã ra viện ra hội chẩn hoặc có nơi chỉ muốn khoe mình làm tốt thì mô hình khám chữa bệnh từ xa sẽ không có ý nghĩa", PGS Hiếu nói. 

Theo PGS Hiếu, nếu thực hiện tốt mô hình khám chữa bệnh từ xa sẽ nâng cao vị thế của BV địa phương lên. Như vậy, bệnh nhân sẽ yên tâm ở lại địa phương điều trị mà không phải vượt đường xá xa xôi lên tuyến trên vừa tốn kém, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. 

Khám chữa bệnh từ xa: Đừng đưa cả ca bệnh tử vong, đã ra viện lên hội chẩn - Ảnh 1.

Bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội đang khám từ xa cho một ca bệnh

PGS Hiếu cũng cho biết, trong giai đoạn 2 của mô hình khám chữa bệnh từ xa, các BV có thể mở phòng khám trực tiếp để BV hạt nhân cùng khám bệnh với BV vệ tinh. Còn giai đoạn 3, sẽ khám trực tiếp tại gia đình với các dụng cụ phục vụ cho việc khám chữa bệnh từ xa do BV mang đến. 

Tuy nhiên, PGS Hiếu cũng nhận định, khó khăn lớn nhất hiện nay để triển khai mô mình khám chữa bệnh từ xa chính là hành lang pháp lý. 

"Đơn cử như bác sĩ BV hạt nhân và BV vệ tinh cùng tham gia hội chẩn, chỉ định điều trị cho 1 ca bệnh, nhưng chỉ có bác sĩ BV vệ tinh nơi tiếp nhận ca bệnh ký được đơn thuốc, còn bác sĩ BV hạt nhân chưa có quy định về pháp luật cho phép "ký đơn thuốc từ xa". Nếu như có chuyện gì không may xảy ra với bệnh nhân thì chỉ có bác sĩ tuyến dưới chịu trách nhiệm, bác sĩ tuyến trên muốn chịu trách nhiệm cũng khó", PGS Hiếu phân tích. 

Ngoài ra, việc thanh toán cho khám chữa bệnh từ xa cũng chưa được quy định cụ thể. "4 tháng nay chúng tôi khám chữa bệnh từ xa hơn 300 bệnh nhân với 40 buổi hội chẩn mà chưa thu được đồng nào", PGS Hiếu nói. 

TS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc BV Bạch Mai cũng cho biết, BV đã triển khai khám chữa bệnh từ xa từ lâu. Đây là mô hình hiệu quả để các bác sĩ tuyến trên kịp thời hỗ trợ những ca bệnh khó cho tuyến dưới. 

"Chúng tôi không chỉ dừng ở việc hội chẩn, trợ giúp khám, điều trị cho từng ca bệnh mà còn hệ thống lại các ca bệnh, phát hiện các khó khăn của tuyến dưới để tổ chức đào tạo, chuyển giao kiến thức đúng những gì tuyến dưới đang cần", TS Hùng cho biết. 

Còn về việc bảo mật thông tin bệnh nhân, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, chia sẻ, BV có quy định không được stream live, không đưa thông tin cá nhân của bệnh nhân ra ngoài cuộc hội chẩn nếu chưa có sự đồng ý của bệnh nhân và người nhà. 

Các thông tin tại buổi hội chẩn không chỉ ảnh hướng đến bệnh nhân mà còn các bác sĩ soạn bệnh án, chẩn đoán, rồi uy tín các BV, tất cả đều cần được bảo mật. 

"Trong các buổi hội chẩn với nhiều đầu cầu, chúng tôi chỉ hội chẩn song phương giữa BV Nhi Trung ương và BV tuyến dưới có ca bệnh, chỉ khi nào có nội dung đào tạo chung mới mở đa phương giữa nhiều đầu cầu. Ví dụ như với Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô vừa qua, sau khi hội chẩn ca bệnh với riêng Cô Tô, chung tôi mở đa phương để hướng dẫn xử lý sốt cao, co giật cho bệnh nhi, là kiến thức mà các BV cơ sở đều cần", PGS Điển chia sẻ. 

Tại tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ khánh thành kết nối 1000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa (sẽ diễn ra vào 14h chiều mai 25/9) ngày 24/9, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sau 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án Khám chữa bệnh từ xa, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.

img

Gặp mặt báo chí thông tin về Lễ khánh thành kết nối 1000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa.

Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…..

Trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để các bệnh viện có căn cứ hoạt động và có các hướng dẫn cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý Khám chữa bệnh phối hợp với các bên liên quan bước đầu xây dựng các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn đầu của Đề án.

Đó là Hướng dẫn Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa; Sách vàng 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa…

Ngày 25/9 khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa trên cả nước ghi dấu ấn triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống ngành y tế Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem